Danh mục bài soạn

Văn mẫu lớp 8: Suy nghĩ của anh chị về đức hi sinh

Chuyên mục: Văn mẫu lớp 8

Đề bài: Giới thiệu và thuyết minh về Hàm Rồng. Theo đó, hocthoi gửi đến các bạn 3 dàn ý + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Suy nghĩ của anh chị về đức hi sinh

Suy nghĩ của anh chị về đức hi sinh 

Dàn ý

I. Mở bài:

  • Giới thiệu về đức hi sinh trong cuộc sống

II. Thân bài:

* Giải thích:

  • Hi sinh là một đức tính cao quý của con người.
  • Hi sinh là vì người khác mà chịu sự thiệt thòi về bản thân mình.
  • Đó là những suy nghĩ, hành động tự nguyện vì người khác, không vụ lợi cá nhân, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân mình.

* Biểu hiện:

Trong chiến tranh:

  • Rất nhiều anh hùng, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, mang lại cuộc sống hòa bình, ấm no cho nhân dân.
  • Họ không ngại gian khổ mà hăng hái tham gia chiến đấu.
  • Các dẫn chứng tiêu biểu: Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân; người anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo,...

Trong đời sống hàng ngày:

  • Cha mẹ lao động vất vả, hi sinh vì các con để các con có một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp.
  • Những con người hi sinh bản thân để cứu bạn bè hoặc người khác khi họ gặp nạn: anh Trần Hữu Hiệp trong vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ, em Nguyễn Văn Nam đã hi sinh cứu 5 em nhỏ bị đuối nước,...
  • Những người chiến sĩ, giáo viên tình nguyện ra biển đảo hoặc lên miền núi để công tác, làm việc,...

* Bàn luận:

  • Người có đức hi sinh được mọi người tôn trọng, yêu quý.
  • Đức hi sinh giúp con người sống gần gũi với nhau hơn, biết yêu thương nhau hơn.
  • Phê phán những con người sống vô cảm, ích kỉ, không biết hi sinh vì người khác.

* Liên hệ bản thân:

  • Phải biết sống vì người khác, rèn luyện đức hi sinh cho bản thân.
  • Không quên ơn những người đã hi sinh vì mình.
  • Phát huy đức tính cao đẹp của dân tộc.

III. Kết bài:

  • Đức hi sinh sẽ giúp con người biết sống vì người khác nhiều hơn, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Bài viết

Nếu sự ích kỷ khiến con người trở nên tầm thường, nhỏ bé thì sự hi sinh lại giúp con người trở nên cao thượng. Đức hi sinh luôn hiện hữu và tồn tại trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nó đã trở thành lẽ sống, lí tưởng sống trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.

Hi sinh là vì người khác mà chịu sự thiệt thòi về bản thân mình. Đó là những suy nghĩ, hành động tự nguyện vì người khác, không vụ lợi cá nhân, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân và có thể hi sinh tính mạng của mình vì sự sống của người khác. Đây là đức tính cao quý của nhân dân ta mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, biết bao người anh hùng đã tham gia chiến đấu để giành lấy hòa bình, tự do cho Tổ quốc. Họ là người anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng hay người thanh niên quả cảm Tô Vĩnh Diện đã dùng thân mình để chèn pháo,...Một tấm gương về đức hi sinh mà chúng ta không thể không nhắc đến đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Người đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Những năm tháng tuổi trẻ Bác đã bôn ba khắp các nước trên thế giới để tìm ra con đường giải phóng dân tộc, khi trở về Bác lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Những câu hát: "Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hi sinh cho dân tộc Việt Nam...Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư. Mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam..." (Bác Hồ một tình yêu bao la - Thuận Yến) vẫn còn vang mãi trong tâm thức mỗi chúng ta. Bên cạnh những anh hùng được tổ quốc ghi công được nhiều người biết đến thì vẫn có vô số những con người vô danh đã ngã xuống vì màu cờ sắc áo của dân tộc. Họ là những người "Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước" (Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm). Đức hi sinh của họ đã trở thành lý tưởng sống. Đối với họ, sống là cống hiến, là hi sinh để có thể mang lại hạnh phúc cho đồng bào, dân tộc. Bao nhiêu gian nan, khổ cực cũng không thể khiến họ lùi bước.

Khi bom đạn chiến tranh đã qua đi, đức hi sinh của con người vẫn luôn được thể hiện trong cuộc sống thường nhật. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến anh Trần Hữu Hiệp hay anh Nguyễn Văn Nam và nhiều tấm gương khác vì cứu người mà hi sinh tính mạng của mình. Anh Trần Hữu Hiệp đã có một hành động thật dũng cảm khi nhường chiếc áo phao của mình cho một phụ nữ trong vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ để nhận lấy cái chết về mình. Giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết, con người ấy đã nhường lại cơ hội sống của mình cho người khác. Khi trông thấy năm em nhỏ đang bị đuối nước, Nguyễn Văn Nam đã không ngần ngại mà nhảy xuống cứu các em. Ngay cả khi bản thân đã đuối sức thì Nam vẫn liều mình để cứu một em nhỏ còn lại và anh bị dòng nước nhấn chìm. Những hành động đó cao cả và đáng quý biết nhường nào!

Đức hi sinh không chỉ thể hiện ở việc nhận lấy cái chết về mình để đánh đổi lấy sự sống cho người khác mà nó còn được thể hiện ở những hành động thầm lặng mà vô cùng ý nghĩa. Những người cha, người mẹ đã dùng cả cuộc đời chăm lo cho các con để các con có một cuộc sống đầy đủ. Họ không quản ngại mưa nắng, khó khăn, cực khổ lao động để mua cho con một chiếc cặp sách mới, một bộ quần áo mới. Bao nhiêu giọt mồ hôi cũng chính là bao nhiêu sự vất vả, hi sinh của cha mẹ. Họ luôn giấu đi sự mệt mỏi để dành cho ta những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Sự hi sinh của các bậc cha mẹ là vô bờ bến. Công ơn ấy chúng ta dành cả một đời cũng không thể nào đền đáp hết được. Ngoài ra, chúng ta còn biết đến những người chiến sĩ, giáo viên tự nguyện lên vùng cao hay vùng biển đảo xa xôi để công tác và làm việc. Những người giáo viên đã hi sinh cả tuổi trẻ, thậm chí là cả cuộc đời của mình để gắn bó với những nơi hẻo lánh, những nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn để mang kiến thức đến cho mọi người. Những người lính cũng góp sức mình để bảo vệ chủ quyền dân tộc. Tất cả những con người ấy đều xứng đáng được ngợi ca và tôn trọng.

Người có đức hi sinh sẽ luôn được mọi người yêu quý. Đức hi sinh xuất phát từ lòng yêu thương con người vì vậy nó là sợi dây gắn kết con người lại với nhau. Đức hi sinh giúp ta biết yêu thương người khác, biết hành động vì người khác. Cũng vì lẽ đó mà chúng ta sống đẹp hơn, sống có ích hơn bởi "Có gì trên đời đẹp hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau (Tố Hữu). Bên cạnh việc ngợi ca những người có đức hi sinh chúng ta cũng cần phê phán lối sống theo chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ của một số cá nhân trong xã hội. Họ chỉ quan tâm đến bản thân mình mà vô cảm, thờ ơ, không biết hi sinh vì người khác.

Để có được cuộc sống no ấm, tươi đẹp như hôm nay, chúng ta cần bày tỏ lòng biết ơn đối với những người anh hùng đã hi sinh vì nền độc lập, hòa bình của dân tộc, biết ơn những người cha, người mẹ đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho chúng ta. Đồng thời mỗi cá nhân cần rèn luyện đức hi sinh cho bản thân và phát huy đức tính cao đẹp ấy để xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng gắn kết.

Bài mẫu 2: Suy nghĩ của anh chị về đức hi sinh

Suy nghĩ của anh chị về đức hi sinh

Dàn ý

1. Mở bài

  • Việt Nam ta có nhiều truyền thống quý báu như lòng hiếu thảo, biết ơn, lòng yêu nước,...
  • Đức hi sinh cũng là một trong những truyền thống tốt đẹp đó.

2. Thân bài

Khái niệm về đức hi sinh:

  • Là một thứ tình cảm nội tại trong mỗi con người, hết sức cao quý và đẹp đẽ, mà không phải con người nào cũng có đủ lòng tin, lòng bao dung để đạt được đức hi sinh ấy.
  • Tình nguyện đánh đổi những lợi ích, những hạnh phúc riêng của cá nhân để cho người khác có được những điều tốt đẹp hơn.

Phân biệt giữa hi sinh lợi ích cá nhân và hi sinh lợi ích của người khác.

Biểu hiện của đức hi sinh:

Trong kháng chiến:

  • Bác Hồ hi sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đất nước
  • Các anh hùng, liệt sĩ đã ra đi hi sinh xương máu cho Tổ quốc, mà không nề hà, bỏ lại sau lưng gia đình, quê hương,...
  • Những người mẹ già, người vợ hi sinh thầm lặng, chờ con, chờ chồng ra tiền tuyến không đợi ngày trở về.
  • Lực lượng quân đội, công an đang ngày đêm hi sinh thời gian, sức khỏe bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trong gia đình:

  • Cha mẹ hi sinh cả cuộc đời để nuôi nấng con cái nên người
  • Gia đình hoàn cảnh khó khăn, anh chị nghỉ học đi làm nuôi em ăn học
  • Sự nhường nhịn lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình

Hi sinh tuy là đau đớn, mất mát nhưng cũng là niềm hạnh phúc, hi sinh giúp chúng ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn cả.

Mỗi con người chúng ta cần phải có đức hi sinh vì gia đình, tập thể và xã hội, hi sinh cho Tổ quốc mỗi khi Tổ quốc gọi tên.

3. Kết bài

  • Hi sinh là một đức tính đẹp và là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta.
  • Chúng ta cần rèn luyện cho mình đức tính hi sinh, người có đức hi sinh sẽ được mọi người yêu mến và dễ thành công trong tương lai.

Bài viết

Việt Nam ta là một nước có nhiều nét văn hóa đặc sắc, song song đó là những truyền thống tốt đẹp đẹp được lưu truyền ngàn đời nay như lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, tinh thần yêu nước sâu sắc, tinh thần đoàn kết dân tộc,... Và đức hi sinh cũng là một trong những truyền thống tốt đẹp, được nhân dân ta trân trọng và luôn khuyên dạy con cháu về tấm lòng cam nguyện hi sinh cho gia đình, xã hội và đất nước như một bài học đạo đức hàng đầu.

Như vậy câu hỏi đầu tiên đặt ra: Đức hi sinh là gì? Trong phạm trù đạo đức và nhân phẩm, đức hi sinh là một thứ tình cảm nội tại trong mỗi con người, hết sức cao quý và đẹp đẽ, mà không phải con người nào cũng có đủ lòng tin, lòng bao dung để đạt được đức hi sinh ấy. Trong xã hội hiện tại, nhắc tới việc hi sinh ta thường nghĩ đến việc hi sinh cho gia đình, sau đó là cho tập thể và to lớn hơn ấy là hi sinh cho Tổ quốc mỗi khi Tổ quốc gọi tên. Đức hi sinh ấy là tấm lòng tình nguyện đánh đổi những lợi ích, những hạnh phúc riêng của cá nhân để cho người khác có được những điều tốt đẹp hơn, và người có đức hi sinh thường cảm thấy tự hào, vui vẻ vì những điều mình đã cho đi, bởi đó là những gì họ mong muốn, cam nguyện không đòi hỏi được nhận lại thứ gì. Đó chính là đức hi sinh cao đẹp, và đáng trân trọng đến chừng nào. Chúng ta cũng phải phân biệt được hi sinh ở đây là hi sinh những gì thuộc về sở hữu của chúng ta dựa trên tinh thần tự nguyện, chứ không phải là hi sinh lợi ích của người khác nhằm những mục đích không đứng đắn, mưu cầu cá nhân, đó là vụ lợi không phải là hi sinh.

Việt Nam ta trong suốt chiều dài lịch sử đã có rất nhiều tấm gương và bài học về đức hi sinh vĩ đại như thế. Đầu tiên, đó là Hồ Chủ tịch vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Người đã dành trọn vẹn cả 79 mùa xuân của mình cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, ngay cả trong Di chúc của Người cũng chỉ trăn trở một nỗi lo về Tổ quốc, về sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Nhắc đến Bác người ta thường nhớ về một phong cách Hồ Chí Minh cao đẹp, một tấm lòng hi sinh cao cả, một chính trị gia, và hơn tất cả là một người công dân yêu nước sâu sắc, quyết dành tất cả cho sự độc lập của dân tộc. Trong chiến tranh, có những người con anh hùng bỏ lại sau lưng gia đình, quê hương lên đường tham gia chiến đấu mà không hẹn ngày trở về, tất cả luôn để trong tim một câu thề son sắt "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", Quang Dũng viết "Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" trong bài thơ Tây Tiến, để chúng ta thấy được tinh thần hi sinh cao cả của thế hệ cha ông đi trước thật vĩ đại và lớn lao biết chừng nào. Mạng sống, máu thịt của mình quyết dành trọn cho Tổ quốc cho dân tộc, ôi thật đáng quý và kiêu hùng quá, người lính cộng sản! Đó là những con con người bước ra tiền tuyến chống giặc cứu nước, còn ở hậu phương cũng có biết bao người mẹ chờ con, tiễn con đi ra chiến trường mà chẳng thấy con trở về, nhạc sĩ Ngọc Sơn viết trong ca khúc Lòng Mẹ 2 rằng: "Mẹ già chờ con ngồi đếm lá rơi. Đếm bao nhiêu lá mà con chưa về.", để thấy được nỗi đớn đau xót xa trong đáy lòng mỗi người mẹ. Đó chính là sự hi sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Có lần tôi nghe một bà mẹ Việt Nam anh hùng kể chuyện, bà bảo: "Thuở ấy, mẹ tiễn chồng ra chiến trận, rồi ông hi sinh, mẹ một mình nuôi 8 đứa con thơ, rồi khi lớn lên chúng nó cũng ra chiến trường hết. Mẹ xót xa lắm nhưng Tổ quốc đang cần, mẹ phải cho chúng đi để cứu Tổ quốc, thế rồi chúng nó cũng không về nữa,...". Nghe kể mà thấy người phụ nữ Việt Nam sao anh hùng quá, sao lại có đức hi sinh to lớn đến vậy. Cho đến ngày hôm nay, chiến tranh đã đi qua, nhưng đức hi sinh của dân tộc Việt Nam chưa bao giờ thay đổi. Để canh giữ cho hòa bình của Tổ quốc, hằng ngày vẫn có những chiến sĩ bộ đội, công an, đặc biệt là những chiến sĩ vùng hải đảo, biên giới ngày đêm luân phiên thay ca trực, hi sinh sức khỏe, giấc ngủ, hi sinh thời gian bên gia đình để hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc với nhân dân.

Trong gia đình, đức hi sinh vẫn thường hiện diện và ta có thể thấy rõ ràng nhất. Cha mẹ hi sinh thời gian nghỉ ngơi, giấc ngủ ngon thức trắng đêm chăm sóc con nhỏ, chỉ sợ con đau, con khóc. Cả cuộc đời cha mẹ chẳng lúc nào không hi sinh cho con cái, cái gì tốt nhất, đẹp nhất cũng nhường phần con, cha mẹ chẳng dành riêng cho mình cái gì. Suốt mấy mươi năm cuộc cuộc đời, cha mẹ tất bật với cơm áo gạo tiền, làm việc không dám ngơi nghỉ, chỉ để con có một tương lai bằng bạn bằng bè, có ai hỏi cha mẹ mệt không, họ đều trả lời tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì được hi sinh cho con cái của mình. Thế đấy, phải làm cha mẹ rồi mới thấu hiểu lòng cha mẹ, mấy ai biết được sự hi sinh thầm lặng mà cao quý ấy. Vậy nên khiến cha mẹ khóc là một tội ác không thể tha thứ. Rồi lại kể đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người anh người chị quyết tâm nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, nuôi những đứa em nhỏ dại, nhường cho em cơ hội học hành, hi vọng một ngày các em thành người có ích cho xã hội. Nhỏ hơn một chút đơn giản là sự nhường nhịn quà bánh cho nhau, dành cho nhau phần ngon phần ngọt giữa anh chị em trong nhà.

Chung quy sự hi sinh nào cũng là đau đớn là mất mát cả, nhưng được hi sinh đó là một sự may mắn biết nhường nào, bởi ít ra cuộc sống của chúng ta còn có ý nghĩa, còn có người để cho chúng ta hi sinh. Đôi khi hi sinh còn là niềm hạnh phúc và tự hào ví dụ như cha mẹ hi sinh cho con cái, đó là nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả biết mấy. Vậy nên mỗi con người chúng ta đều được sống trong điều kiện đầy đủ, thì phải biết hi sinh, hi sinh cho gia đình cho người thân, ra xã hội thì phải biết hạ cái "tôi" cá nhân hi sinh vì lợi ích tập thể. Sẵn sàng hi sinh khi Tổ quốc cần đến mà không được trốn tránh, bởi đó là phận sự chính đáng và thiêng liêng của một công dân có lòng yêu nước.

Bài mẫu 3: Suy nghĩ của anh chị về đức hi sinh

Suy nghĩ của anh chị về đức hi sinh

Dàn ý

I. Mở bài

  • Đức tính hi sinh là một trong những phẩm chất đạo đức cao quý của con người.
  • Vậy đức tính hi sinh có giá trị tinh thần như thế nào trong xã hội của chúng ta?

II. Thân bài

a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)

  • Hi sinh là gì? => Đó là những suy nghĩ, hành động vì người khác bất chấp tính mạng của mình.

b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Tại sao? Vì sao?)

Người có đức tính hi sinh là người như thế nào?

Đó là người có tấm lòng nhân ái, đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân.

Tại sao chúng ta phải có đức tính hi sinh vì người khác?

  • Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp cần có ở mỗi chúng ta.
  • Người có đức tính hi sinh luôn là người được mọi người yêu mến, tin cậy, quý trọng.
  • Thể hiện sự dũng cảm của bản thân.
  • Dẫn chứng: Trong gia đình, cha mẹ hi sinh cho con cái được đầy đủ, sung sướng. Ngoài xã hội, có những học sinh hi sinh bản thân mình để cứu lấy mạng sống của bạn bè mình. Trong y học, nhiều tấm gương hi sinh bản thân mình cho các thí nghiệm, phát minh để tìm ra các loại thuốc mới, giúp ích cho đời. Tiêu biểu hơn cả ta cần nhắc đến vị Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bác hi sinh cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề

  • Nhiều người sống ích kỉ, nhẫn tâm trước sự sống chết của người khác.

III. Kết bài

  • Đức tính hi sinh là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay.
  • Cần rèn luyện, trau dồi nhân cách, phẩm giá để góp phần làm cho cuộc sống ngày càng có ý nghĩa hơn.

Bài viết

Đọc những bài báo gần đây chúng ta dễ dàng tìm thấy những mẩu thông tin về những người mặc dù mình đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn, ngặt nghèo hay trong hoàn cảnh ảnh hưởng đến tính mạng của mình, họ vẫn sẵn sàng nghĩ cách để cứu giúp những người khác thoát khỏi cái chết. Họ hi sinh bản thân để cứu giúp con người. Những con người này thật đáng trân trọng biết bao. Vậy ta hiểu hi sinh có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta?

Hi sinh có nghĩa là gì? Hi sinh có ý nghĩa là những suy nghĩ, hành động vì người khác bất chấp tính mạng của mình. Người có tấm lòng biết hi sinh bản thân mình cho người là người có tấm lòng nhân ái, đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân. Vậy thì tại sao chúng ta phải có đức tính hi sinh vì người khác ? Bởi vì, nó thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp cần có ở mỗi chúng ta. Người có đức tính hi sinh luôn là người được mọi người yêu mến, tin cậy, quý trọng. Không chỉ vậy, người có đức tính hi sinh còn thể hiện được sự dũng cảm của bản thân mình. Xem trên báo chí gần đây, chắc ai cũng đã biết qua một tấm gương hi sinh bản thân mình để cứu giúp người khác đó chính là anh Trần Hữu Hiệp. Trong vụ chìm tàu thảm khốc tại vùng biển Cần Giờ, anh Trần Hữu Hiệp đã làm rung động bao trái tim đồng loại với nghĩa cử cao đẹp: quên mình, nhường mạng sống cho người khác. Lúc đối đầu với cơn sóng dữ nguy hiểm nhất, anh đã đũng cảm cởi chiếc áo phao trên người, trao cho một người phụ nữ đang hấp hối giữa dòng nước. Và khi nhường sự sống cho người phụ nữ kia, anh đã không một giây mảy may đắn đo, suy nghĩ để rồi chính anh kiệt sức, bị cuốn trôi giữa dòng nước xoáy.

Hay câu chuyện về em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An) khi đi ngang qua sông Lam thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng nước, nam sinh này đã không hề đắn đo mà nhanh chóng lao xuống cứu người. Sau khi đã cứu được bốn em vào bờ, Nam thấy vẫn còn một em bị ngạt nước, cậu bạn đã dùng hết sức lực giúp em nhỏ vào bờ. Nhưng đáng tiếc rằng, chàng trai trẻ đã bị kiệt sức rồi dần bị nước cuốn trôi. Qua những câu chuyện ngắn trên, chúng ta thấy rằng tuy tuổi đời của những chàng trai này khá trẻ nhưng những tấm gương hi sinh này đã khiến cho nhiều người phải thán phục. Sự hi sinh của họ chính là tấm gương sáng chói muôn đời cho thế hệ sau học tập.

Bên cạnh đó, nhắc đến sự hi sinh thì chúng ta không thể không nhắc đến sự hi sinh cao cả, thiêng liêng của cha mẹ dành cho chúng ta. Họ đã mang nặng, đẻ đau chín tháng mười ngày đầy vất vả. Sinh con ra rồi lại nuôi nấng, dạy bảo nên người. Quả thật sự hi sinh ấy không gì có thể so sánh được. Hay như sự hi sinh của các chiến sĩ cha anh đi trước, họ đã hi sinh một cách oanh liệt, hào hùng chỉ vì mong muốn đem lại nền hoà bình, tự do cho đất nước. Nói tới hi sinh ta không thể không nhắc đến vị cha già Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Bác đã hi sinh cả một đời người để đi tìm con đường cứu nước giúp đất nước chúng ta thoát khỏi vòng nô lệ. Bác đã giúp dân tộc Việt Nam chúng ta đưọc độc lập, tự do và hạnh phúc. Tấm gương hi sinh cuộc đời mình cho đất nước vẫn sẽ sáng chói đến tận ngàn đời.

Tuy nhiên, trong cuộc sống của chúng ta vẫn còn rất nhiều con người sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thờ ơ với những con người xung quanh đặc biệt là những con người nghèo khó, đang cần đến sự giúp đỡ. Những kẻ sống ích kỉ này luôn luôn nhẫn tâm trước sự sống chết của người khác.

Tóm lại, đức tính hi sinh là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay. Riêng bản thân em, em sẽ luôn rèn luyện, trau dồi nhân cách, phẩm giá của mình đặc biệt là đức tính hi sinh để góp phần làm cho cuộc sống của mình ngày càng có ý nghĩa hơn.

 

Suy nghĩ của anh chị về đức hi sinh
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Văn mẫu lớp 8: Suy nghĩ của anh chị về đức hi sinh . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu lớp 8. Phần trình bày do hanoi tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận