Danh mục bài soạn

Văn mẫu lớp 8: Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm trong tác phẩm Cô bé bán diêm của An-dec-xen

Chuyên mục: Văn mẫu lớp 8

Đề bài: Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm trong tác phẩm Cô bé bán diêm của An-dec-xen. Theo đó, hocthoi gửi đến các bạn 3 dàn ý + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm trong tác phẩm Cô bé bán diêm của An-dec-xen

Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm

Dàn ý

1. Mở bài

  • Câu chuyện Cô bé bán diêm của nhà văn Đan Mạch nổi tiếng An-đéc-xen với nội dung chính là 4 giấc mơ của cô bé bán diêm tội nghiệp đã thể hiện niềm khao khát về những nhu cầu cấp thiết nhất của con người là tồn tại, an toàn và xã hội.
  • Mỗi giấc mơ là đại diện cho một khao khát, ước mơ của trẻ em trong cuộc sống.

2. Thân bài

* Hoàn cảnh:

  • Cô bé bán diêm, nghèo khổ, đói rách, phải đi bán diêm trong đêm giao thừa.
  • Từng có khoảng thời gian sống hạnh phúc khi người bà còn sống.

* Giấc mơ đầu tiên:

  • Nhìn thấy lò sưởi

=> Là nhu cầu được tồn tại, được an toàn trước cái rét buốt cắt da cắt thịt. Cô bé khao khát được sưởi ấm, được ngồi trong một căn phòng có lò sưởi, để xua đi cái lạnh giá khổ cực giữa đêm đồng cùng với cái cô đơn cùng cực đến thương tâm của một đứa trẻ tội nghiệp.

* Giấc mơ thứ hai:

  • Mơ thấy căn phòng với bàn ăn, ngỗng quay

=> Khát khao được bù đắp về thể xác trước cái đói và cái lạnh đang hành hạ cô bé tội nghiệp. Đó là những nhu cầu cấp thiết đối với một con người, đặc biệt là với trẻ con vốn đang ở tuổi ăn tuổi lớn.

* Giấc mơ thứ ba:

Mơ thấy cây thông nô-en:

=> Thể hiện khao khát được đoàn viên, được hạnh phúc bên gia đình trong khoảnh khắc giao thừa.

* Giấc mơ thứ tư:

  • Nhìn thấy người bà yêu quý của mình.
  • Người bà chính là tổng hòa những khát khao, những mong muốn mà cô bé hằng mơ ước.
  • Hình ảnh người bà xuất hiện cũng là đại diện cho sự thiếu thốn tình cảm trong cô bé => Khao khát có được tình yêu thương, hơi ấm tình thân hơn tất cả những giá trị vật chất bình thường khác.
  • Báo hiệu cho sự kết thúc những đau khổ trong cuộc đời của cô bé, bởi chỉ có ở bên bà em mới thấy mình được hạnh phúc, dù rằng kết thúc câu chuyện là cái chết của cô bé bán diêm trước thềm năm mới.

3. Kết bài

  • Bốn giấc mơ của cô bé bán diêm cho ta thấy được những nhu cầu, mong ước của từng đứa trẻ, từng con người trong cuộc sống, đó là những mong muốn cấp thiết nhất.
  • Hướng con người đến sự đồng cảm sẻ chia với những số phận bất hạnh trong xã hội.

Bài viết

Theo nhà tâm lý học người Hoa Kỳ Abraham Maslow, con người luôn có những cấp độ khác nhau về nhu cầu, bao gồm nhu cầu tồn tại hay sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu tự hoàn thiện. Câu chuyện Cô bé bán diêm của nhà văn Đan Mạch nổi tiếng An-đéc-xen với nội dung chính là bốn giấc mơ của cô bé bán diêm tội nghiệp đã thể hiện niềm khao khát về những nhu cầu cấp thiết nhất của con người là tồn tại, an toàn và xã hội. Thế nhưng hiện thực cuộc sống khắc nghiệt, đã đẩy cô bé đến bước đường cùng là cái chết thương tâm bên cạnh bao diêm cháy dở, khiến những giấc mơ ấy mãi chỉ là ảo mộng. Từ đó chúng ta rút ra được những bài học sâu sắc về sự thấu hiểu thông cảm sâu sắc với những số phận bất hạnh trong xã hội, đặc biệt là trẻ em, lứa tuổi vốn dĩ phải được hưởng hạnh phúc, sự giáo dục và những gì tốt đẹp nhất chứ không phải là lăn lộn mưu sinh kiếm sống vất vả.

Câu chuyện trên kể về một cô bé bán diêm nghèo khổ, lầm lũi trong đêm giao thừa với hy vọng mỏng manh có thể bán được thêm vài bao diêm, vì cả ngày em chưa bán được bao nào. Nhưng vì quá mệt mỏi và lạnh giá mà em ngồi vào một góc tường, rồi hồi tưởng về quá khứ, thật tội nghiệp và đau đớn khi cô bé vốn dĩ cũng có một cuộc sống sung túc, khá giả thế nhưng sự ra đi của người bà mà em hằng yêu quý dường như đã mang đi tất cả những niềm hạnh phúc ấy của em. Cô bé từ cảnh sung sướng phải vật lộn kiếm sống trong giá rét, điều ấy khiến em thấy đau khổ và tủi thân vô cùng, đặc biệt là khi người thân duy nhất của em là bố cũng không hề thương yêu em, luôn đánh đập và hành hạ cô bé bất hạnh.

Trước cái rét buốt cắt da cắt thịt, trước hoạt cảnh đường phố vắng lặng, nhà nhà sum họp đón giao thừa, thì việc được đốt một que diêm sưởi ấm là niềm mong mỏi nhỏ nhoi của cô bé tội nghiệp. Thế rồi em đánh liều đốt một cây diêm để sưởi ấm, ánh lửa trong đôi mắt cô bé hiện lên thật đẹp và kỳ diệu "ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi, trắng ra, rực hồng quanh que gỗ trông thật vui mắt", có lẽ đây là niềm vui hiếm hoi của cô bé kể ừ khi bà mất. Và trong cái ấm áp ít ỏi của que diêm cô bé đã tưởng tượng ra một chiếc lò sưởi ngay trước mắt, đó chính là hiện thân của những khao khát mong mỏi trong lòng cô bé, là nhu cầu được tồn tại, được an toàn trước cái rét buốt cắt da cắt thịt. Cô bé khao khát được sưởi ấm, được ngồi trong một căn phòng có lò sưởi, để xua đi cái lạnh giá khổ cực giữa đêm đồng cùng với cái cô đơn cùng cực đến thương tâm của một đứa trẻ tội nghiệp. Thế nhưng khi que diêm vụt tắt cũng là lúc giấc mơ của em khép lại, chẳng có lò sưởi nào cả, hiện thực vẫn rất tàn nhẫn, em vẫn cô độc giữa đêm giao thừa đón nhận cái giá rét và nỗi buồn tủi cho thân phận mình. Chính điều đó đã thôi thúc em quẹt tiếp que diêm thứ hai.

Trong lần quẹt diêm thứ hai, cô bé không còn nhìn thấy lò sưởi mà thay vào đó cô bé nhìn thấy một căn phòng sáng sủa đẹp đẽ, "bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa quý giá, và có cả một con ngỗng quay...". Đây có thể nói là một giấc mơ có mức độ cao hơn giấc mơ còn lại, cô bé mơ thấy căn phòng ấm áp, mơ thấy ngỗng quay là biểu hiện của những khát khao được bù đắp về thể xác trước cái đói và cái lạnh đang hành hạ cô bé tội nghiệp. Đó là những nhu cầu cấp thiết đối với một con người, đặc biệt là với trẻ con vốn đang ở tuổi ăn tuổi lớn, mong ước của em chỉ đơn giản là được ăn ngon, mặc ấm, thế nhưng cuộc sống bất hạnh đã không cho em được điều ấy. Diêm tắt cô bé bị trả về với thực tại phũ phàng, không có căn phòng, không có ngỗng quay chỉ có đêm tối lạnh lẽo cùng với những con người đi lại chuẩn bị đón giao thừa và không ai chú ý đến một đứa bé tội nghiệp sắp chết vì đói và lạnh, đó là nỗi cô đơn khổ sở vô cùng.

Ở lần quẹt diêm thứ ba em thấy một cây thông nô-en lớn và lộng lẫy vô cùng điều ấy thể hiện khao khát được đoàn viên, được hạnh phúc bên gia đình trong khoảnh khắc giao thừa. Trong sự đau khổ về nỗi cô đơn và cuộc sống thiếu tình yêu thương thì nhu cầu xã hội, nhu cầu được hưởng những niềm vui trong cuộc sống của em lại càng trở nên mạnh mẽ hơn cả.

Cuối cùng trong lần quẹt diêm thứ tư, cô bé đã nhìn thấy người bà yêu quý của mình, điều đó có nhiều ý nghĩa. Có thể nói người bà chính là tổng hòa những khát khao, những mong muốn mà cô bé hằng mơ ước, bởi khi người bà còn sống, dưới đôi tay yêu thương của bà cô bé đã từng có một cuộc sống hạnh phúc và vui vẻ, ăn no mặc ấm, được quây quần hạnh phúc bên gia đình, được hưởng sự yêu thương, chăm sóc, đối lập hoàn toàn với cuộc sống hiện tại. Hình ảnh người bà xuất hiện cũng là đại diện cho sự thiếu thốn tình cảm trong cô bé, bởi khi đối mặt với cuộc sống khó khăn vất vả có thể cô bé sẽ không cảm thấy quá bất hạnh nếu như người cha yêu thương và chăm sóc cô bé, không để em phải buôn ba vất vả mưu sinh giữa đêm giao thừa. Chính vì vậy em khao khát có được tình yêu thương, hơi ấm tình thân hơn tất cả những giá trị vật chất bình thường khác. Sự xuất hiện của người bà trong giấc mơ cũng là báo hiệu cho sự kết thúc những đau khổ trong cuộc đời của cô bé, bởi chỉ có ở bên bà em mới thấy mình được hạnh phúc, dù rằng kết thúc câu chuyện là cái chết của cô bé bán diêm trước thềm năm mới. Nếu suy nghĩ lạc quan, chúng ta có thể nghĩ rằng cô bé đã được bà đưa đi, đến một nơi không còn lạnh lẽo đói khát, khổ đau để bắt đầu một cuộc sống mới, như một năm mới vừa bắt đầu

Bốn giấc mơ của cô bé bán diêm cho ta thấy được những nhu cầu, mong ước của từng đứa trẻ, từng con người trong cuộc sống đó là những mong muốn cấp thiết nhất. Được ăn uống, sưởi ấm, được yêu thương, được sống bên người thân, vốn dĩ là những quyền chính đáng mà mọi trẻ em trên thế giới này đều phải được hưởng. Thế nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng, vẫn có đầy rẫy những số phận bất hạnh, đặc biệt là trẻ em, điều đó đã giáo dục, thúc đẩy mỗi chúng ta biết cảm thông và sẻ chia nhiều hơn với những số phận kém may mắn, những mảnh đời bất hạnh.

Bài mẫu 2: Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm trong tác phẩm Cô bé bán diêm của An-dec-xen

Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm

Dàn ý

1. Mở bài:

  • An-đéc-xen ( 1805-1875) sinh ra trong một gia đình nghèo khổ trên đất nước Đan Mạch,ông vốn là người có năng khiếu văn chương và ông trở thành nhà văn nổi tiếng với loại truyện dành cho thiếu nhi. 
  • Cô bé bán diêm là câu chuyện vô cùng cảm động về số phận bất hạnh của một cô bé trong xã hội cũ. Đói và rét,bé ao ước có lò sưởi ấm,có thịt ngỗng quay,có cây thông Nô-en và bà nội sống dậy cùng em để đón giao thừa.

2. Thân bài:

Thời gian xảy ra câu chuyện: là đối ngược bới không gian đêm giao thừa lúc mọi người xum họp gia đình

Hoàn cảnh:

  • Giữa đêm đông giá rét không có người mà mình yêu thương, không có bàn ăn trắng tinh cũng chẳng có ngỗng quay mà xung quanh em chỉ toàn là một màu đên tối,cùng với cái rét thấu xương.
  • Cả ngày hôm nay không bán được hộp diêm nào cả về kiểu gì cũng bị cha mắng.rét quá,tối tăm và cô đơn,em đánh liều quẹt một que

Bốn que diêm tượng trưng cho bốn điều ước, khát khao bấy giờ của cô bé:

  • Que diêm thứ nhất: Hình ảnh lò sưởi hiện ra

=> Em vừa duỗi chân ra sưởi thì lò sưởi đã vụt tắt em ngồi đó tay cầm diêm đã tàn hẳn,em bần thần. Hình ảnh ngọn lửa của lò sưởi là ước mơ của em bấy giờ, ước mơ được sưởi ấm trong đêm đông giá lạnh

  • Que diêm thứ hai: Bàn ăn có khăn trải bàn trắng tinh có bát đĩa bằng sứ quý giá có ngỗng quay.

=> Em đang bụng đói và rét nên em mơ thấy ngỗng nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao ăn, tiến về phía em. Lúc này đây, em đói quá, em chỉ muốn được ăn no, mơ thấy bữa cơm gia đình đầm ấm

Que diêm thứ ba là: một cây Nô-en được trang trí lộng lẫy với hàng ngàn ngọn nến sáng rực,lấp lánh trên cành lá xanh tươi.

=> Sau khi được sưởi ấm, được ăn nó, em ước mơ được sum vầy được nhận quà như bao đứa trẻ khác trong đêm giao thừa. Nhưng rồi diêm tắt tất cả các ngọn nến bay lên,bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời  trả lại xung quanh em hai bức tường và đêm tối

  • Que diêm thứ tư là hình ảnh bà em đang mỉm cười với em

=> Em biết rằng: bà cũng biến mất đi như lò sưởi và ngỗng quay,cây thông Nô-en nữa nhưng xin bà đừng bỏ cháu nơi này…thế nên em bé nguyện cầu tha thiết. Que diêm tắt phụt và ảo ảnh rực sáng lên khuôn mặt bà cũng biến mất.

Ý nghĩa của cái chết của cô bé:

  • Tố cáo xã hội bấy giờ
  • Cái chết của em bé còn là sự phê phán lối sông ích kỷ, co cụm, chỉ biết mình của thế giới hiện đại.
  • Đó còn là sự cảm thông sâu sắc của nhà kể chuyện thiên tài.

3: Kết bài: Truyện Cô bé bán diêm thể hiện tình yêu thương sâu sắc của nhà văn đối với những số phận bất hạnh. Truyện truyền tải đến người đọc thông điệp giàu ý nghĩa, thấm đẫm giá trị nhân đạo: hãy yêu thương trẻ thơ và để cho chúng được sống một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Bài làm

An-đéc-xen ( 1805-1875) sinh ra trong một gia đình nghèo khổ trên đất nước Đan Mạch,ông vốn là người có năng khiếu văn chương và ông trở thành nhà văn nổi tiếng với loại truyện dành cho thiếu nhi. Không chỉ có trẻ em mới yêu thích truyện của ông mà cả người lớn cũng rất yêu thích bởi truyện của ông có sức hấp dẫn lạ lùng được tạo nên từ sự kết hợp tài tình giữa hiện thực và tưởng tượng. Cô bé bán diêm là câu chuyện vô cùng cảm động về số phận bất hạnh của một cô bé trong xã hội cũ.Đói và rét,bé ao ước có lò sưởi ấm,có thịt ngỗng quay,có cây thông Nô-en và bà nội sống dậy cùng em để đón giao thừa.

Thời gian xảy ra câu chuyện là vào đem giao thừa trong không khí tưng bừng của ngày xuân và không khí thiêng liêng ấy thì mọi người phải cùng nhau ăn tối,xum họp gia đình và quây quần bên nhau nhưng không hoàn cảnh của em bé lại hoàn toàn ngược lại giữa đêm đông giá rét chả có cái tết nào hết,không có người mà mình yêu thương, không có bàn ăn trắng tinh cũng chẳng có ngỗng quay mà xung quanh em chỉ toàn là một màu đên tối,cùng với cái rét thấu xương.

Cô bé được ba giao nhiệm vụ cho đi bán diêm,mà cả ngày hôm nay không bán được hộp diêm nào cả về kiểu gì cũng bị cha mắng.rét quá,tối tăm và cô đơn,em đánh liều quẹt một que. Diêm bén lửa thật là nhạy.ngọn lửa lúc đầu xanh lam,dần dần biến đi,trắng ra,rực hồng lên quanh que gỗ sáng chói trông đến vui mắt. Que diêm thứ nhất sáng rực như than hồng soi tỏ niềm vui sáng ngời trong đôi mắt cô bé tội nghiệp.ngọn lửa chắp cánh cho trí tưởng tượng ủa em bay bổng. Thật là dễ chịu đôi bàn tay em hơ trên ngọn lửa bên tay cầm diêm nóng bỏng lên. Em hơ đôi tay trên que diêm sáng rực như than hồng làm cho em tưởng chừng như đang ngồi trước một cái lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng,que diêm cháy hết cô lại trở về với thực tại phũ phàng.Em vừa duỗi chân ra sưởi thì lò sưởi đã vụt tắt em ngồi đó tay cầm diêm đã tàn hẳn,em bần thần.

Và rồi em quẹt que diêm thứ hai bùng cháy và sáng rực lên.Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màu,em nhìn thấu vào tận trong nhà.Bà ăn đã dọn sẵn khăn trải bàn trắng tinh trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá,em mơ được sống trong một mái nhà êm ấm có tấm rèm bằng vải màu,có một mâm cỗ sang trọng.Bàn ăn có khăn trải bàn trắng tinh có bát đĩa bằng sứ quý giá có ngỗng quay.Em đang bụng đói và rét nên em mơ thấy ngỗng nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao ăn,tiến về phía em.Rồi que diêm vụt tắt,trước mắt em chỉ còn là nhữn g bức tường dày đặc và lạnh lẽo.

Nếu như que diêm thứ hai em ước được ăn một bữa ăn thịnh soạn thì ở que diêm thứ ba em bé thấy hiện lên một cây Nô-en được trang trí lộng lẫy với hàng ngàn ngọn nến sáng rực,lấp lánh trên cành lá xanh tươi.Cây này lớn và trang trí lộng lẫy hơn cây em được thấy năm ngoái qua cửa kính của một nhà buôn giàu có.Em dơ tay về phía cây Nô-en thì diêm tắt em mơ thấy các ngọn nến bay cao lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.Nhưng rồi diêm tắt tất cả các ngọn nến bay lên,bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời,xung quanh em vẫn là hai bức tường và đêm tối,rồi em nghĩ tới bà em vì bà em,người hiền hậu độc nhất đối với em,đã chết từ lâu trước đây thường nói rằng “ Khi có một vì sao đổi ngôi là có một linh hồn bay lên trời với Thượng Đế”.

Que diêm thứ tư bùng cháy,một anh xanh tỏa ra xung quanh và em bé nhìn thấy rõ ràng bà em đang mỉm cười với em,em bé nguyện cầu tha thiết:Bà ơi! Em bé reo lên cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến mất đi như lò sưởi và ngỗng quay,cây thông Nô-en nữa nhưng xin bà đừng bỏ cháu nơi này… Cháu van bà,bà xin thượng đế chí nhân cho cháu về với bà.Que diêm tắt phụt và ảo ảnh rực sáng lên khuôn mặt bà cũng biến mất.

Em bé quẹt hết bao diêm còn lại để níu giữ hình ảnh bà để được bà cho đi theo đến một thế giới không còn đói khát và đau khổ.Diêm nối nhau chiếu sáng đêm ngày càng khuya rét tuyết càng phủ dày hơn trên mặt đất,em bé chập chờn trong mơ,em thấy bà em hiện lên to lớn và đẹp lão.Bà nội cầm tay em,hai bà cháu về chầu thượng đế.

Sáng hôm sau tuyết vẫn phủ kín mặt đất,nhưng mặt trời lên trong sáng chói chang trên bầu trời xanh nhạt. Mọi người vui vẻ ra khỏi nhà. Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy người ta thấy một em bé gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười em đã chết gì giá rét trong đêm giao thừa. Em bé đã chết một cách thê lương như vậy trong đêm giao thừa. Cái chết mang trong nó sức mạnh tố cáo xã hội. Những que diêm đốt cháy nằm cạnh cô bé khi cô bé qua đời ấy chính là "những cái kỳ diệu mà em bé đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón những niềm vui đầu năm'. Bởi vì những người đó ngoài việc sử dụng cái đói, cái rét để tạo sự ngăn cách của họ với em bé thì họ còn xây dựng những bức tường hoặc hữu hình hoặc vô hình để tạo ra sự ngăn cách mới giữa họ và em bé. Họ không có quyền được nhìn thấy, được tận hưởng những gì do mộng tưởng của em tạo ra. Bởi vì em thuộc về một thế giới khác. Bởi vì những người đó ngoài việc sử dụng cái đói, cái rét để tạo sự ngăn cách của họ với em bé thì họ còn xây dựng những bức tường hoặc hữu hình hoặc vô hình để tạo ra sự ngăn cách mới giữa họ và em bé. Họ không có quyền được nhìn thấy, được tận hưởng những gì do mộng tưởng của em tạo ra. Bởi vì em thuộc về một thế giới khác. Cái chết của em bé còn là sự phê phán lối sông ích kỷ, co cụm, chỉ biết mình của thế giới hiện đại. Đó là sự cảm thông sâu sắc của nhà kể chuyện thiên tài.

Truyện Cô bé bán diêm thể hiện tình yêu thương sâu sắc của nhà văn đối với những số phận bất hạnh. Truyện truyền tải đến người đọc thông điệp giàu ý nghĩa, thấm đẫm giá trị nhân đạo: hãy yêu thương trẻ thơ và để cho chúng được sống một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Bài mẫu 3: Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm trong tác phẩm Cô bé bán diêm của An-dec-xen

Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm

Dàn ý

1. Mở bài: 

  • “Cô bé bán diêm” là một kiệt tác của nhà văn Đan Mạch An-đéc-xen đã lấy đi rất nhiều nước mắt của người đọc trên thế giới.
  • Chuyện đã làm xúc động lòng người một cách sâu sắc, thương cho số phận của em bé bán diêm qua hình ảnh mỗi giấc mơ của cô bé sau mỗi lần quẹt diêm

2. Thân bài:

Trong đêm giao thừa ai cũng sẽ về với tổ ấm của mình để quay quần cùng nhau ăn bữa cơm đón năm mới.

Em là một cô bé rất tội nghiệp bà nội và mẹ đã qua đời em còn cha, cha em ngày nào cũng uống rượu bắt em đi bán diêm chính là để lấy tiền mua rượu, không bán được về là em sẽ bị đánh đòn, trong những ngày lạnh giá quần áo em mỏng manh và chân không dép. 

  • Quẹt que diêm thứ nhất, hơ tay trên que diêm bé nhỏ em ước mình đang ngồi trước lò sưởi. Nhưng giấc mơ cũng sẽ phải dừng lại, khi em đang định đưa chân ra sưởi thì que diêm vụt tắt =>Điều đó đưa em trở lại với thực tại phũ phàng, phố vắng người và cảm giác lạnh buốt le lói trở lại.
  • Que diêm thứ hai: em ước mình được ăn một chú ngỗng quay=> bởi lúc này bởi lúc này em vừa lạnh vừa đói, em chỉ muốn một bữa cơm no, không phải chịu cảnh rét lạnh một mình ngoài trời thế này
  • Que diêm thứ ba: em muốn có cây thông noel, và cây thông noel lớn được trang trí rất đẹp hiện ra trước mắt em.=> Em cũng như bao đứa trẻ khác, chứng kiến khúc cảnh hạnh phúc của những đứa trẻ trong đêm giao thừa được sum vầy bên ba mẹ, được ăn ngon, được ba mẹ tặng quà
  • Que diêm thứ tư: là hình ảnh bà nội của em hiện lên hiền từ và phúc hậu, hai bà cháu nói chuyện nhưng cũng như vậy que diêm dần tắt hình ảnh của bà cũng mờ dần đi. Em xin bà cho em đi theo, bởi em biết rằng trên thế giới này sẽ chẳng ai yêu em như bà, chẳng ai có thể cho em tình thương, quan tâm, chăm sóc em cả. Và rồi, trong đêm lạnh giá ấy, bà ôm lấy em và hai bà cháu cứ thế bay cao mãi cao mãi và họ đã về với thượng đế.

3: Kết bài: Truyện Cô bé bán diêm thể hiện tình yêu thương sâu sắc của nhà văn đối với những số phận bất hạnh. Truyện truyền tải đến người đọc thông điệp giàu ý nghĩa, thấm đẫm giá trị nhân đạo: hãy yêu thương trẻ thơ và để cho chúng được sống một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Bài làm

“Cô bé bán diêm” là một kiệt tác của nhà văn Đan Mạch An-đéc-xen đã lấy đi rất nhiều nước mắt của người đọc trên thế giới. Câu chuyện kể về một cô bé bán diêm trong đêm giao thừa lạnh giá, đã chết vì đói và rét, cái chết của cô bé khiến nhiều người phải suy nghĩ lại về mình. Chuyện đã làm xúc động lòng người một cách sâu sắc, thương cho số phận của em bé bán diêm qua hình ảnh mỗi giấc mơ của cô bé sau mỗi lần quẹt diêm

Trong đêm giao thừa ai cũng sẽ về với tổ ấm của mình để quay quần cùng nhau ăn bữa cơm đón năm mới. Nhưng có một cô bé vẫn lang thang bán từng hộp diêm, nhưng phố xá giờ đã vắng người qua lại cũng ít hơn. Em đã rất lạnh, em tìm một chỗ giữa hai góc tường ngồi đó. Em là một cô bé rất tội nghiệp bà nội và mẹ đã qua đời em còn cha, cha em ngày nào cũng uống rượu bắt em đi bán diêm chính là để lấy tiền mua rượu, không bán được về là em sẽ bị đánh đòn, trong những ngày lạnh giá quần áo em mỏng manh và chân không dép. Cảnh ngộ thật tội nghiệp chính điều đó đã khiến nhiều độc giả khi đọc xong không cầm được nước mắt. Khung cảnh đêm giao thừa thật đẹp qua các ô cửa sổ của từng nhà: cây thông noel, bàn ăn thịnh soạn bên lò sưởi, gia đình quây quần bên nhau thật là hạnh phúc. Còn em, em ngồi nép vào giữa hai góc tường. Quẹt que diêm thứ nhất, hơ tay trên que diêm bé nhỏ em ước mình đang ngồi trước lò sưởi. Ấm áp quá, lò sưởi hiện ra qua trí tưởng tượng của em, một cái lò sưởi thật đẹp và em cảm thấy ấm dần lên. Những giấc mơ cũng sẽ phải dừng lại, khi em đang định đưa chân ra sưởi thì que diêm vụt tắt. Điều đó đưa em trở lại với thực tại phũ phàng, phố vắng người và cảm giác lạnh buốt le lói trở lại.

Em quẹt tiếp que diêm thứ hai, que diêm bùng cháy. Em đang rất đói bụng em ước mình được ăn một chú ngỗng quay lúc này. Hiện lên trước mắt em là một bàn ăn thịnh soạn, bát đĩa được trưng bày đẹp mắt, chú ngỗng quay nằm trên đĩa lớn, điều kì diệu là đột nhiên chú ngỗng chạy đến chỗ em mang theo cả dao, dĩa và sốt. Chú ngỗng quay chạy gần đến thì que diêm tắt, em lại trở về hiện thực phũ phàng.

Nhưng em muốn tiếp tục sống trong thế giới kì diệu ấy, que diêm thứ ba bùng cháy. Đang là giáng sinh nên em muốn có cây thông noel, và cây thông noel lớn được trang trí rất đẹp hiện ra trước mắt em.Em cũng như bao đứa trẻ khác, chứng kiến khúc cảnh hạnh phúc của những đứa trẻ trong đêm giao thừa được sum vầy bên ba mẹ, được ăn ngon, được ba mẹ tặng quà. Nhưng rồi, lần này cũng như bao lần khác chỉ cần que diêm tắt là mọi thứ em tưởng tượng ra sẽ biến mất. Em sẽ lại trở lại với thực tại cảnh tuyết rơi lạnh lẽo, càng về đêm trời sẽ càng lạnh hơn phố vắng lác đác mỗi lúc có người bước vội tới điểm hẹn, về căn nhà ấm cúng. Em vẫn ngồi đó ngoài trời lạnh vừa thấy đói vừa thấy rét.

Không dừng lại em quẹt que diêm thứ tư, lần này bà nội của em hiện lên hiền từ và phúc hậu, hai bà cháu nói chuyện nhưng cũng như vậy que diêm dần tắt hình ảnh của bà cũng mờ dần đi. Để níu kéo hình ảnh của bà em quyết định quẹt que diêm cuối cùng trong hộp .Em xin bà cho em đi theo, bởi em biết rằng trên thế giới này sẽ chẳng ai yêu em như bà, chẳng ai có thể cho em tình thương, quan tâm, chăm sóc em cả. Và rồi, trong đêm lạnh giá ấy, bà ôm lấy em và hai bà cháu cứ thế bay cao mãi cao mãi và họ đã về với thượng đế.

Cứ mỗi lần quẹt diêm thì mỗi điều em ước muốn đều được hiện lên qua trí tưởng tượng. Và lần quẹt diêm cuối cùng cũng là lúc em ra đi về với Thượng đế. Nhà văn người Đan Mạch ông đã khiến cho nhiều người phải suy nghĩ lại về sự vô tâm của mình, có lẽ khi ai đó phát hiện ra thì cô bé đã chết đóng băng mất rồi. Qua câu chuyện này mỗi người đã rút ra được nhiều bài học cho bản thân mình. Hãy sống chậm lại nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn. Tác phẩm được xây dựng một kết cấu phù hợp với diễn biến sự việc và tâm lí nhân vật. Nghệ thuật tương phản đối lập càng làm nổi bật hơn nỗi bất hạnh của em bé: mồi côi, trong đêm tối một mình lang thang bán diêm đối lập với đường phố rực rỡ ánh đèn, những người xung quanh vui vẻ, hạnh phúc. Sự đan xen hài hòa hợp lí giữa hiện thực và mộng tưởng vừa làm rõ số phận bi thương, vừa khắc họa khát khao hạnh phúc của cô bé bán diêm.

Truyện Cô bé bán diêm thể hiện tình yêu thương sâu sắc của nhà văn đối với những số phận bất hạnh. Truyện truyền tải đến người đọc thông điệp giàu ý nghĩa, thấm đẫm giá trị nhân đạo: hãy yêu thương trẻ thơ và để cho chúng được sống một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc.

Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Văn mẫu lớp 8: Phân tích bốn giấc mơ của cô bé bán diêm trong tác phẩm Cô bé bán diêm của An-dec-xen . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu lớp 8. Phần trình bày do hanoi tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận