Danh mục bài soạn

Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về đôi dép lốp

Chuyên mục: Văn mẫu lớp 8

Đề bài: Thuyết minh về đôi dép lốp. Theo đó, hocthoi gửi đến các bạn 3 dàn ý + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Thuyết minh về đôi dép lốp

Thuyết minh về đôi xép lốp

Dàn ý

1. Mở bài

  • Dép lốp là loại dép đặc biệt có ý nghĩa to lớn, là một hình ảnh bất hủ, là biểu tượng cho một thời kì kháng chiến chống đế quốc gian khổ và kiêu hùng của dân tộc Việt Nam.

2. Thân bài

Nguồn gốc:

  • Do điều kiện chiến đấu gian khổ, thiếu thốn.
  • Ý tưởng của Đại tá Hà Văn Lâu, chính thức được chế tạo khoảng năm 1947.
  • Có nhiều tên khác nhau như dép lốp, dép cao su, dép cụ Hồ.

Ý nghĩa:

  • Biểu tượng nổi tiếng của bộ đội cụ Hồ.
  • Tượng trưng cho sự gian khổ, thiếu thốn về vật chất đồng thời cũng là biểu tượng cho những đức tính tốt đẹp của người dân Việt Nam: Sự sáng tạo, thiếu sức chiến đấu mạnh mẽ, họ sẵn sàng khắc phục và vượt qua mọi hoàn cảnh khắc nghiệt.
  • Trở thành huyền thoại, một ví dụ kinh điển về sự giản dị và đức tính tiết kiệm, là biểu tượng cho "cuộc đời cách mạng" vì nước, vì dân của Bác.
  • Là đôi dép hiếm hoi được đưa vào trong các tác phẩm nghệ thuật.

Hình dáng và cách chế tạo:

  • Gồm hai quai bắt chéo trên mu bàn chân và hai quai bắt ngang cổ chân. Đế dép phẳng và dày, mặt dưới là mặt ngoài của lốp xe chống trơn trượt rất tốt.
  • Vật liệu chủ yếu là lốp và săm xe đã cũ, người ta cắt lấy phần giữa của lốp xe theo khuôn hình bàn chân làm đế dép, sau đó đục 8 lỗ để xỏ quai
  • Phần quai dép được làm từ săm xe, người ta cắt các mảnh quai rộng khoảng 1-1,5cm, chiều dài khoảng 12-15cm tùy cỡ chân, rồi dùng tay luồn qua các lỗ đã được đục trên đế dép.

Đặc tính:

  • Giản dị, rẻ tiền nhưng vô cùng tiện dụng, có đặc tính chống trơn trượt, đi được trên mọi địa hình, bảo vệ chân tốt.
  • Đặc biệt với chất liệu cao su và phần quai dép ôm lấy cổ chân và mu bàn giúp dễ dàng băng rừng lội suối.
  • Phù hợp với hoàn cảnh chiến đấu của nhân dân ta thời bấy giờ, bởi được làm từ vật liệu tái chế, rẻ tiền và vô cùng bền vững.
  • Tiện dụng, lại thoáng mát, dễ cọ rửa, mau khô không sợ những điều kiện thời tiết thất thường.

3. Kết bài

  • Nêu cảm nghĩ cá nhân về đôi dép lốp.

Bài viết

"Đôi dép đơn sơ đôi dép Bác Hồ

Bác đi từ ở chiến khu Bác về,

Phố phường trận địa nhà máy đồng quê

Đều in dấu dép Bác về Bác ơi."

Đôi dép xuất hiện trong lời bài hát trên chính là đôi dép lốp mà Bác đã sử dụng hơn hai mươi năm kể từ năm 1947 cho đến khi Bác qua đời. Có thể thấy rằng hiếm có quốc gia nào như Việt Nam, rất nhiều những thứ tưởng đơn sơ giản dị nhưng lại trở thành những biểu tượng mang trong mình giá trị tinh thần sâu sắc vô cùng, ví như hình ảnh cây lúa nước, lũy tre làng, con trâu cày, rồi ngay đến cả đôi dép lốp cũng trở thành một hình ảnh bất hủ, là biểu tượng cho một thời kì kháng chiến chống đế quốc gian khổ và kiêu hùng của dân tộc Việt Nam.

Không có một mốc thời gian cụ thể cho sự ra đời của dép lốp, chỉ biết rằng người đưa ra ý tưởng làm loại dép này chính là Đại tá Hà Văn Lâu. Vào năm 1947, nhân lúc thấy đồng đội của mình là ông Nguyễn Văn Sáu sở hữu một chiếc lốp xe cũ, đã không còn sử dụng được nữa, ông đã đề nghị cắt lốp thành nhiều phần để chế tạo một loạt dép lốp kiểu dáng như loại dép sandal phổ biến ngày hôm nay được nhiều giới trẻ ưa chuộng. Ý định này của Đại tá Hà Văn Lâu có lẽ xuất phát từ những điều kiện gian khổ và thiếu thốn quân nhu trong chiến tranh, bộ đội ta thường phải đi chân trần hoặc những loại giày dép tàn tệ, không bảo vệ được bàn chân. Vừa hay với độ bền, dai của cao su những tác động của mảnh chai, đinh nhọn, than đỏ đều không thể tổn hại bàn chân, giảm được đáng kể những thương tích không đáng có, trong điều kiện y tế còn hạn chế, một vết thương cũng đủ khiến bộ đội ta chật vật. Loại dép này có nhiều tên khác nhau như dép lốp, dép cao su, dép cụ Hồ.

Đôi dép lốp là biểu tượng nổi tiếng của bộ đội cụ Hồ trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nó tượng trưng cho sự gian khổ, thiếu thốn về vật chất đồng thời cũng là biểu tượng cho những đức tính tốt đẹp của người dân Việt Nam, một dân tộc có thể thiếu thốn về vật chất nhưng chưa bao giờ thiếu sự sáng tạo, thiếu sức chiến đấu mạnh mẽ, họ sẵn sàng khắc phục và vượt qua mọi hoàn cảnh khắc nghiệt để lao mình vào cuộc chiến. Đặc biệt, Hồ Chủ tịch cũng là một trong số những người rất ưa thích dép lốp bởi sự tiện dụng và bền bỉ, phù hợp với phong cách cần kiệm của Bác. Chỉ một đôi dép, nhưng Bác đã sử dụng nó đến tận hơn 20 năm trời, kể cả khi nó hỏng Bác vẫn cố gắng tu sửa, và cho đến cuối đời Bác vẫn chỉ gắn bó với một đôi dép lốp ấy, cuối cùng nó đã trở thành huyền thoại, một ví dụ kinh điển về sự giản dị và đức tính tiết kiệm, là biểu tượng cho "cuộc đời cách mạng" vì nước, vì dân của Bác. Chính vì sự gắn bó thân thiết với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và với các chiến sĩ cách mạng thế nên dép lốp chính là đôi dép hiếm hoi được đưa vào trong các tác phẩm nghệ thuật. Nổi tiếng nhất là bài hát Đôi dép Bác Hồ của nhạc sĩ Văn An, hoặc trong một bài báo có tiêu đề Đôi hài vạn dặm đã viết về dép lốp với những lời thấm thía:"Đôi dép ấy rất đỗi bình dị, mộc mạc đơn sơ, nhưng thật nhiều ý nghĩa như chính cuộc đời Bác kính yêu. Bởi đôi dép cao su đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân, vì nước của Bác. Ngày nay, đôi dép ấy đã trở thành kỉ vật thiêng liêng và vô giá của dân tộc ta". Và có một điều thú vị rằng, dép lốp phối hợp với quân phục xanh lá, thắt lưng quân dụng đã từng là một xu hướng thời trang vào những năm 70-80 của thế kỷ trước.

Dép lốp cũng có hình dáng và cấu tạo tương đối giống các loại dép thông thường, bao gồm hai quai bắt chéo trên mu bàn chân và hai quai bắt ngang cổ chân, giữ cho dép khỏi tụt khi di chuyển. Đế dép phẳng và dày, mặt dưới là mặt ngoài của lốp xe chống trơn trượt rất tốt. Việc chế tạo đôi dép lốp khá đơn giản, vật liệu chủ yếu là lốp và săm xe đã cũ, người ta cắt lấy phần giữa của lốp xe theo khuôn hình bàn chân làm đế dép, sau đó đục 8 lỗ để xỏ quai. Phần quai dép được làm từ săm xe, người ta cắt các mảnh quai rộng khoảng 1-1,5cm, chiều dài khoảng 12-15cm tùy cỡ chân, rồi dùng tay luồn qua các lỗ đã được đục trên đế dép, không cần sử dụng keo dán hay dùng chỉ cố định, đế dép sẽ tự động mút chặt quai dép nhờ sự giãn nở của cao su.

Dép lốp là loại dép giản dị, rẻ tiền nhưng vô cùng tiện dụng, có đặc tính chống trơn trượt, đi được trên mọi địa hình, đặc biệt với phần đế cao su cứng và dày hầu như khó có loại gai góc, đinh nhọn, hay mảnh chai nào có thể xuyên qua, thậm chí đi trên than, trên lửa nóng cũng không hề hấn chi. Đặc biệt với chất liệu cao su và phần quai dép ôm lấy cổ chân và mu bàn chân thế nên người chiến sĩ có thể dễ dàng băng rừng lội suối mà không sợ tuột dép, trễ nải quân hành. Không chỉ thế, dép lốp còn rất phù hợp với hoàn cảnh chiến đấu của nhân dân ta thời bấy giờ, bởi được làm từ vật liệu tái chế, rẻ tiền và vô cùng bền vững, cứ nhìn vào ví dụ kinh điển đôi dép cao su 20 năm vẫn vẹn nguyên của Bác trong lăng Chủ tịch là đủ để đánh giá điều này. Một lý do nữa là dép lốp khá tiện dụng, lại thoáng mát, dễ cọ rửa, mau khô không sợ những điều kiện thời tiết thất thường, nên rất được ưa chuộng.

Dép lốp là một biểu tượng kinh điển gợi nhắc đến hình ảnh người bộ đội cụ Hồ trong những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, thể hiện tinh thần tiết kiệm, giản dị thanh cao của Hồ Chủ tịch, nó đã nâng bước đôi chân Bác cùng các cán bộ chiến sĩ đi hết dải Trường Sơn, làm nên chiến thắng oanh liệt cho dân tộc. Ai có thể ngờ rằng một dân tộc chân mang dép lốp, đầu đội mũ cối, thân bọc áo trấn thủ, lấy sức người kéo pháo, lấy xe đạp thồ lương thực và vũ khí lại có thể chiến thắng cả 2 đế quốc hùng mạnh bậc nhất lúc bấy giờ. Tất cả đều nhờ vào lòng kiên trì, tinh thần dũng cảm, đoàn kết, cùng tấm lòng yêu nước tột độ, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của một dân tộc kiêu hùng xứng danh con cháu của Hùng Vương, hậu duệ của giống Rồng, Tiên.

Bài mẫu 2: Thuyết minh về đôi dép lốp

Thuyết minh về đôi xép lốp

Dàn ý

I. Mở bài:

  • Giới thiệu đối tượng thuyết minh

Trong những năm tháng gian khổ mà oanh liệt hào hùng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ dân tộc ta đã trải qua vô vàn những khó khăn, thử thách với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt, cơ sở vật chất thiếu thốn với những hành trang thô sơ như chiếc mũ cối, chiếc áo bay, chiếc võng Trường Sơn... Trong đó không thể thiếu là đôi dép lốp trong kháng chiến. Đây cũng là một nhân chứng của lịch sử hào hùng.

II. Thân bài:

a. Xuất xứ:

  • Vào hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn lúc bấy giờ, khi tất cả dồn hết sức và lực lên tiền tuyến thì ta càng cần phải biết tiết kiệm, sử dụng chế tạo các đồ phế phẩm một cách hiệu quả. Cũng trong hoàn cảnh đó với bàn tay và khối óc của con người Việt Nam thì đôi dép lốp cao su được ra đời.
  • Đôi dép lốp là loại dép được làm từ săm, lốp cao su thường là đã bị bỏ đi hoặc đã qua sử dụng. Từ đó đến nay đôi dép lốp đó đã gắn bó với người lính cụ Hồ trên mỗi chặng hành quân kháng chiến.

b. Đặc điểm :

  • Đôi dép có hình dáng cũng giống như những chiếc dép bình thường được sử dụng ngày nay, nhưng nó cũng có những nét rất riêng biệt.
  • Quai dép được làm từ săm( ruột) xe đã qua sử dụng , thường là ruột xe ô tô chở vũ khí đạn dược khi lốp đã bị hỏng. Hai quai trước bắt chéo nhau, còn hai quai sau thì song song vắt ngang cổ chân, bề ngang mỗi quai khoảng hơn 1cm.
  • Phần đế dép được làm từ lốp( vỏ) xe hoặc được đúc bằng cao su. Đế còn đục những lỗ nhỏ để xỏ quai qua. Và điều đặc biệt ở đây là giữa quai và đế được gắn kết vào nhau một cách rất chắn chắn mà không cần bất cứ một thứ keo kết dính nào cả, mà tất cả là nhờ sự giãn nở của cao su.
  • Phía dưới của đế dép có những đường rãnh để tạo độ ma sát giúp các chiến sĩ không bị trơn trượt khi qua những địa hình hiểm trở.
  • Vì được làm từ cao su nên đôi dép có màu đen của cao su. Chiếc dép cao su trông thật đơn giản, mộc mạc nhưng đã khẳng định tài năng và khối óc của con người Việt Nam. Dép lốp cũng có rất nhiều những tên gọi như: dép cao su, dép râu, dép Bình Trị Thiên...

c. Công dụng, vai trò:

  • Dép lốp rất dễ làm và trong kháng chiến thì nó lại không có giá trị tiền bạc mà quan trọng hơn cả là giá trị tinh thần, những người lính có thể làm để tặng những người đồng đội của mình.
  • Dép rất dễ sử dụng trong mọi địa hình dù trèo đèo hay lội suối, đường lầy lội hay sỏi đá đều đi rất dễ dàng
  • Do dép ôm sát chân và cũng khá mềm nên khi đi lại rất dễ chịu và khá là nhẹ thuận tiện cho việc di chuyển.
  • Dép lốp có thể sử dụng cả trời nắng lẫn trời mưa. Khi trời nắng thì thoáng mát, trời mưa thì cũng không lo bị nước. Khác với khi mang giày, nếu trời nắng mang giày dễ bị đổ mồ hôi, còn trời mưa dễ bị ẩm ướt mắc các bệnh ngoài da. Và trong thời gian kháng chiến trường kì, đã có rất nhiều những người chiến sĩ hi sinh, sức lực và tiền bạc, cơ sở vật chất thiếu thốn thì ta cũng không đủ điều kiện cung cấp đủ giày cho các chiến sĩ thì đôi dép lốp thô sơ ấy luôn gắn bó và đồng hành cùng các anh bộ đội.
  • Dép lốp cũng rất dễ vệ sinh, chỉ cần rửa với nước là sạch
  • Ngoài ra thì dép lốp còn có ưu điểm nữa là nó rất bền.

d. Cách bảo quản:

  • Dép lốp không chỉ bền, dễ làm, dễ sử dụng mà nó cũng rất dễ bảo quản.
  • Khi sử dụng ta cần lưu ý cần tránh để dép ở môi trường có nhiệt độ quá cao vì chất liệu làm từ cao su, đi đường nếu bị bùn đất nên rửa sạch.

e. Giá trị tinh thần:

  • Đôi dép lốp chính là một món kỉ vật vô giá, là minh chứng cho một thời đại lịch sử hào hùng và bi tráng của dân tộc. Những năm tháng đau thương mất mát đã đi qua, chiến tranh cũng đã lùi vào dĩ vãng nhưng những di chứng vẫn còn để lại những nỗi đau, tuy nhiên đó cũng là những năm tháng với rất nhiều những giá trị lịch sử bi hùng, với cuộc sống chiến đấu gian khổ nhưng đầy lí tưởng mục đích chính nghĩa, với những vật dụng quen thuộc mà đơn sơ, với sự lạc quan, hài hước của người lính. Đôi dép lốp đã được gắn bó với những tháng năm như thế.
  • Đôi dép lốp mang những giá trị biểu tượng mạnh mẽ thể hiện tinh thần chiến đấu, ý chí của con người Việt Nam với đôi chân Việt gan dạ, dũng cảm, bền bỉ.
  • Đôi dép lốp cũng góp phần tạo nên truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, nó là người bạn đường giản dị, mộc mạc, đơn sơ của người lính Việt Nam trong kháng chiến.
  • Mỗi người chúng ta đều cần phải trân trọng những giá trị quý báu của dân tộc, trân trọng đôi dép lốp đơn sơ, mộc mạc, đáng quý ấy.

III. Kết bài :

  • Cảm nghĩ bản thân mình

Ngày nay tuy dép lốp không còn phổ biến như xưa nhưng nó vẫn luôn gợi nhắc mỗi chúng ta về một thời đại hào hùng của dân tộc. Đôi dép lốp đã làm nên vẻ đẹp của người lính cụ Hồ anh dũng. Hiện nay đôi dép lốp đã được bảo quản ở một nơi trang nghiêm trong bảo tàng lịch sử Việt Nam để lưu dữ chứng nhân lịch sử ấy.

Bài viết

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam, những người chiến sĩ Cách mạng đã phải trải qua các cuộc chiến ác liệt, một mất một còn vô cùng khốc liệt. Cuộc chiến đấu gian nan là thế nhưng cuộc sống sinh hoạt lại vô cùng thiếu thốn, hành trang mang theo bên người chỉ có chiếc võng, cái bát ăn cơm, balo con cóc, chiếc mũ tai bèo,... Và một trong những hành trang không thể thiếu của mỗi người lính đó là đôi dép lốp.

Trước hết về nguồn gốc của đôi dép lốp ấy. Trong thời kì kháng chiến, khi kinh tế nước ta còn nghèo nàn, cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhân dân ta đã sáng tạo ra đôi dép lốp từ những lốp xe ô tô cũ thải ra rất nhiều mà không thể sử dụng vào việc gì khác.  Đôi dép lốp ra đời từ đấy. Loại dép này trong Nam gọi là "dép rầu".

Đôi dép lốp có hình dáng giống những đôi dép bình thường. Quai dép được làm từ săm (ruột) xe ôtô đã qua sử dụng. Hai quai trước bắt chéo nhau, hai quai sau song song, vắt ngang cổ chân, bề ngang mỗi quai khoảng 1,5cm. Đế dép được làm từ lốp (vỏ) của xe ôtô hoặc được đúc bằng cao su. Đế được đục những cái lỗ để xỏ quai qua. Điều kì lạ là giữa quai và đế được cố định chắc chắn vào nhau không bằng bất cứ một thứ keo kết dính nào mà nhờ vào sự giãn nở của cao su. Dưới đế dép có những rãnh hình thoi để các chiến sĩ đi đường lầy lội cho đỡ trơn.

Dép lốp cao su dễ làm, giá thành lại rẻ và nhất là dễ sử dụng trong mọi địa hình, dù đèo cao hay suối sâu, đường lầy lội hay đất bụi đều đi rất dễ dàng. Do các quai dép ôm vừa khít với bàn chân nên chiến sĩ ta đi không biết mỏi vì cảm giác rất nhẹ. Dép lốp rất tiện sử dụng, cả thời tiết nắng nóng và mưa dầm. Trời nắng thì thoáng mát, mưa dầm thì không lo sũng nước. Dép lốp cũng dễ vệ sinh. Khi dính bùn đất chỉ cần rửa nước là sạch. Dép lốp sử dụng nhiều trong chiến tranh nên nó đã trở thành một biểu tượng của những người chiến sĩ Cách mạng và vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh cũng thường xuyên sử dụng loại dép này. Vì vậy mà dép lốp còn là một biểu tượng về sự giản dị của Bác. Nó mang những biểu tượng mạnh mẽ thể hiện được tinh thần chiến đấu của dân tộc ta. Mặc dù nó không hiện đại và đắt tiền nhưng giá trị của nó đến hôm nay, phải được coi là một điều có ý nghĩa và trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Không những thế, đôi dép lốp đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều giới nhà văn, nghệ sĩ cả trong nước và ngoài nước. 

Ngày nay, tuy dép lốp không còn phổ biến như xưa nhưng nó nhắc nhở chúng ta về một thời đã qua với biết bao cay đắng, khổ cực mà cũng thật hào hùng, oanh liệt. Dép lốp đã làm nên vẻ đẹp giản dị, thanh tao của anh bộ đội cụ Hồ với lòng yêu thương đất nước vô bờ. Và cũng chính đôi dép ấy đã góp phần giúp dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ của bọn xâm lược và đôi dép lốp là một chứng nhân lịch sử trong một hành trình dài chống giặc ngoại xâm.

Bài mẫu 3: Thuyết minh về đôi dép lốp

Thuyết minh về đôi xép lốp

Dàn ý

1. Mở bài: giới thiệu về đôi dép lốp

2. Thân bài:

a.  Lịch sử ra đời: Trong kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Cách mạng nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Đôi dép được cắt từ lốp và ruột xe ôtô cũ đã qua sử dụng làm hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ thật giản dị, gần gũi và thân thương. 

b. Hình dáng, cấu tạo, chất liệu:

  • Đôi dép lốp có hình dáng giống những đôi dép bình thường.
  • Quai dép được làm từ săm (ruột) xe ôtô đã qua sử dụng. Hai quai trước bắt chéo nhau, hai quai sau song song, vắt ngang cổ chân, bề ngang mỗi quai khoảng 1,5cm.
  • Đế dép được làm từ lốp (vỏ) của xe ôtô hoặc được đúc bằng cao su. Đế được đục những cái lỗ để xỏ quai qua. Điều kì lạ là giữa quai và đế được cố định chắc chắn vào nhau không bằng bất cứ một thứ keo kết dính nào mà nhờ vào sự giãn nở của cao su.
  • Dưới đế dép có những rãnh hình thoi để các chiến sĩ đi đường lầy lội cho đỡ trơn.

c. Nét đặc biệt, công dụng:

  • Dép lốp cao su dễ làm, giá thành lại rẻ và nhất là dễ sử dụng trong mọi địa hình, đi không biết mỏi vì cảm giác rất nhẹ. 
  • Dép lốp rất tiện sử dụng, cả thời tiết nắng nóng và mưa dầm. Trời nắng thì thoáng mát, mưa dầm thì không lo sũng nước. Dép lốp cũng dễ vệ sinh. Khi dính bùn đất chỉ cần rửa nước là sạch.
  • Dép lốp lại rất bền phù hợp với điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
  • Một thời đôi dép lốp gắn liền với hình ảnh Bác Hồ.

=> (So sánh với sự bất tiện khi mang giày: Trời nắng thì đổ mồ hôi khó chịu, trời mưa thì ướt sũng dễ sinh các bệnh ngoài da. Đặc biệt điều kiện khó khăn lúc bấy giờ thì khó cung cấp đủ giày cho các chiến sĩ. Dép lốp khắc phục được tất cả các nhược điểm này).

d. Dép lốp đi vào thơ ca, văn học: (trích trong Theo chân Bác – Tố Hữu)

3. Kết bài: Giá trị đáng quý của chiếc dép lốp, là sản phẩm đem lại những giá trị to lớn và cần thiết nhất dành cho mỗi người.

Bài viết

Chiến tranh là mất mát là đau thương. Nhưng với Việt Nam chiến tranh còn là bất khuất kiên cường. Khói bom lửa đạn không làm chùn chân những người lính, họ tiến lên để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Đồng hành cùng dấu chân người lính, không chỉ có ba lô con cóc, nón tai bèo mà còn có đôi dép lốp. Dép lốp đã trở thành hình ảnh gắn bó với bộ đội Việt Nam.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Cách mạng nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Để tiếp tục kháng chiến, nhân dân ta đã sáng tạo ra những vật dụng cần thiết từ chính sự thiếu thốn ấy. Dép lốp là một loại dép đơn giản, được làm từ săm và lốp ô tô cũ. Loại dép này phổ biến ở Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ bởi tính đơn giản, dễ làm, rẻ tiền và độ bền cao của chúng. Có nhiều nguồn tin cho rằng cha đẻ của đôi dép lốp là Đại tá Hà Văn Lâu nhưng chính ông cũng thừa nhận mình chỉ sử dụng lại cách thức của những người phu xe dùng mo cau hay vỏ ruột xe kéo làm những đôi dép mà thôi.

Năm 1947, thấy ông Nguyễn Văn Sáu (tức Sáu đen) có một số săm lốp ô tô cũ, ông Hà Văn Lâu đã đề nghị ông Sáu đen chế tạo những đôi dép lốp kiểu sandal tiện lợi, đi nhẹ và êm, lội nước và bùn rất thuận tiện. Thêm vào đó, những đôi dép lốp (dép cao su) có độ dày lớn, cứng nên có thể bảo vệ bàn chân người lính trong hầu hết trường hợp, kể cả giẫm lên mẻ chai, thép gai hay lửa đỏ.

Dép lốp có 2 bộ phận là đế và quai. Chiếc dép lốp thường có bốn quai. Quai dép được làm từ săm (ruột) xe ôtô đã qua sử dụng. Hai quai trước bắt chéo nhau, hai quai sau song song, vắt ngang cổ chân, bề ngang mỗi quai khoảng 1,5cm. Đế dép được làm từ lốp (vỏ) của xe ôtô hoặc được đúc bằng cao su. Cầm lên thấy nặng nhưng đi vào chân thì rất êm. Đế được đục những cái lỗ để xỏ quai qua.

Điều rất thú vị là loại dép này không cần may khâu gì cả. Người ta chỉ dùng một díp sắt kẹp lấy đầu quai rút vào một lỗ đục sấn. Quai và đế được cố định chắc chắn vào nhau nhờ vào sự giãn nở của cao su. Nhờ sự đàn hồi của cao su nên nó dính rất chặt vào nhau, đến nỗi đi vấp ngã mà vẫn không bật ra được.

Dép lốp còn có tên gọi khác là dép cao su, dép râu, dép Bình Trị Thiên. Chi phí làm ra một chiếc dép lốp rẻ, sử dụng lại vô cùng thuận tiện. Do các quai dép ôm vừa khít với bàn chân nên khi đi sẽ đỡ mỏi chân hơn vì cảm giác rất nhẹ. Trong mọi địa hình, thời tiết dép lốp đều có thể phát huy ưu điểm. Trời nắng thì thoáng mát, mưa dầm thì không lo sũng nước. Xuân hạ thu đông đều có thể đi dép lốp. Dép lốp dễ vệ sinh. Bùn đất dính vào chỉ cần rửa qua nước là sạch, không giống như nhiều loại giày dép hiện nay, bùn dính rất khoe vệ sinh sạch sẽ. Quai dép tuột ra còn có thể gắn lại nên học sinh ngày đó cũng rất ưu chuộng loại dép này. Đi dép lốp, chân được thoải mái thông thoáng, tránh được một số bệnh về da chân. Người lính có thể hành quân cả ngày dài mà chân vẫn vững bước.

Đặc biệt, dép lốp đã trở thành chứng nhân lịch sử cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dán tộc. Sự bền chắc và thuận tiện của nó phù hợp với điều kiện khó khăn của cuộc kháng chiến. Dép lốp là vật dụng quen thuộc của chủ tịch Hồ Chí Minh, là người bạn đồng hành cùng bước chân người lính. Nó theo các anh ra chiến trường rồi lại cùng các anh trở về chiến khu. Nó là biểu tượng cho tinh thần anh dũng của người lính, là thành quả sáng tạo của con người Việt Nam, trước khó khăn không nản lòng thoái chí.

Dép lốp còn trở thành cảm hứng cho bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ. Để rồi sau này, những khúc ca ấy còn ngân vang mãi như gợi nhớ một thời đau thương mà kiên cường của dân tộc:

"Còn đôi dép cũ, mòn quai gót,

Bác vẫn thường đi giữa thế gian"

(Theo chân Bác – Tố Hữu)

Thời gian trôi đi, chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ. Nhiều đôi dép hiện đại hơn đã ra đời, dép lốp không còn phổ biến như xưa. Nhưng mỗi lần nhìn thấy đôi dép lốp nằm nghiêm trang trong tủ kính của các bảo tàng, người dân Việt Nam vẫn không kìm được niềm xúc động và tự hào về quá khứ hào hùng đã qua.

Thuyết minh về đôi dép lốp
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Văn mẫu lớp 8: Thuyết minh về đôi dép lốp . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu lớp 8. Phần trình bày do hanoi tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận