Danh mục bài soạn

Giải lịch sử 10 CTST bài 18 Văn minh Đại Việt

Hướng dẫn học môn lịch sử 10 sách mới chân trời sáng tạo. Dưới đây là lời giải chi tiết bài 18 Văn minh Đại Việt . Từng bài tập được giải chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu. Hi vọng, hocthoi.net sẽ hỗ trợ các em trong quá trình học tập, giúp các em ngày càng tiến bộ hơn.

I. Cơ sở hình thành và quá trình phát triển của nền văn minh Đại Việt

1. Khái niệm văn minh Đại Việt.

Câu hỏi: Trình bày khái niệm văn minh Đại Việt.

Hướng dẫn trả lời:

Văn minh Đại Việt là nền văn minh rực rỡ, tồn tại và phát triển chủ yếu trong thời độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Việt, kéo dài gần 1000 năm (từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX). 

2. Cơ sở hình thành

Câu hỏi:Nêu cơ sở hình thành nền văn minh Đại Việt.

Hướng dẫn trả lời:

Cơ sở hình thành nền văn minh Đại Việt: 

  • Kế thừa nền văn minh Văn Lang- Âu Lạc (những di sản và truyền thống có từ thời Văn Lang- Âu Lạc tiếp tục được bảo lưu và phát triển).
  • Dựa trên nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Việt.
  • Tiếp thu có chọn lọc những thành tựu văn minh bên ngoài như văn minh Trung Quốc, văn minh Ấn Độ góp phần làm phong phú nền văn minh Đại Việt.
  • Cương vực lãnh thổ từng bước được mở rộng, kéo dài từ Nam Quan đến Cà Mau, mở rộng từ đất liền ra biển đảo. Nền độc lập dân tộc được bảo vệ vững chắc qua nhiều cuộc kháng chiến oanh liệt chống ngoại xâm. 
  • Ý thức dân tộc ngày càng mạnh mẽ tạo điều kiện cho sự tiếp biến nhiều giá trị từ văn minh Trung Quốc, văn minh Ấn Độ để làm giàu văn minh Đại Việt.

3. Quá trình phát triển

Câu hỏi: Nêu nội dung cơ bản của quá trình phát triển văn minh Đại Việt.

Hướng dẫn trả lời:

  • Giai đoạn sơ kì (thế kỉ X - đầu XI): trải qua các chính quyền họ Khúc, họ Dương và Ngô, Đinh, Tiền Lê. Đây là giai đoạn định hình những giá trị mới làm nền tảng cho sự hình thành văn minh Đại Việt. 
  • Giai đoạn phát triển (đầu thế kỉ XI đến thế kỉ XVI), gắn liền với văn hóa Thăng Long, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,...của cả nước. Các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các mặt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phát triển phong phú và đa dạng.
  • Giai đoạn muộn (thế kỉ XVI - XIX) là giai đoạn văn hóa phát triển trong tình trạng đất nước không ổn định. Từ thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII là giai đoạn có nhiều biến động, các triều đại thay thế nhau trị vì và chia cắt đất nước. Cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp gữa thế kỉ XIX đã chấm dứt thời kì phát triển của văn minh Đại Việt. Giai đoạn này nhiều yếu tố mới xuất hiện khi văn minh phương Tây du nhập vào, tạo nên xu hướng vận động mới làm tiền đề cho sự hình thành văn minh Việt Nam về sau. 

II. Thành tựu văn minh tiêu biểu

1. Về kinh tế

Câu hỏi:

Câu 1. Thông qua Hình 18.5, em hãy nêu ý nghĩa của lễ Tịch điền. 

Câu 2. Quan sát Hình 18.6 và đọc thông tin, em có nhận xét gì về sự phát triển thương nghiệp Đại Việt từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX. Kể tên các đô thị lớn thời kì này còn tồn tại đến ngày nay. 

Hướng dẫn trả lời:

Câu 1. Ý nghĩa của lễ Tịch điền: 

  •  Là lễ nhà vua đích thân cày ruộng nhằm khuyến khích dân chúng chăm lo việc cày cấy, phát triển nông nghiệp. 
  • Lễ Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình

Câu 2. 

  • Nhận xét về sự phát triển thương nghiệp Đại Việt từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX: 
    • Tuy không được chú trọng như nông nghiệp, nhưng vẫn góp phần trực tiếp tạo nên sự phồn thịnh của các quốc gia Đại Việt, nhất là ở các đô thị và cảng thị. 
    • Thời Lý Trần đã phổ biến việc đúc tiền kim loại, thời nhà Hồ đã có tiền giấy.
    • Chợ địa phương và phố buôn bán ra đời. Trong đó, kinh đô Thăng Long là trung tâm buôn bán sầm uất. Thăng Long thời Lý Trần có 61 phố phường. Đến thời Lê Sơ sắp xếp thành 36 phố phường. 
    • Việc buôn bán với các nước Trung Quốc và ĐNA phát đạt. Từ thế kỉ XVI-XVIII, Đại Việt mở rộng buôn bán với Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Pháp,....qua các trung tâm ở Thăng Long, Phố Hiến (thuộc Đàng Ngoài), Thanh Hà, Hội An, Sài Gòn, Đồng Nai, Mỹ Tho, Hà Tiên (thuộc Đàng Trong). 
  • Kể tên các đô thị lớn thời kì này còn tồn tại đến ngày nay: Hội An, Sài Gòn, Mỹ Tho, Hà Tiên,....

2. Về chính trị

Câu hỏi:

Câu 1. Nét nổi bật về mặt chính trị của quốc gia Đại Việt là gì?

Câu 2. Quan sát Sơ đồ ở Hình 18.7, em có nhận xét gì về bộ máy Nhà nước thời Lê sơ?

Câu 3. Luật pháp ra đời tác động như thế nào đến sự phát triển xã hội?

Hướng dẫn trả lời:

Câu 1

  • Nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền với vai trò tối cao của nhà vua, từng bước phát triển từ thế kỉ XI và hoàn thiện, đạt đến đỉnh cao vào thế kỉ XV. Sự hoàn thiện bộ máy nhà nước là một bước trưởng thành về văn minh chính trị của quốc gia Đại Việt. 
  • Nhà nước phong kiến Đại Việt đã lãnh đạo thành công nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược như chống Tống, chống Mông,...

Câu 2

Nhận xét về bộ máy Nhà nước thời Lê sơ:

  • Vua là người đứng đầu đất nước. Giúp việc cho vua là Lục bộ và các cơ quan chuyên môn. Bộ máy ở địa phương bao gồm Đạo thừa tuyên, phủ, châu (huyện), xã. 
  • Là giai đoạn đầu của triều đại quân chủ nhà Hậu Lê. Đây là thời kỳ mà chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền trong lịch sử Việt Nam lần đầu tiên đạt đến đỉnh cao của sự phát triển cũng như suy thoái của nó. 

Câu 3

Tác động của luật pháp đến sự phát triển kinh tế xã hội: Năm 1002, nhà Tiền Lê định luật lệ. Nhà Trần có bộ Hoàng triều đại điển và bộ Hình luật. Nhà Lê sơ ban hành bộ Luật Hồng Đức. Nhà Nguyễn ban hành bộ Luật Gia Long. Luật Hồng Đức mang đậm tính dân tộc, có những điểm tiến bộ về mặt kĩ thuật lập pháp, được xem là bộ luật tiến bộ nhất thời phong kiến Việt Nam. 

  • Luật pháp bảo vệ cơ sở kinh tế của xã hội phong kiến, bảo vệ chế độ tư hữu ruộng đất với quyền lợi của quan lại, quý tộc và địa chủ và bảo vệ chế độ sở hữu tối cao của Nhà nước thông qua việc quản lý ruộng đất và thu tô thuế. 
  • Quy định rất ngặt và xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng nhận tiền của hối lộ, bắt dân phải nộp tiền… nếu như ai bị mắc vào mức nào thì căn cứ vào luật mà xử đoán. Những viên quan nào đến mức bị tước bỏ bằng, sắc, cáo của vua ban và bị xóa tên trong sổ bộ quan là bị bãi chức hoàn toàn.

3. Về tư tưởng, tôn giáo

Câu hỏi: Nêu những thành tựu cơ bản về tư tưởng, tôn giáo của văn minh Đại Việt.

Hướng dẫn trả lời:

Những thành tựu cơ bản về tư tưởng, tôn giáo của văn minh Đại Việt: Các tín ngưỡng và tôn giáo Đại Việt có sự hòa đồng, ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tinh thần của nhân dân. 

  • Tư tưởng yêu nước, thương dân: phát triển theo hai xu hướng dân tộc và thân dân.
    • Dân tộc: đề cao trung quân ái quốc, đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đề cao sức mạnh toàn dân đánh giặc.
    • Thân dân: gần dân, yêu dân. Vua quan cùng nhân dân quan tâm đến mùa màng, sản xuất, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. 
  • Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tổ tiên:
    • Tiếp tục phát triển qua việc xây dựng lăng miếu, đền đài thờ tổ tiên, các vị anh hùng dân tộc, các vị tổ nghề,....
    • Tín ngưỡng tạo nên tinh thần cởi mở, hòa đồng tôn giáo của người Việt. Người Việt sẵn sàng tiếp thu ảnh hưởng các tôn giáo từ Ấn Độ, Trung Hoa, kể cả phương Tây trên cơ sở hòa nhập với tín ngưỡng cổ truyền, tạo nên một nếp sống văn hóa rất nhân văn.
  • Phật giáo: 
    • Phát triển mạnh trong buổi đầu độc lập và trở thành quốc giáo thời Lý Trần. Dưới thời vua Lý Thánh Tông, Thiền phái Thảo Đường được sáng lập. Sang thời Trần, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời.
    • Từ thế kỉ XV, Phật giáo mất vai trò quốc giáo, song vẫn có sự phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
  • Đạo giáo: phổ biến trong dân gian và được các triều đại phong kiến trong dân gian coi trọng, có vị trí nhất định trong xã hội. 
  • Nho giáo: dần phát triển cùng với sự phát triển của giáo dục và thi cử. Từ thế kỉ XV, Nho giáo giữ vị trí độc tôn, là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị để xây dựng nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Nho giáo đã góp phần to lớn trong việc đào tạo đội ngũ tri thức. 

4. Giáo dục và văn hóa

Câu hỏi: Theo em, việc sử dụng chữ Nôm trong sáng tác văn chương nói lên điều gì?

Hướng dẫn trả lời:

Theo em, ý nghĩa của việc sử dụng chữ Nôm trong sáng tác văn chương:

  • Văn học chữ Nôm, trải theo chiều dài lịch sử đã phát triển ngày càng rộng rãi trong đời sống văn học của xã hội, đáp ứng nhu cầu tình cảm của tầng lớp nhân dân, phản ánh tư tưởng yêu nước nhân đạo theo khuynh hướng nhân đạo chủ nghĩa, đánh dấu sự phát triển rực rỡ của văn học chữ Nôm trong lịch sử văn học Việt Nam. 
  • Khẳng định người Việt có chữ viết, ngôn ngữ riêng của mình, thể hiện ý thức tự lập, tự cường của dân tộc.
  • Làm cho tiếng Việt thêm trong sáng, nền văn học dân tộc ngày càng phát triển.
  • Các bài thơ Nôm thường viết về hạnh phúc con người, tố cáo những bất công của xã hội, nhiều nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ,... đã để lại nhiều tác phẩm thơ Nôm có giá trị đến tận ngày nay. Đóng góp lớn vào nền văn học, văn hóa dân tộc.

5. Khoa học 

Câu hỏi: Hãy nêu những thành tựu khoa học của văn minh Đại Việt.

Hướng dẫn trả lời:

Những thành tựu khoa học của văn minh Đại Việt:

  • Sử học:
    • Nhà Trần thành lập Quốc sử viện, nhà Nguyễn thành lập Quốc sử quán.
    • Nhiều bộ sử lớn được biên soạn: Đại Việt sử kí, Đại Việt sử kí tục biên, Đại Việt sử kí toàn thư,...
  • Địa lí học: Những công trình tiêu biểu có Dư địa chí (Nguyễn Trãi, thời Lê sơ), Hồng Đức bản đồ sách (thời Lê Thánh Tông), Đại Nam nhất thống trí (Quốc sử quán triều Nguyễn).
  • Toán học: Các tác phẩm Lập thành toán pháp (Vũ Hữu), Đại thành toán pháp,...
  • Khoa học quân sự:
    • Nhà Hồ đã chế tạo được súng thần cơ. Nhà Tây Sơn chế tạo được các loại đại pháo, hỏa pháo, các loại chiến thuyền gắn nhiều đại bác. Nhà Nguyễn xây thành quách theo kiến trúc vô-băng với các công trình nổi bật như Kinh thành Huế, thành Hà Nội,....
    • Tư tưởng và nghệ thuật quân sự đặc sắc có "tiên phát chế nhân" (Lý Thường Kiệt), "tâm công" (Nguyễn Trãi),...
  • Y học: các danh y vừa lo việc chữa bệnh, cứu người, vừa biên soạn nhiều bộ y thư có giá trị như: Tuệ Tĩnh viết Nam dược thần hiệu, Chu Văn An viết Y học yếu giải tập chú di biên,...

6. Nghệ thuật

Câu hỏi: Nêu những thành tựu chủ yếu về nghệ thuật của văn minh Đại Việt. 

Hướng dẫn trả lời:

  • Âm nhạc:
    • Phát triển với nhiều thể loại: múa rối nước, ca đối đáp, hát ví giặm, tuồng chèo, quan họ, ngâm thơ, ả đào, hát xẩm. Từ thời Lê, âm nhạc cung đình có vai trò quan trọng gắn liền với quốc thể. 
    • Nhiều lễ hội được tổ chức hằng năm như Lễ tịch điền, Hội thề Minh Thệ, Giỗ tổ Hùng Vương, Hội Gióng,...
  • Kiến trúc và điêu khắc:
    • Phát triển mạnh dưới thời Lý Trần. Từ thời Lê sơ, cung điện, lâu đài, thành quách và chùa tháp được xây dựng với quy mô lớn, kiến trúc bề thế và vững chãi. Nhiều công trình tiêu biểu là Hoàng Thành Thăng Long, thành nhà Hồ,...Những ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng như chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, chùa Phổ Minh, chùa Quỳnh Lâm, chùa Thiên Mụ, chùa Báo Quốc,....
    • Điêu khắc trên đá, gốm rất độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu những nét đẹp trong nghệ thuật điêu khắc của Trung Quốc và Chăm-pa. Điêu khắc gỗ phát triển, các bực chạm gỗ ở đình làng, tượng Phật chạm trổ chi tiết, mềm mại. Nghệ thuật tạc tượng đạt trình độ điêu luyện. 

III. Ý nghĩa của văn minh Đại Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam

1. Ưu điểm và hạn chế của văn minh Đại Việt

Câu hỏi:Nêu ưu điểm và hạn chế của văn minh Đại Việt. 

Hướng dẫn trả lời:

  • Ưu điểm:
    • Văn minh Đại Việt là nền văn minh nông nghiệp lúa nước mang đậm bản sắc dân tộc với tinh thần chủ đạo là yêu nước, nhân ái, hòa hợp với tự nhiên, hòa hợp giữa người với người, giữa làng với nước. 
    • Văn minh Đại Việt đã phát triển đến độ cao những gì có thể đạt được của một nền văn minh nông nghiệp. 
  • Nhược điểm:
    • Yếu tố đô thị nhìn chung mờ nhạt.
    • Sự tồn tại dai dẳng của công xã nông thôn và gắn liền với nó là những lệ làng tạo nên tính thụ động, khéo kín, thiếu tính đột phá, sáng tạo, tinh thần hội nhập. 

2. Ý nghĩa của nền văn minh Đại Việt trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Câu hỏi: Văn minh Đại Việt đã kế thừa những gì từ văn minh Văn Lang - Âu Lạc?

Hướng dẫn trả lời:

Sự kế thừa của văn minh Đại Việt từ văn minh Văn Lang - Âu Lạc:

  • Truyền thống dựng nước và giữ nước, quyết tâm giành nền độc lập, tự chủ. 
  • có ý thức với cuộc sống, với cộng đồng, với sản xuất. Con người biết trồng trọt, chăn nuôi, biết dùng súc vật để kéo cày, biết làm lúa nước, làm thủy lợi, cùng với việc xuất hiện một số ngành nghề mới (thủ công, trồng dâu nuôi tằm, luyện đồng, rèn sắt...) đã tạo ra tiền đề ổn định cộng đồng, nhờ đó cũng kéo theo cả sự phát triển của văn hóa.
  • Trong sự cọ sát với nền văn hóa Hán, nền văn hóa dân tộc không bị mai một mà lại được bổ sung, làm phong phú bởi biết tiếp thu cái hay, cái tiến bộ, cái hợp lý của nền văn hóa bên ngoài nhằm tăng sức mạnh, hun đúc sức sống mãnh liệt của cộng đồng người Việt. 

Từ khóa tìm kiếm google:

giải sgk lịch sử 10 sách mới, giải lịch sử 10 CTST, giải lịch sử CTST bài 18 Văn minh Đại Việt
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Giải lịch sử 10 CTST bài 18 Văn minh Đại Việt . Bài học nằm trong chuyên mục: Giải lịch sử 10 chân trời sáng tạo. Phần trình bày do Hoàng Anh CTV tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận