Danh mục bài soạn

Hành hương về thăm “Hoàng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha”

Chuyên mục: Văn mẫu lớp 8

Đường sang quê Bác đây rồi /Con nông giang nhỏ chạy dài đầu thôn/ Nhà xưa Bác ở vẫn còn/ Mái tranh nho nhỏ, nếp vườn thân yêu/ Bác ơi, nhà Bác cũng nghèo/ Quê hương Bác cũng như nhiều quê hương/ Chỉ vì Bác rộng tình thương/ Cho nên nắng đẹp mười phương tràn về. Ai chưa đến hay ai đã đi qua Nghệ An cũng đều mong muốn một lần được dừng lại, được ghé thăm nơi đã thân sinh ra chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già của dân tộc. Đó là khu di tích Kim Liên “Hoàng Trù quê mẹ” và “làng Sen quê cha” thuộc xã Kim Liên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Giữa miền quê quanh nắm hứng chịu bao thiên tai khắc nghiệt của thời tiết, nhưng ngôi nhà của Bác vẫn hàng ngày đón hàng nghìn khách từ tứ phương đến tham quan và tưởng niệm. Bởi dừng chân lại nơi đây ai cũng thỏa mãn được niềm khát khao tìm về nguồn cội của một miền quê giàu truyền thống lịch sử-văn hóa, được tìm hiểu, được nghe và được thấy ngọn nguồn văn hóa đã sinh ra và nuôi dưỡng một Con Người đã “làm rạng rỡ non sông đất nước ta”.

Khu di tích Kim Liên là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tưởng niệm vị cha già đáng kính của dân tộc. Nơi đây lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật về thời ấu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình. Khu di tích Kim Liên bao gồm 2 cụm di tích chính: Cụm di tích tại quê nội và Cụm di tích tại quê ngoại của Chủ Tịch.

Có lẽ, về quê Bác vào dịp đầu hạ là đẹp nhất. Bởi đó là mùa của những búp sen vừa hé nụ, là mùi thơm dịu nhẹ của hương lúa còn non và là dịp cả nước nhớ đến ngày sinh nhật Bác. 

Dừng chân lại làng Chùa, du khách có thể tham quan và tìm hiểu về quê ngoại của Bác. Cụm di tích Hoàng Trù, nằm trong khuôn viên khu vườn của cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại của Bác. Mảnh vườn rộng hơn ba héc-ta gồm có ngôi nhà tranh năm gian của cụ Đường, nhà thờ họ Hoàng Xuân và ngôi nhà tranh ba gian ông giáo Đường làm cho con gái Hoàng Thị Loan và con rể Nguyễn Sinh Sắc. Tại ngôi nhà này, Bác Hồ kính yêu đã cất tiếng khóc chào đời và gắn bó tuổi thơ với nhiều kỷ niệm sâu sắc. Từ xa chiêm ngưỡng, đây như một bức tranh đồng quê những năm cuối thế kỉ 19 được tái hiện lại một cách sâu sắc. Đó là hàng cau cao vút, hàng dâm bụt xanh um lấp ló đâu đó những búp hoa sắp bung nở. Là những lũy tre xanh ôm ấp những ngôi nhà mái lá.

Nơi đây, vẫn còn nhiều kỉ vật được lưu lại, đó là bộ tràng kỷ của cụ giáo Đường thường ngồi dạy học, bộ ấm pha trà khi cụ đàm đạo văn chương, thời cuộc với các nhà nho yêu nước, bộ khung cửi của bà Hoàng Thị Loan dùng để dệt vải may áo cho chồng, cho con, và một số vật dụng sinh hoạt khác của gia đình Bác cuối thế kỷ 19.

Tạm xa rời quê ngoại, du khách lại tiếp tục cuộc hành hương về thăm quê nội Bác Hồ. Cụm di tích tại quê nội bao gồm các di tích: Nhà thờ họ Nguyễn Sinh, Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm (ông nội của Bác), Nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý, Lò rèn cố Điền, Giếng Cốc, Núi Chung, Sân vận động làng Sen, Đền làng Sen...Cũng như quê ngoại, quê nội của Bác lưu giữ lại những kỉ vật rất đỗi bình dị và quen thuộc. Đó là chiếc võng tuổi thơ bên khung cửi mộc, giếng Cốc, lò rèn cố Điền, nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý (thầy dạy học khai tâm của Bác), nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh… Ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nằm nép mình bình yên dưới tán cây mít cổ thụ và hàng cau xanh mát. Bước qua bậc cửa gỗ có che vách liếp, trong nhà vẫn còn nguyên những kỷ vật gắn bó với gia đình Bác: hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ Phó bảng và hai con trai; chiếc giường là của bà Thanh, con gái cụ, chiếc rương đựng lương thực, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen, chạn bát... Dù đã nhuốm màu thời gian nhưng hình bóng của Người như vẫn lưu lại nơi đây.

Đến với quê Bác, bên cạnh tham quan cụm di tích quê nội và quê ngoại, chúng ta còn có thể tham quan và dâng nén hương thơm lên ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ) trên núi Đại Huệ hay núi Chung và nhiều di tích khác đã gắn liền với tuổi thơ của Hồ Chí Minh.

Có thể nói, ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh, trong cuộc hành hương tìm về mảnh đất xứ Nghệ còn đọng lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách thập phương bởi lòng nhiệt tình, nồng hậu của những người dân địa phương. Sự mộc mạc, bình dị đó cũng chính là nét đặc trưng không thể lẫn vào bất cứ nơi đâu. Một vùng quê bình yên đến lạ. 

Dẫu đã trải qua cả thế kỷ, vạn vật đổi thay nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Sen quê cha, làng Chùa quê mẹ gắn liền với thời thơ ấu của Bác vẫn được lưu giữ cẩn thận, phục vụ du khách muôn nơi. Về quê Bác như tìm về quê chung của tất cả con cháu khắp nơi trên dải đất hình chữ S này. Để đi giữa hương sen bát ngát, đôi bờ tre rì rào trong gió, hoa cau, hoa bưởi còn thơm nồng và giữa ân tình những người dân xứ Nghệ, cảm nhận đâu đây vẫn còn hơi ấm của Người. Bác Hồ vẫn sống mãi với quê hương, đất nước…

Từ khóa tìm kiếm google:

về thăm quê bác, hàng trù quê mẹ làng sen quê cha, làng sen quê bác, hành hương về thăm quê bác, quê bác kim liên nam đàn
Nghệ An
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Hành hương về thăm “Hoàng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha” . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu lớp 8. Phần trình bày do Tech120 tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận