Danh mục bài soạn

Pages

, , , , , , ,

.....

=> Phía trên chỉ là hiển thị 1 phần giáo án. Tài liệu khi tải về sẽ có đầy đủ nội dung bài học

Giáo án Sinh học 12 chân trời sáng tạo bản chuẩn có xem trước

Chuyên mục: Giáo án lớp 12

Tải giáo án Sinh học 12 chân trời sáng tạo bản chuẩn có xem trước. Giáo án tải về là file word, được soạn theo mẫu CV 5512 mới nhất. Giáo án có đủ các bài trong chương trình kì I + kì II. Cách trình bày chi tiết, khoa học. Giáo án bản chuẩn có xem trước soạn bám sát theo chương trình học mới. Do đó, bộ tài liệu này sẽ là sự tham khảo hữu ích, cũng như giúp giúp giáo viên nhẹ nhàng hơn trong việc giảng dạy

Ngày soạn:…/…/…

Ngày dạy:…/…/…

CHƯƠNG 2. TƯƠNG TÁC GIỮA KIỂU GENE VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ THÀNH TỰU CHỌN GIỐNG

BÀI 10. MỐI QUAN HỆ GIỮA KIỂU GENE - KIỂU HÌNH - MÔI TRƯỜNG

  1. MỤC TIÊU
  2. Kiến thức

Sau bài học này, HS sẽ:

  • Phân tích được sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường.
  • Nêu được khái niệm mức phản ứng. Lấy được ví dụ minh họa.
  • Trình bày được bản chất di truyền là di truyền mức phản ứng.
  • Vận dụng được hiểu biết về thường biến và mức phản ứng của một kiểu gene giải thích một số ứng dụng trong thực tiễn (tạo và chọn giống, kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt,...).
  1. Năng lực

Năng lực chung:

  • Năng lực tchủ và tự học: thông qua các hoạt động học tập, HS rèn luyện khả năng làm việc độc lập với SGK, tự thu thập thông tin, xử lí thông tin và giải quyết các nhiệm vụ học tập, các câu hỏi GV yêu cầu.
  • Năng lực giao tiếp và hợp tác:thông qua các hoạt động học tập, HS được rèn luyện kĩ năng giao tiếp, hợp tác trong nhóm, kĩ năng trình bày ý kiến trước tập thể.
  • Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo:thông qua các hoạt động học tập, HS có thể đề xuất các biện pháp, kĩ thuật chăm sóc để nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi, cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.

Năng lực sinh học:

  • Năng lực nhận thức sinh học:
    • Phân tích được sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường.
    • Nêu được khái niệm mức phản ứng. Lấy được ví dụ minh họa.
    • Trình bày được bản chất di truyền là di truyền mức phản ứng.
  • Năng lực tìm hiểu thế giới sống: HS hình thành được phương pháp quan sát, tìm hiểu thế giới sống.
  • Vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học: HS vận dụng các kiến thức đã học để giải thích một số vấn đề thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp nhằm mục đích nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng vật nuôi.
  1. Phẩm chất
  • Chăm chỉ: thông qua tìm hiểu kiến thức bài học, HS được rèn luyện tính chăm chỉ, cần cù, chịu khó.
  • Trách nhiệm: thông qua việc tìm hiểu sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường, HS hình thành và củng cố kiến thức để giải thích một số ứng dụng trong thực tiễn (tạo và chọn giống, kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt,...).
  1. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
  2. Đối với giáo viên
  • SGK, SGV, kế hoạch bài dạy môn Sinh học 12 - Chân trời sáng tạo.
  • Máy tính, máy chiếu.
  • Phiếu học tập.
  1. Đối với học sinh
  • SGK, SBT Sinh học 12 - Chân trời sáng tạo.
  • Nghiên cứu bài học trước giờ lên lớp.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

  1. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
  2. Mục tiêu:
  • HS xác định được nhiệm vụ học tập.
  • HS có tâm thể sẵn sàng và mong muốn khám phá các kiến thức của bài học.
  1. Nội dung:GV đặt vấn đề; HS quan sát Hình 10.1 và trả lời câu hỏi trong hoạt động mở đầu SGK trang 73.
  2. Sản phẩm học tập:
  • Câu trả lời của HS.
  • Tâm thế hứng khởi, sẵn sàng, mong muốn khám phá kiến thức mới của HS.
  1. Tổ chức thực hiện:

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

- GV đặt vấn đề: Cây phù dung (Hibiscus mutabilis) với sắc hoa thay đổi liên tục (buổi sáng hoa nở màu trắng, đến trưa sẽ chuyển sang màu hồng và buổi tối lại đổi thành màu đỏ sẫm) đã tạo nên sự độc đáo và sức hút vô cùng kì lạ.

    

       Buổi sáng Buổi trưa Buổi tối          

Hình 10.1. Màu sắc hoa của cây phù dung ở các thời điểm khác nhau trong ngày                             

- GV yêu cầu HS suy nghĩ và trả lời câu hỏi: Nguyên nhân nào đã giúp hoa phù dung có khả năng chuyển màu độc đáo đến vậy?

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS quan sát Hình 10.1, vận dụng hiểu biết của bản thân để trả lời câu hỏi.

- GV hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời HS xung phong trả lời: Do sự thay đổi ánh sáng tác động làm thay đổi hàm lượng sắc tố trong các cánh hoa phù dung.

- GV mời HS khác lắng nghe, nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV nhận xét câu trả lời của HS và chốt đáp án.

- GV dẫn dắt gợi mở cho HS: - Bài 10. Mối quan hệ giữa kiểu gene - kiểu hình - môi trường.

  1. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC

Hoạt động 1: Tìm hiểu về sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường

  1. Mục tiêu:Phân tích được sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường.
  2. Nội dung: GV giao nhiệm vụ học tập; HS nghiên cứu, tìm hiểu nội dung mục I, quan sát Hình 10.2 - 10.4  SGK trang 73 - 74 và thực hiện nhiệm vụ.
  3. Sản phẩm học tập: Sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường.
  4. Tổ chức hoạt động:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập

- GV chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm có 3 - 4 HS.

- GV yêu cầu các nhóm tìm hiểu nội dung mục I. Sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường, quan sát Hình 10.2 - 10.4, hoàn thành Phiếu học tập (Đính kèm dưới hoạt động).

- Sau khi các nhóm hoàn thành Phiếu học tập số 1, GV yêu cầu HS rút ra kết luận về yếu tố ảnh hưởng đến sự biểu hiện của gene và khái niệm về thường biến.

- Để củng cố kiến thức đã học, GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi các câu hỏi sau: Nêu một số ví dụ chứng minh phân tử protein và các phân tử hữu cơ trong tế bào chỉ thực hiện chức năng trong những điều kiện nhất định.

- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi Luyện tập tr.74 SGK: Nêu một số ví dụ thường biến.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS tìm hiểu nội dung mục I, quan sát Hình 10.2 - 10.4 và thực hiện nhiệm vụ.

- GV hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời đại diện một số nhóm trình bày Phiếu học tập (Đính kèm dưới hoạt động).

- HS xung phong trả lời câu hỏi củng cố: Enzyme amylase ở miệng có hoạt tính tối đa ở pH = 7, trong điều kiện môi trường acid hoặc kiềm thì hoạt tính của enzyme giảm.

- GV mời một số HS trả lời câu hỏi Luyện tập tr.74 SGK.

- Các HS nhóm khác nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV nhận xét, đánh giá câu trả lời của HS, thái độ làm việc của HS trong nhóm.

- GV chuẩn kiến thức và yêu cầu HS ghi chép vào vở.

- GV mở rộng kiến thức, liên hệ: Điều kiện sống có thể ảnh hưởng đến khả năng biểu hiện gene của con người ví dụ như chiều cao, màu da,... Vì vậy, cần có một chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập luyện vừa sức để cơ thể phát triển đầy đủ.

- GV kết luận: Kiểu hình của sinh vật được hình thành do sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường. Các cá thể có cùng kiểu gene nhưng sinh trưởng và phát triển trong các môi trường khác nhau có thể có kiểu hình khác nhau.

- GV dẫn dắt sang hoạt động tiếp theo.

I. Sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường

- Trong tế bào, các phân tử protein được tạo ra do cơ chế di truyền phân tử, từ protein có thể cấu thành các hợp chất hữu cơ cần thiết. Phân tử protein và các phân tử hữu cơ trong tế bào chỉ thực hiện chức năng trong những điều kiện nhất định.

Ví dụ: các enzyme ở người hoạt động ở nhiệt độ từ 25 - 40℃, nhiệt độ tối ưu là 37℃; đa số enzyme hoạt động ở pH tối ưu từ 6 - 8.

- Sự biểu hiện gene ở các tế bào trong một cơ thể là khác nhau và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố môi trường (nhiệt độ, pH,...).

Ví dụ: Thỏ himalaya, mèo Xiêm có bộ lông trắng muốt nhưng phần mút của cơ thể lại có màu đen hoặc màu chocolate.

 

- Thường biến là hiện tượng một kiểu gene có thể thay đổi kiểu hình trước những điều kiện sống khác nhau.

Ví dụ:

+ Cây phù dung có màu hoa trắng vào buổi sáng, đến trưa chuyển sang màu hồng và buổi tối đổi lại thành màu đỏ sẫm.

+ Cẩm tú cầu trồng có cùng kiểu gene nhưng khi trồng trong đất có độ pH khác nhau sẽ cho màu hoa khác nhau.

+ Sự thay đổi hình dạng lá của cây rau mác sống ở trong các điều kiện môi trường khác nhau.

 

 

PHIẾU HỌC TẬP

Nhóm: …………………..

Hãy đọc nội dung mục I. Sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường, trang 73 - 74, SGK và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Quan sát các hình dưới đây, cho biết sự biểu hiện của gene chịu ảnh hưởng bởi yếu tố nào? Giải thích.

 

……………………………………………………………………………………………..……………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………..

Câu 2. Quan sát Hình 10.4, đọc đoạn thông tin và trả lời câu hỏi:

 

a) Mô tả ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường lên sự biểu hiện kiểu hình của cây hoa anh thảo (Primula sinensis) và rút ra kết luận.

……………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………..

b) Bố mẹ di truyền kiểu gene hay kiểu hình cho thế hệ sau? Lấy ví dụ.

……………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………..

c) Giải thích tại sao trong cùng một điều kiện sống, các kiểu gene khác nhau lại có khả năng phản ứng khác nhau?

……………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………..

 

PHIẾU HỌC TẬP

Nhóm: …………………..

Hãy đọc nội dung mục I. Sự tương tác giữa kiểu gene và môi trường, trang 73 - 74, SGK và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Quan sát các hình dưới đây, cho biết sự biểu hiện của gene chịu ảnh hưởng bởi yếu tố nào? Giải thích.

 

- Hình 10.2: Nhiệt độ môi trường ảnh hưởng đến sự biểu hiện gene.

Giải thích: Phân thân của thỏ himalaya có bộ lông trắng muốt, nhưng phần đầu mút của cơ thể lại có màu đen hoặc màu chocolate là do các tế bào ở những phần đầu mút có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của tế bào ở phần thân nên chúng có khả năng tổng hợp sắc tố làm cho lông có màu. Còn những tế bào ở phần thân có nhiệt độ cao hơn nên gene không được biểu hiện.

- Hình 10.3: Độ pH ảnh hưởng đến sự biểu hiện của gene.

Giải thích: Với pH của đất < 6,0 cây hấp thụ Al nên hoa có màu xanh. Từ pH 7,0, sự hấp thụ Al bị giảm dần nên hoa có màu hồng.

Câu 2. Quan sát Hình 10.4, đọc đoạn thông tin và trả lời câu hỏi:

 

a) Mô tả ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường lên sự biểu hiện kiểu hình của cây hoa anh thảo (Primula sinensis) và rút ra kết luận.

- Dòng hoa đỏ có kiểu gene AA khi được trồng ở điều kiện 35℃ cho kiểu hình hoa trắng, sau đó cho thế hệ sau của cây hoa trắng trồng ở điều kiện 20℃ lại cho hoa màu đỏ.

- Dòng hoa trắng có kiểu gene aa chỉ cho một loại kiểu hình hoa trắng khi được trồng ở điều kiện nhiệt độ 20℃ hay 35℃.

→ Kết luận: Nhiệt độ môi trường có thể tác động tạo ra một kiểu hình giống hệt kiểu hình của một loại kiểu gene khác.

b) Bố mẹ di truyền kiểu gene hay kiểu hình cho thế hệ sau? Lấy ví dụ.

- Bố, mẹ di truyền kiểu gene cho thế hệ sau.

- Ví dụ: Bố, mẹ nhóm máu O có kiểu gene IoIo sinh ra con cũng có kiểu gene là IoIo quy định nhóm máu O.

c) Giải thích tại sao trong cùng một điều kiện sống, các kiểu gene khác nhau lại có khả năng phản ứng khác nhau?

Do sự tự điều chỉnh về sinh lí để giúp sinh vật thích nghi với môi trường sống.

 

Hoạt động 2: Tìm hiểu về mức phản ứng

  1. Mục tiêu:
  • Nêu được khái niệm mức phản ứng. Lấy được ví dụ minh họa.
  • Trình bày được bản chất di truyền là di truyền mức phản ứng.
  1. Nội dung: GV giao nhiệm vụ học tập; HS nghiên cứu, tìm hiểu nội dung mục II, SGK trang 74 - 75 và thực hiện nhiệm vụ.
  2. Sản phẩm học tập: Mức phản ứng.
  3. Tổ chức hoạt động:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập

- GV yêu cầu HS đọc nội dung mục II. Mức phản ứng và cho biết: Mức phản ứng là gì?

- GV yêu cầu HS thảo luận nhóm đôi phân tích ví dụ sau:

Người ta nuôi hai con bê sinh đôi cùng trứng ở các chế độ dinh dưỡng khác nhau và thu được kết quả như sau:

+ Con bê thứ nhất: nuôi ở chế độ dinh dưỡng bình thường đạt được

● Cân nặng: < 350 kg.

● Sản lượng sữa trong năm: 3800 kg.

● Tỉ lệ bơ trong sữa: 3,4%.

+ Con bê thứ hai: nuôi ở chế độ dinh dưỡng tốt đạt được

● Cân nặng: 500kg.

● Sản lượng sữa trong năm: 8000 kg.

● Tỉ lệ bơ trong sữa: 3,45%.

1. Hãy so sánh kết quả đạt được khi nuôi hai con bê sinh đôi cùng trứng ở các chế độ dinh dưỡng khác nhau. Từ đó, phân loại mức phản ứng của sinh vật.

2. Mức phản ứng do yếu tố nào quy định?

3. Mức phản ứng của sinh vật có di truyền cho đời con không? Giải thích.

- GV bổ sung thêm: Những tính trạng có mức phản ứng rộng thường do đa gene quy định và được gọi là tính trạng đa nhân tố (nhân tố di truyền và môi trường).

- Để củng cố kiến thức, GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi Luyện tập tr.75 SGK: Hãy cho thêm ví dụ về mức phản ứng rộng và mức phản ứng hẹp.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập

- Nhóm HS nghiên cứu mục II SGK tr. 92 - 93, thảo luận thực hiện nhiệm vụ được giao.

- GV hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời đại diện một số nhóm trả lời câu hỏi phân tích ví dụ:

1. Con bê thứ hai có cân nặng và sản lượng sữa trong năm lớn hơn nhiều so với con bê thứ nhất → Tính trạng về số lượng, sự biểu hiện gene chịu ảnh hưởng của điều kiện môi trường → Mức phản ứng rộng.

+ Tuy nhiên, tỉ lệ bơ trong sữa không có sự chênh lệch nhiều → Tính trạng về chất lượng, sự biểu hiện gene ít chịu ảnh hưởng của điều kiện môi trường → Mức phản ứng hẹp.

2. Do kiểu gene quy định.

3. Di truyền vì kiểu gene của bố, mẹ được di truyền cho thế hệ sau.

- HS khác lắng nghe, nhận xét và bổ sung.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV đánh giá, nhận xét kết quả trả lời của HS, thái độ làm việc của HS trong nhóm.

- GV chuẩn kiến thức, yêu cầu HS ghi chép vào vở.

- GV kết luận: Tập hợp các kiểu hình có thể có của một kiểu gene trong điều kiện môi trường khác nhau được gọi là mức phản ứng của kiểu gene. Bố mẹ không truyền cho con kiểu hình có sẵn mà di truyền kiểu gene quy định mức phản ứng.

- GV dẫn dắt sang hoạt động tiếp theo.

II. Mức phản ứng

- Tập hợp các kiểu hình có thể có của một kiểu gene trong điều kiện môi trường khác nhau được gọi là mức phản ứng của gene.

- Mức phản ứng của sinh vật do kiểu gene quy định → Di truyền.

- Có hai loại mức phản ứng:

+ Mức phản ứng hẹp: những tính trạng chất lượng, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện môi trường.

Ví dụ: tỉ lệ bơ trong sữa bò, hàm lượng vitamin C trong quả bưởi, tỉ lệ thịt nạc, tỉ lệ mỡ…

 

 

+ Mức phản ứng rộng: những tính trạng số lượng, chịu ảnh hưởng của điều kiện môi trường (tính trạng đa nhân tố).

Ví dụ: sản lượng sữa bò thu được trong một ngày, năng suất lúa trong một vụ, sản lượng trứng trong một năm,...

 

 

 

Hoạt động 3: Tìm hiểu về ứng dụng thực tiễn của mức phản ứng

  1. Mục tiêu:Vận dụng được hiểu biết về thường biến và mức phản ứng của một kiểu gene giải thích một số ứng dụng trong thực tiễn (tạo và chọn giống, kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt,...).
  2. Nội dung: GV giao nhiệm vụ học tập; HS nghiên cứu, tìm hiểu nội dung mục III, quan sát Hình 10.5 SGK trang 75 và thực hiện nhiệm vụ.
  3. Sản phẩm học tập: Ứng dụng thực tiễn của mức phản ứng.
  4. Tổ chức hoạt động:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ học tập

- GV sử dụng kĩ thuật Think - Pair - Share, yêu cầu HS tìm hiểu thông tin mục III. Ứng dụng thực tiễn của mức phản ứng, sau đó thảo luận nhóm đôi trả lời câu hỏi 4 tr.75 SGK:

Quan sát Hình 10.5 và cho biết trong sản xuất nông nghiệp, yếu tố nào quyết định năng suất tối đa của một kiểu gene.

- Trên cơ sở đó, GV yêu cầu các nhóm HS thảo luận trả lời câu hỏi: Cần phải làm gì để mang lại giá trị kinh tế cao trong chăn nuôi, trồng trọt?

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ học tập

- Nhóm HS nghiên cứu mục III SGK tr. 75, quan sát Hình 10.5, thảo luận thực hiện nhiệm vụ được giao.

- GV hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời một số HS xung phong trả lời các câu hỏi:

Hướng dẫn trả lời câu 4 tr.75 SGK: Kiểu gene và điều kiện môi trường (giống và biện pháp, kĩ thuật chăm sóc).

- HS khác nhận xét, đánh giá, góp ý.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV đánh giá, nhận xét kết quả trả lời của HS, thái độ làm việc của HS trong nhóm.

- GV chuẩn kiến thức, yêu cầu HS ghi chép vào vở.

- GV kết luận: Vận dụng hiểu biết về mức phản ứng của kiểu gene ta có thể chọn, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện môi trường cụ thể.

- GV dẫn dắt sang hoạt động tiếp theo.

II. Ứng dụng thực tiễn của mức phản ứng

- Mối quan hệ giữa kiểu gene, môi trường và kiểu hình:

 

- Giống cao sản (mức phản ứng rộng) kết hợp với biện pháp, kĩ thuật chăm sóc thích hợp → mang lại giá trị kinh tế cao trong chăn nuôi.

Ví dụ: Giống lúa ST25 là thế hệ mới nhất của dòng lúa thơm cho năng suất trung bình 6,5 - 7,5 tấn/ha/vụ. Trong điều kiện biện pháp kĩ thuật canh tác tốt (trồng đúng mùa vụ, mật độ, bón phân, tưới nước cân đối,...) có thể cho năng suất đạt 10 tấn/ha/vụ.

 

- Phương pháp tạo được giống có năng suất cao, chất lượng tốt (kiểu gene có mức phản ứng rộng):

+ Lai những cá thể có tính trạng mong muốn (dùng làm mẹ) với cùng một cá thể (dùng làm bố).

+ Nuôi riêng đời con của từng cá thể mẹ trong điều kiện môi trường như nhau.

+ Đánh giá qua kiểu hình ở đời con → xác định được kiểu gene của mẹ.

 

  1. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
  2. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS củng cố kiến thức đã học về mối quan hệ giữa kiểu gene - kiểu hình - môi trường.
  3. Nội dung: GV nêu nhiệm vụ học tập; Cá nhân HS trả lời các câu hỏi trắc nghiệm khách quan để củng cố lại kiến thức đã học.
  4. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS cho các câu hỏi trắc nghiệm khách quan.
  5. Tổ chức hoạt động:

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

- GV nêu yêu cầu: Khoanh tròn vào đáp án đặt trước câu trả lời đúng

Câu 1. Các cây hoa cẩm tú cầu có cùng kiểu gene nhưng có màu hoa khác nhau tùy thuộc vào

  1. nhiệt độ môi trường. B. cường độ ánh sáng.
  2. hàm lượng phân bón. D. độ pH của đất.

Câu 2. Ở bò, tính trạng nào sau đây có mức phản ứng hẹp?

  1. Tỉ lệ bơ trong sữa. B. Sản lượng sữa.
  2. Khối lượng cơ thể. D. Độ dày lông.

Câu 3. Khi nói về mối quan hệ giữa kiểu gene, môi trường và kiểu hình, nhận định nào sau đây không đúng?

  1. Kiểu gene quy định khả năng phản ứng của cơ thể trước các điều kiện môi trường khác nhau.
  2. Kiểu hình là kết quả sự tương tác kiểu gene và môi trường.
  3. Kiểu hình của cơ thể chỉ phụ thuộc vào kiểu gene mà không phụ thuộc vào môi trường.
  4. Bố mẹ không truyền đạt cho con kiểu hình có sẵn mà di truyền kiểu gen quy định mức phản ứng.

Câu 4. Hiện tượng nào sau đây không phải là thường biến?

  1. Tắc kè đổi màu theo nền môi trường.
  2. Số lượng hồng cầu tăng lên khi di chuyển lên vùng cao.
  3. Cây bàng rụng lá vào mùa đông, sang xuân lại đâm chồi nảy lộc.
  4. Người mắc hội chứng Đao thường thấp bé, má phệ, khe mắt xếch, lưỡi dày.

Câu 5. Trong thực tiễn sản xuất, vì sao các nhà khuyến nông khuyên không nên trồng một giống lúa duy nhất trên diện rộng?

  1. Vì điều kiện thời tiết không thuận lợi có thể bị mất trắng, do giống có cùng một kiểu gene nên có mức phản ứng giống nhau.
  2. Vì điều kiện thời tiết không thuận lợi giống có thể bị thoái hóa, nên không còn đồng nhất về kiểu gene làm năng suất bị giảm.
  3. Vì qua nhiều vụ canh tác giống có thể bị thoái hóa, nên không còn đồng nhất về kiểu gene làm năng suất bị sụt giảm.
  4. Vì qua nhiều vụ canh tác, đất không còn đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng, từ đó làm năng suất bị sụt giảm.

Câu 6. Giống lúa X khi trồng ở đồng bằng Bắc Bộ cho năng suất 8 tấn/ha, ở vùng Trung Bộ cho năng suất 6 tấn/ha, ở đồng bằng sông Cửu Long cho năng suất 10 tấn/ha. Nhận xét nào sau đây là đúng?

  1. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng,... thay đổi đã làm cho kiểu gene của giống lúa X bị thay đổi theo.
  2. Giống lúa X có nhiều mức phản ứng khác nhau về tính trạng năng suất.
  3. Năng suất thu được ở giống lúa X hoàn toàn do môi trường sống quy định.
  4. Tập hợp tất cả các kiểu hình thu được về năng suất được gọi là mức phản ứng của kiểu gene quy định tính trạng năng suất của giống lúa X.

Câu 7. (THPTQG - 2022) Người ta làm thí nghiệm trên một giống thỏ Himalaya như sau: cạo một phần lông trắng trên lưng thỏ và buộc vào đó một cục nước đá; sau một thời gian, tại vị trí này, lông mọc lên lại có màu đen. Phát biểu nào sau đây đúng khi giải thích về hiện tượng này?

  1. Nhiệt độ thấp làm cho allele quy định lông trắng bị biến đổi thành allele quy định lông đen.
  2. Nhiệt độ thấp gây ra đột biến làm tăng hoạt động của gene quy định lông đen,
  3. Nhiệt độ thấp làm bất hoạt các enzyme cần thiết để sao chép các gene quy định màu lông.
  4. Nhiệt độ thấp làm thay đổi biểu hiện gene quy định màu lông thỏ.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS vận dụng kiến thức đã học và trả lời câu hỏi.

- GV hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời đại diện HS trả lời:

Đáp án câu hỏi trắc nghiệm khách quan:

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

Câu 5

Câu 6

Câu 7

D

A

C

D

A

D

D

- GV mời đại diện HS khác nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức.

 

  1. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
  2. Mục tiêu: HS thực hiện làm các bài tập vận dụng để nắm vững kiến thức và giải thích các hiện tượng liên quan đến thường biến và mức phản ứng trong thực tiễn.
  3. Nội dung: GV giao nhiệm vụ; HS vận dụng kiến thức đã học và hiểu biết về thực tiễn, thực hiện nhiệm vụ.
  4. Sản phẩm học tập:Câu trả lời của HS cho câu hỏi trong Vận dụng SGK trang 75.
  5. Tổ chức hoạt động:

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi Vận dụng SGK trang 75:

Trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh những biện pháp, kĩ thuật chăm sóc, người ta còn sử dụng biện pháp nào để nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi, cây trồng? Giải thích.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập

- HS vận dụng hiểu biết về thực tiễn kết hợp với kiến thức đã học để trả lời câu hỏi.

- GV quan sát, hướng dẫn (nếu cần thiết).

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận

- GV mời một số HS xung phong trả lời câu hỏi Vận dụng tr.75 SGK: Chọn, tạo giống vật nuôi, cây trồng vì kiểu gene quy định mức phản ứng, từ đó có thể tạo được giống có năng suất cao, chất lượng tốt.

- HS khác nhận xét, bổ sung.

Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập

- GV nhận xét các ý kiến phát biểu trả lời của HS.

- GV chuẩn kiến thức và kết thúc tiết học.

  1. HƯỚNG DẪN VỀ NHÀ:
  • Ôn lại kiến thức đã học.
  • Làm bài tập trong Sách bài tậpSinh học 12 - Chân trời sáng tạo.
  • Chuẩn bị Bài 11 - Thực hành: Thí nghiệm về thường biến ở cây trồng.

+ Các nhóm (4 - 6 HS) chuẩn bị:

  • Dụng cụ: Chậu trồng cây, đất trồng, kéo cắt cành, găng tay, dụng cụ xới đất, bình tưới nước.
  • Mẫu vật: dây khoai lang (hoặc lá cây thuốc bỏng,...), củ khoai tây, chậu hoa phù dung và phân NPK.

+ Nghiên cứu nội dung các bước tiến hành thí nghiệm, cơ sở lí thuyết hiện tượng thường biến ở các loại cây trồng.

 

Từ khóa tìm kiếm google:

<p>Tải giáo án Sinh học 12 chân trời sáng tạo bản ,Tải giáo án word Sinh học 12 chân trời sáng tạo bản, tải giáo án chương trình lớp 12 sách mới</p>
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Giáo án Sinh học 12 chân trời sáng tạo bản chuẩn có xem trước . Bài học nằm trong chuyên mục: Giáo án lớp 12. Phần trình bày do Phương Hiền tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận