Danh mục bài soạn

Văn mẫu lớp 8: Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha. Hãy phân tích những đặc điểm đó của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên củ

Chuyên mục: Văn mẫu lớp 8

Đề bài: Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha. Hãy phân tích những đặc điểm đó của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Theo đó, hocthoi gửi đến các bạn 3 dàn ý + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha. Hãy phân tích những đặc điểm đó của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

phân tích những đặc điểm đó của Lão Hạc

Dàn ý

1. Mở bài: 

  • Lão Hạc đứng ở một vi trí vô cùng quan trọng và đã gây được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc bởi cách nhìn người nông dân của Nam Cao.
  • Có nhận định cho rằng:" Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha."

2. Thân bài:

Mở đầu tác phẩm là cuộc đời cơ cực, nghèo khổ, bần cùng của Lão Hạc:

  • Cuộc đời lão Hạc là một chuỗi những đau khổ và bất hạnh, một kiếp đời chua chát và đắng cay!
  • Góa vợ từ lúc còn trẻ, một mình lão gà trống nuôi con trong cảnh đói nghèo, lam lũ,
  • Vì không đủ tiền cưới vợ, anh con trai phẫn chí đăng tên làm phu đồn điền cao su để lại con chó Vàng bầu bạn với lão
  • Bất hạnh rồi bất hạnh dồn dập giáng xuống cuộc đời của một lão già khốn kh khi lão kiệt sức vì lam lũ, lầm than, vì mòn mỏi đợi chờ, lão ôm nặng.( Trận ốm hai tháng mười tám ngày đã ngốn sạch số tiền mà lão chắt chiu, gom góp, cướp đi luôn cả cái ước vọng nho nhỏ của người cha muốn dành dụm để cưới vợ cho con.)
  • Sau trận ôm nặng, lão yếu đi nhiều, không thể làm được những việc nặng. Lão Hạc đã rơi vào cảnh bần cùng hóa hoàn toàn, lão sống vật vờ với con ốc, con trai, củ ráy, sung luộc...
  • Cùng đường sống, lão Hạc tìm đến cái chết, lấy cái chết để tự giải thoát cho mình. 

Nhưng ở lão sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha của:

  • Tình yêu thương con nồng nàn sâu sắc của lão là câu truyện cảm động về tình cha con:
    • Nỗi thương nhớ mong chờ con thường trực trong lòng người cha biến thành sự khắc khoải ngóng trông: Thằng cháu nhà tôi dễ hơn một năm nay không có giấy má gì đấy ông giáo ạ.
    • Ốm nặng mấy nhưng vẫn không muốn tiêu phạm vào số tiền và mảnh vườn dành dụm cho con
    •  Trước khi chết, lão còn tìm nơi nhờ cậy, gửi gắm mảnh vườn ấy vì sợ nhỡ con có về

Giữa cuộc đời khốn khổ, lão Hạc vẫn ý thức được nhân phẩm của mình:

  • Lòng tự trọng của một lão nông chân chất, tuy nghèo nhưng vẫn giữ trọn nhân phẩm mình:
    • Lòng tự trọng của một người cha không cho phép lão tiêu vào mảnh vườn do người mẹ để lại cho đứa con.
    • Lòng tự trọng của một con người không cho phép lão nhận sự giúp đỡ của ông giáo mà lão biết cũng chẳng sướng gì hơn lão, càng không cho phép lão làm phiền lụy đến bà con lối xóm. 
  • Dù nghèo đến đâu, lão Hạc vẫn sống trong sạch và lương thiện:
    • Chính nhân vật ông giáo đã nhận xét về lão: Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa gì lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. 
    • Cuối cùng lão đã chọn cái chết để giữ trọn sự trong sạch và lương thiện trong tâm hồn mình xin bả chó nhưng không đi vào bước đường như Binh Tư mà dùng chính thứ khiến cho cậu Vàng chết ấy lên chính bản thân mình như một sự trừng phạt

3. Kết bài: 

  • Nhân vật lão Hạc là một hình tượng điển hình bất hủ về người nông dân lao động Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
  • Cùng với nhân vật chị Dậu (trong tác phẩm Tát đèn của Ngô Tất Tố), nhân vật lão Hạc làm sáng ngời thêm những nét đẹp trong tâm hồn và phẩm chất của người nông dân lao động Việt Nam.

Bài viết

Trong giai đoạn 1930 - 1945, có lẽ những tác phẩm văn học hiện thực đạt đến đỉnh cao nhất đã khắc họa thành công hình tượng người nông dân. Trong tác phẩm ấy, Lão Hạc đứng ở một vi trí vô cùng quan trọng và đã gây được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc bởi cách nhìn người nông dân của Nam Cao. Có nhận định cho rằng:" Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha."

Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Trong cuộc đời cầm bút ngắn ngủi của mình, ông đã kịp để lại cho dân tộc ta những sáng tác vô giá, những kiệt tác văn chương bất hủ mà truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm tiêu biểu. Nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao là hình ảnh tiêu biểu về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám chịu nhiều bất hạnh nhưng vẫn sáng ngời phẩm chất.

Mở đầu tác phẩm là cuộc đời cơ cực, nghèo khổ, bần cùng của Lão Hạc. Cuộc đời lão Hạc là một chuỗi những đau khổ và bất hạnh, một kiếp đời chua chát và đắng cay! Góa vợ từ lúc còn trẻ, một mình lão gà trống nuôi con trong cảnh đói nghèo, lam lũ, những mong con khôn lớn trưởng thành làm chỗ nương tựa lúc ốm đau, khi tuổi già. Nhưng hạnh phúc nhỏ nhoi ấy đã không đến với lão. Vì không đủ tiền cưới vợ, anh con trai phẫn chí đăng tên làm phu đồn điền cao su. Cảnh chia ly của cha con. Lão Hạc không hẹn ngày sum họp. Lão Hạc đã mất vợ, nay lại mất con. Cảnh khổ vật chất hòa trong nỗi đau tinh thần thành dòng lệ chảy trong trái tim chờ đợi khắc khoải của người cha.

Cuộc đời dường như vẫn chưa buông tha lão. Bất hạnh rồi bất hạnh dồn dập giáng xuống cuộc đời của một lão già khốn khổ. Kiệt sức vì lam lũ, lầm than, vì mòn mỏi đợi chờ, lão ôm nặng. Trận ốm hai tháng mười tám ngày đã ngốn sạch số tiền mà lão chắt chiu, gom góp, cướp đi luôn cả cái ước vọng nho nhỏ của người cha muốn dành dụm để cưới vợ cho con. Thật tội nghiệp cho lão Hạc!

Bất hạnh này kéo theo bất hạnh khác. Sau trận ôm nặng, lão yếu đi nhiều, không thể làm được những việc nặng. Làng mất nghề sợi, đàn bà rỗi rãi nhiều, có việc nhẹ nào họ đều tranh hết. Lão Hạc đâm ra thất nghiệp. Lão Hạc đã rơi vào cảnh bần cùng hóa hoàn toàn, lão sống vật vờ với con ốc, con trai, củ ráy, sung luộc... Những thứ ấy cũng chẳng dễ gì kiếm được với một lão già đã cạn kiệt sức lực. Cùng đường sống, lão Hạc tìm đến cái chết, lấy cái chết để tự giải thoát cho mình. Cái chết của lão Hạc mới đau đớn, vật vã làm sao. Nó như bóp nghẹt trái tim người đọc!

Lão Hạc sống nghèo khổ về vật chất nhưng rất giàu tình cảm. Tình yêu thương con nồng nàn sâu sắc của lão là câu truyện cảm động về tình cha con. Thương con sớm mồ côi mẹ lão Hạc không nỡ tục huyền. Nhìn con đau khổ vì không có đủ tiền cưới vợ, lão Hạc khổ tâm vô cùng. Lão thấy mình có lỗi với con và điều này làm cho lão day dứt mãi. Khi người con phẫn chí đăng tên làm phu đồn điền cao su, trái tim người cha thật sự tan nát. Nỗi thương nhớ mong chờ con thường trực trong lòng người cha biến thành sự khắc khoải ngóng trông: Thằng cháu nhà tôi dễ hơn một năm nay không có giấy má gì đấy ông giáo ạ. Ta đọc được trong câu nói ấy cái tình cảm ấm áp của người cha. Thương nhớ con, lão dồn tình cảm âu yếm vào cậu Vàng, kỉ vật của người con để lại. Cái tên cậu Vàng (tên lão Hạc đặt cho con chó) đă chứa đựng tất cả tình quý mến và thân thiết đối với một con vật. Hình ảnh lão Hạc: Miệng méo xệch, khóc hu hu, khi nghĩ rằng mình đánh lừa một con chó, là hiện thân của tấm lòng nhân ái cao cả.

Bao nhiêu tình thương yêu con, lão dồn vào việc quyết giữ bằng được mảnh vườn cho con. Khi đã hết đường sinh nhai, Lão Hạc có thể bán vườn đi, nhưng lão không làm thế, thà chết chứ không chịu bán đi một sào. Thậm chí, trước khi chết, lão còn tìm nơi nhờ cậy, gửi gắm mảnh vườn ấy. Thật xúc động biết bao cái tình của một người cha!

Cuộc đời lão Hạc thật bi thương. Nhưng giữa cuộc đời khốn khổ, lão Hạc vẫn ý thức được nhân phẩm của mình. Lòng tự trọng của một người cha không cho phép lão tiêu vào mảnh vườn do người mẹ để lại cho đứa con. Lòng tự trọng của một con người không cho phép lão nhận sự giúp đỡ của ông giáo mà lão biết cũng chẳng sướng gì hơn lão, càng không cho phép lão làm phiền lụy đến bà con lối xóm. Lão biết họ đã khốn khổ lắm rồi, lão không thể là gánh nặng cho họ. Ý thức được điều đó một cách sâu sắc, Lão Hạc đã nhịn ăn để dành tiền làm ma cho mình. Thật là một tấm lòng cao thượng và vị tha hiếm có! Ta nhận thấy ở lão Hạc một triết lí sống giản dị nhưng đẹp biết nhường nào.

Dưới một chế độ xã hội đen tối, ngột ngạt, không ít người đã đánh mất nhân phẩm, tha hóa, biến chất. Ta dễ dàng tìm thấy họ trong một loạt các sáng tác của Nam Cao. Khác với họ, dù nghèo đến đâu, lão Hạc vẫn sống trong sạch và lương thiện. Chính nhân vật ông giáo đã nhận xét về lão: Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa gì lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. Cùng kế sinh nhai, lão có thể chọn con đường theo Binh Tư. Nhưng lão Hạc không làm thế. Lão thà chết chứ không bán linh hồn mình cho quỷ dữ. Cuối cùng lão đã chọn cái chết để giữ trọn sự trong sạch và lương thiện trong tâm hồn mình. Một cách sống và xử thế thật đáng trân trọng, phù hợp với đạo lí: Chết trong hơn sống đục của nhân dân ta.

Xây dựng nhân vật lão Hạc, Nam Cao đã gửi gắm vào đó những triết lí sống đẹp và bộc lộ thái độ yêu thương và trân trọng con người. Cuộc sống có đầy đưa bần cùng, nghèo đói như thế nào thì a

Nhân vật lão Hạc là một hình tượng điển hình bất hủ về người nông dân lao động Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Cùng với nhân vật chị Dậu (trong tác phẩm Tát đèn của Ngô Tất Tố), nhân vật lão Hạc làm sáng ngời thêm những nét đẹp trong tâm hồn và phẩm chất của người nông dân lao động Việt Nam.

Bài mẫu 2: Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha. Hãy phân tích những đặc điểm đó của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

phân tích những đặc điểm đó của Lão Hạc

Dàn ý

I. Mở bài 

  • Vài nét về văn học hiện thực 1930-1945 và tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao.
  • Giới thiệu nhân vật lão Hạc và những đặc điểm của lão.

II. Thân bài

1. Tuy nghèo khổ lão Hạc vẫn luôn luôn trong sạch và lương thiện.

2. Lão là người giàu lòng nhân ái và đức vị tha.

  • Rất nhân từ với con chó Vàng.
  • Yêu thương con tha thiết

III. Kết luận

  • Đánh giá phẩm chất trong sáng của người nông dân nghèo lương thiện Lên án chế độ xã hội thực dân phong kiến đã gây nên bao cảnh đau thương

Bài viết

Em đã học và đọc những tác phẩm văn học trong giai đoạn 1930 - 1945. Nó đã phản ánh được cuộc đời bất hạnh của người nông dân trong xã hội này. Trong truyện Lão Hạc của Nam Cao nhân vật lão Hạc đã hiện lên rất rõ nét với những đức tính tốt đẹp để lại trong lòng người đọc những tình cảm đáng quý, đáng trân trọng. Có nhận định cho rằng:" Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha."

Nhận định trên đúng bởi, Lão Hạc sống trong cái làng quê hẻo lánh và tiêu điều ngày xưa. Cũng như bao nhiêu người nông dân chân lấm tay bùn khác, lão Hạc sống vất vả túng thiếu nhưng lão vẫn rất trong sạch và lương thiện. Nhà nghèo, lão chỉ có một mảnh vườn là tài sản duy nhất của bà cô quá cố để lại. Hàng ngày, lão đi làm thuê, làm mướn để ăn chứ không bán vườn của con. Lão Hạc nghĩ mảnh vườn đó là tài sản của vợ lão để lại cho con. Lão nuôi một con chó để làm bạn cho đỡ cô đơn trong cảnh già hiu quạnh. Nhưng có phải lúc nào lão cũng làm được để ăn đâu, lão đã phải bán chó đi để dành tiền cho con. Lão rất ấn hận và lão đã khóc như trẻ con vì lão đã trót đánh lừa một con chó. Con người như lão Hạc không thể làm điều ác, lão sống thui thủi trong cuộc đời đầy bất hạnh. Lão có tiền mà nhịn đói chẳng qua là vì muốn khỏi liên lụy đến hàng xóm láng giềng. Con người ấy thà ăn củ chuối, sung luộc, rau má hay bữa trai, bữa ốc... để sống cho qua ngày đoạn tháng chứ nhất định không chịu phụ thuộc nhờ vả vào người khác.

Lẽ thường, đói rét cơ cực khổ đau làm cho người ta trở nên tầm thường thế nhưng với lão Hạc thì lại khác. Lão nổi bật lên là con người giàu lòng yêu thương, lòng nhân ái và đức tính vị tha. Một mình lão sống trong cảnh tuổi già cô đơn nuôi con chó của con trai để lại, lão gọi nó là “Cậu Vàng” như một bà mẹ hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng, không có việc gì làm lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm vào một cái bát như một nhà giàu. Những lúc buồn, lão ngồi uống rượu, có gì ăn lão nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Quý “Cậu Vàng” như vậy mà lão phải bán nó đi lão đau đớn lắm, giằng co ghê gớm lắm, bởi con chó là người bạn đáng tin cậy của lão, nó là kỉ vật của con trai lão để lại trước khi đi làm ở đồn điền cao sụ. Lão nuôi nó như nuôi hy vọng đợi ngày con trở về. Vì thế khi kể lại chuyện người ta đến bắt chó với ông giáo, đôi mắt lão ầng ậng nước mắt. “Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Và lão hu hu khóc...” Biết bao nhiêu cơ cực trong dòng nước mắt ấy. Lão vì con mà phải đánh lừa một con chó, người bạn mà nhiều lúc trong cảnh già hiu quạnh lão coi như một đứa con. Lão rất thương con, có thể nói cả cuộc đời lão đã vì con và chỉ hướng về con mà sống.

Con trai lão yêu một cô gái làng nhưng không đủ tiền cưới vợ, thậm chí phải bỏ đi đồn điền. Lão hiểu con và thương con lắm chứ. Lão muốn ngăn con lại vì lão biết rằng con trai lão đang đi đến chỗ chết nhưng lão không thể nào ngăn được. Tiễn con đi, lão chỉ biết khóc. Từ đó tiền “bùn vườn” được bao nhiêu lão để dành lại cho con, còn mình thì đi làm thuế kiểm sống. Lão hi vọng con trai lão trở về. Lão cứ sống thế, lay lắt, đói khát có khi phải nhịn đói, cuộc sống khổ cực đã không làm cho lão tối tăm mịt mù đi mà càng tôn thêm vẻ đẹp của tâm hồn lão. Dường như lúc nào tâm trí lão Hạc cũng hướng về con mình. Con trai lão có mặt trong mọi câu chuyện của lão. Lão thường nói với “Cậu Vàng”: “Cậu có nhớ bố cậu không? Hả cậu Vàng? Bố cậu lâu lắm không có thư về. Bố câu có lẽ đi đến ba năm rồi đấy. Hơn ba năm... có đến ngót bốn năm... không biết năm nay bố cậu có về không? Nó mà về nó cưới vợ...” Đằng sau những lời nói ấy là lòng thương nhớ con da diết là sự chờ đợi, mong mỏi tin con từ cuối phương trời... Nhưng lão không chờ được. Lão càng ngày càng già yếu đi không thể làm thuê để kiếm ăn được nữa, ốm đau, mất mùa, thóc gạo kém đi nhưng lão không muốn ăn vào số tiền của con và lão không thể đợi con về hưởng hạnh phúc. Lão có một dự định đau lòng... Và lão chết, chết một cách đau đớn, vật vã. Đến phút cuối cùng cũng vì tương lai của con mà lão hi sinh cả tánh mạng của mình. Cả cuộc đời lão Hạc lao động vất vả mà vẫn phải sống khổ cực. Phải chăng đó là ảnh hưởng của các hủ tục trong xã hội phong kiến. Xã hội ấy đã gây bao đau khổ cho lão Hạc và bao người khác nữa.

Có bao cảnh thế thảm, xót xa của những kiếp người tốt bụng, chăm chỉ mà vẫn khổ đau, vẫn luôn bị chà đạp vùi dập. Tuy nhiên, từ trong cuộc đời của những nạn nhân ấy vẫn ánh lên một niềm tin dai dẳng và mãnh liệt rồi ra những con người thấp cổ bé họng ấy sẽ được cái xiềng xích nô lệ của chế độ phong kiến tàn ác. Trong hoàn cảnh ấy ta vẫn thấy lão Hạc trong sáng cao thượng vô cùng. Đó là những đức tính tốt đẹp của người nông dân mà em cần học tập và rèn luyện

Bài mẫu 3: Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha. Hãy phân tích những đặc điểm đó của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

phân tích những đặc điểm đó của Lão Hạc

Dàn ý

1. Mở bài: Truyện ngắn Lão Hạc là tác phẩm đặc sắc của Nam Cao, nó như một điểm son trong sự nghiệp sáng tác của ông. Có nhận định cho rằng:" Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha."

2. Thân bài:

a. Cuộc đời – cảnh ngộ của Lão Hạc: Người nông dân nghèo khó, gặp nhiều bất hạnh:

  • Vợ mất sớm, nhà nghèo, con trai phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su.
  • Sống cô đơn trong tuổi già, đối diện với nhiều rủi ro: ốm nặng, yếu, không có việc, hoa màu bị bão phá sạch.
  • Có con chó vàng làm bầu bạn nhưng phải bán đi vì cảnh nghèo.
  • Luôn canh cánh thương con, vì chưa lo được cho con trọn vẹn.
  • Cùng đường, phải tìm đến cái chết thương tâm.

b. Phẩm chất, nhân cách của Lão Hạc:

  • Giàu lòng nhân ái, có tấm lòng vị tha, nhân hậu
  • Là người cha vô cùng thương con, lo lắng cho con
  • Giàu lòng tự trọng.

c. Cái chết của Lão Hạc: Là một biến cố điển hình để nhân vật bộc lộ tính cách điển hình:

  • Chết để tự giải thoát kiếp sống mòn.
  • Chết vì quá thương con, muốn giữ trọn vốn liếng cho con, giữ tiếng cho con.
  • Chết để tránh bị đẩy vào con đường tha hóa, biến chất.
  • Đau đớn tự trừng phạt vì đã bán con Vàng (đã đánh lừa nó)
  • Cái chết như một sự hi sinh tàn khốc vì tương lai, nó chứng tỏ sự bế tắc của hiện tại.
  • Minh chứng cho tấm lòng lương thiện.
  • Minh chứng cho nỗi bất hạnh và phẩm giá của người nông dân Việt Nam trước cách mạng.

d. Suy nghĩ, đánh giá về nhân vật:

  • Thương xót một con người bất hạnh.
  • Trân trọng lòng tự trọng đáng quý.
  • Yêu quý một con người giàu lòng nhân ái, yêu thương con.

3. Kết bài:

  • Nhân vật Lão Hạc là một thành công nghệ thuật của Nam Cao trong việc xây dựng hình tượng người nông dân trước cách mạng tháng Tám: nghèo khổ, giàu lòng thương con, chất phác, đôn hậu, giàu lòng tự trọng...
  • Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật.
  • Cảm xúc của cá nhân (trân trọng, yêu quý nhân vật. Nhân vật đã để lại suy nghĩ gì cho bản thân?)

Bài viết

Cùng với Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố, Nam Cao là tác giả tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán, luôn hướng về người nông dân, phản ánh hiện thực đời sống của người nông dân trước Cách mạng. Truyện ngắn Lão Hạc là tác phẩm đặc sắc của Nam Cao, nó như một điểm son trong sự nghiệp sáng tác của ông. Có nhận định cho rằng:" Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha."

Viết về số phận của người nông dân trước cách mạng tháng 8, Lão Hạc là một truyện ngắn đặc sắc của Nam Cao. Truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương trước cuộc đời bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông dân nghèo khổ. Nhân vật Lão Hạc đã để lại cho chúng ta bao ám ảnh về số phận của con người, đặc biệt là người nông dân trong xã hội cũ.

Lão Hạc cũng như hàng triệu người nông dân xưa đều chịu chung hoàn cảnh bất hạnh, nhưng trong đó nổi bật lên một phẩm chất tốt đẹp, đáng quý, đáng trân trọng. Lão Hạc - một con người nghèo khổ, bất hạnh. Ba sào vườn, một túp lều tranh vách nát, một con chó vàng là tài sản, vốn liếng duy nhất của lão. Vợ Lão Hạc mất sớm, sống trong cảnh gà trống nuôi con. Con trai lão không đủ tiền cưới vợ nên buồn phiền, phẫn chí đi làm phu đồn điền cao su, đã 5, 6 năm biền biệt chưa về. Vậy nên dân ta thường có câu "Cao su đi dễ, khó về" là vậy. Tuổi già cô quạnh, bất hạnh ngày càng chồng chất. Lão Hạc bị ốm một trận thập tử nhất sinh mà không một người thân bên cạnh đỡ đần, chăm sóc một bát cháo một chén thuốc khi ốm đau bệnh tật. Hoàn cảnh của Lão Hạc thật đáng thương. Sau trận bão, vườn tược, hoa màu bị phá sạch. Làng bị thất nghiệp nhiều, trong đó có Lão Hạc vì lão trở nên yếu hẳn sau khi ốm dậy, không ai còn muốn thuê lão làm nữa. Lão với cậu Vàng - con chó mà người con trai trước khi đi đã để lại cho lão, ăn uống mà vẫn đói deo, đói dắt, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. "Nhưng đời người ta không chỉ đau khổ một lần". Ông giáo đã nói với Lão Hạc như vậy trước ý định bán chó của lão. Vì cậu vàng ăn nhiều mà Lão Hạc không đủ khả năng nuôi dưỡng nó nữa. Bán cậu vàng, lão như bị đẩy sâu xuống bờ vực thẳm, cảm thấy mình ích kỉ, tệ bạc, già rồi mà còn đánh lừa một con chó. Đói khổ, túng bấn, cô đơn thêm nặng nề. Lão Hạc chỉ ăn khoai, củ chuối, củ ráy, sung luộc, vài bữa trai ốc cho qua ngày. Để rồi cuối cùng lão phải quyên sinh bằng bả chó, một cái chết đau đớn, thê thảm: đầu tóc rũ rượi, mắt long sòng sọc tru tréo, bọt mép sùi ra, vật vã hai giờ đồng hồ mới chết. Một cái chết thật dữ dội. Số phận một con người, một kiếp người như Lão Hạc thật đáng thương. Ôi! Bao niềm xót xa, thương cảm đối với những con người nghèo khổ, bế tắc phải tìm đến cái chết như Chí Phèo tự sát bằng mũi dao, Lang Rận thắt cổ tự tử và Lão Hạc đã kết thúc cuộc đời mình bằng bả chó. "Nếu kiếp người đau khổ nốt thì ta nên làm gì cho thật sướng". Câu nói đó đã thể hiện cái đau khổ tột cùng của Lão Hạc.

Nhưng Lão Hạc có bao phẩm chất tốt đẹp, là một con người hiền lành, chất phác, nhân hậu, là một người cha có trách nhiệm. Lão đau đớn khi đứa con trai độc nhất đi phu đồn điền cao su và lão khóc "Hình của nó người ta giữ, ảnh của nó người ta chụp, nó là con người ta rồi chứ đâu phải con tôi". Ba sào vườn là của vợ lão đã thắt lưng buộc bụng để lại trước khi mất. Lão thà chết chứ không chịu bán đi một sào, nhất quyết để lại cho đứa con, một sự hi sinh thầm lặng to lớn, tất cả vì con, mãi dành cho con những gì tốt nhất của cuộc đời. Lòng nhân hậu của lão được thể hiện sâu sắc đối với con chó vàng. Chính nó là chỗ dựa tinh thần, là niềm an ủi, nguồn động viên, khích lệ lão trong những tháng ngày cô đơn, tuyệt vọng nhất. Lão coi nó như đứa con, đứa cháu, như một thành viên trong gia đình. Lão cho nó ăn cơm trong bát sứ như nhà giàu, lão bắt rận, tắm rửa cho nó. Lão trò chuyện với nó "Cậu vàng của ông ngoan lắm, ông để ông nuôi...", lão ăn gì cũng cho cậu vàng ăn. Và cậu vàng đã góp phần toả sáng tâm hồn và làm sáng lên bản tính tốt đẹp của lão, nó là một phần của cuộc đời lão. Vậy nên sau khi bán chó, lão đã tự tử cũng chính bằng bả chó như để tự trừng phạt mình.

Và Lão Hạc là một nông dân nghèo khổ nhưng trong sạch, giàu lòng tự trọng. Dù có đói khổ, túng bấn, dù phải ăn củ chuối hay sung luộc nhưng khi ông giáo mời ăn khoai, uống trà thì lão cười hiền hậu bảo để khi khác. Dù ông giáo có ngấm ngầm giúp đỡ nhưng lão đã từ chối gần như là hách dịch. Sau khi bán chó, lão đau khổ, dằn vặt và vẫn luôn giữ nguyên mảnh vườn cho con trai. Lão gửi ông giáo 3 sào vườn và 30 đồng bạc phòng khi chết để không làm phiền tới láng giềng. Lão luôn sống theo quy tắc "Đói cho sạch, rách cho thơm". Nhà văn Nam Cao đã khéo léo đưa Binh Tư - một kẻ chuyên đánh bả chó ở cuối truyện để làm nổi bật lòng tự trọng, trong sạch của lão nông dân nghèo khổ. Ông giáo đã nói "Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không hiểu họ thì ta cho rằng họ gàn dở, ngu ngốc và bần tiện".

Tóm lại cuộc đời Lão Hạc đầy nước mắt, đau thương. Sống thì cô đơn, bất hạnh, nghèo đói, chết thì quằn quại đau đớn. Lão Hạc cũng đại diện cho số phận của bao người nông dân khác. Trong khổ đau, gian truân, nổi bật lên một phẩm chất hiền lành, nhân hậu, chất phác và giàu lòng tự trọng. Nam Cao đã thể hiện niềm cảm thông sâu sắc đối với số phận bất hạnh của những người nông dân trước cách mạng tháng 8.

phân tích những đặc điểm của Lão Hạc
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Văn mẫu lớp 8: Ngòi bút hiện thực của Nam Cao đã khắc họa nên hình tượng lão Hạc, người nông dân trong tột cùng đen tối đau khổ vẫn sáng ngời tấm lòng lương thiện nhân từ và vị tha. Hãy phân tích những đặc điểm đó của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên củ . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu lớp 8. Phần trình bày do hanoi tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận