Danh mục bài soạn

Giải địa lí 11 Sách cánh diều Bài 2 Toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế

Hướng dẫn học môn Địa lí 11 sách mới Cánh diều. Dưới đây là lời giải chi tiết Bài 2 Toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế.Từng bài tập được giải chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu. Hi vọng, hocthoi.net sẽ hỗ trợ các em trong quá trình học tập, giúp các em ngày càng tiến bộ hơn.

I. TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ

1. Các biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế 

Câu hỏi: Dựa vào thông tin và bảng 2, hãy trình bày các biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế.

Lời giải:

Các biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế:

  • Sự dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, công nghệ, vốn, lao động... giữa các quốc gia ngày càng trở nên dễ dàng, phạm vi được mở rộng.

  • Các hợp tác song phương và đa phương đã trở nên phổ biến, nhiều hiệp định được kí kết,...

  • Các công ty xuyên quốc gia ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động.

  • Mạng lưới tài chính toàn cầu phát triển nhanh, việc di chuyển các luồng vốn quốc tế, tự do tham gia dịch vụ tài chính trên toàn thế giới thuận lợi hơn

  • Nhiều tổ chức kinh tế thế giới được hình thành, ngày càng mở rộng

  • Các hiệp ước, nghị định và tiêu chuẩn toàn cầu trong sản xuất kinh doanh được nhiều nước tham gia, áo dụng rộng rãi

2. Hệ quả của toàn cầu hóa kinh tế 

Câu hỏi: Hãy trình bày các hệ quả của toàn cầu hóa kinh tế.

Lời giải:

  • Toàn cầu hóa thúc đẩy huyên môn hóa, hợp tác hóa, tăng trưởng nhanh kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển chuỗi liên kết toàn cầu.

  • Toàn cầu hóa làm gia tăng mối liên hệ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia, khu vực; mở ra nhiều cơ hội để giao lưu, trao đổi, những thành tựu của khoa học kĩ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại.

  • Toàn cầu hóa làm xuất hiện và nhân rộng các mạng lưới liên kết.

  • Toàn cầu hóa cũng làm gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo và đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như: giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ vững tính tự chủ quốc gia về kinh tế,...

3. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới 

Câu hỏi: Hãy phân tích ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới

Lời giải:

a) Tích cực

  • Toàn cầu hóa mang lại nhiều cơ hội để các nước tiếp cận những nguồn lực cần thiết cho quá trình sản xuất kinh doanh (vốn, công nghệ, thị trường,...): bằng lợi thế vốn có về tài nguyên, lao động, thị trường, các ngành công nghiệp nhẹ, du lịch, dịch vụ.... các nước đang phát triển có thể tham gia vào tầng thấp và trung bình của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn cầu với cơ cấu kinh tế có các ngành sử dụng nhiều lao động, nhiều nguyên liệu, cần ít vốn đầu tư, công nghệ trung bình tiên tiến tạo ra những hàng hoá - dịch vụ không thể thiếu trong cơ cấu hàng hoá - dịch vụ trên thị trường thế giới. Để làm được việc đó các nước đang phát triển có cơ hội tiếp nhận được các dòng vốn quốc tế, các dòng kỹ thuật - công nghệ mới và kỹ năng quản lý hiện đại.

  • Tạo khả năng để các nước nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường quốc tế;... góp phần cải thiện mức sống cho người dân và giải quyết việc làm cho người lao động: Toàn cầu hóa, khu vực hóa làm cho quá trình quốc tế hoá đời sống kinh tế trở thành xu hướng tất yếu và diễn ra hết sức mạnh mẽ do sự phát triển cao của lực lượng sản xuất dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ. Toàn cầu hóa, khu vực hóa đang diễn ra với tốc độ cao, càng đòi hỏi mạnh mẽ việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của mỗi nền kinh tế, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Và chỉ bằng cách đó mới có thể khai thác có hiệu quả nguồn lực quốc tế.

  • Thúc đẩy các nước thay đổi chính sách để tiếp cận thị trường; cải cách kinh tế xây dựng cơ cấu kinh tế phù hợp để đáp ứng được quá trình hội nhập. Đồng thời, thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thu hút đầu tư: Quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa đã tạo ra cơ hội để nhiều nước đang phát triển phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải, về b­ưu chính viễn thông, về điện, nước... ở các nước đang phát triển. Cho nên các nước đang phát triển muốn tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng thì phải biết tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ có thông qua các quan hệ kinh tế đối ngoại mới có thể cải tạo, đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của các cơ sở sản xuất hiện có; cải tiến, hiện đại hoá công nghệ truyền thống; xây dựng những hướng công nghệ hiện đại...

b) Tiêu cực

Toàn cầu hóa làm gia tăng sự bất bình đẳng, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, gia tăng khoảng cách giàu nghèo: uá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa là quá trình làm tăng thêm sự phân hoá giàu nghèo giữa hai nhóm nước: phát triển và đang phát triển. Các Công ty xuyên quốc gia lớn nhất thế giới cũng chủ yếu nằm ở các nước phát triển. Các nước này cũng nắm giữ hầu hết các công nghệ hiện đại nhất, các phát minh, sáng chế, bí quyết và các sản phẩm chất xám khác. Đây cũng là nơi liên tục thu hút được "chất xám" của toàn thế giới. Ngoài ra các thiết chế kinh tế, tài chính, tiền tệ, thương mại quốc tế như WTO. IMF, WB... đều nằm dưới sự chi phối của các nước phát triển, đứng đầu là Mỹ. Với những sức mạnh kinh tế to lớn như vậy, các nước phát triển đang chi phối nền kinh tế toàn cầu. Còn các nước đang phát triển thì nền kinh tế chưa đủ sức để chống đỡ được vòng xoáy của cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới. Do vậy mà các nước đang phát triển ngày càng bị nghèo đi so với tốc độ giàu nhanh của các nước phát triển.

II. KHU VỰC HÓA KINH TẾ

1. Biểu hiện của khu vực hóa kinh tế 

Câu hỏi: Hãy trình bày các biểu hiện của khu vực hóa kinh tế.

Lời giải:

Biểu hiện của khu vực hóa kinh tế:

  • Ngày càng nhiều tổ chức khu vực trên thế giới được hình thành và quy mô ngày càng lớn như: Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),....

  • Các hợp tác trong khu vực ngày càng đa dạng và có nhiều hình thức khác nhau như: liên minh kinh tế, hợp tác kinh tế, liên minh thuế quan,...

2. Hệ quả của khu vực hóa kinh tế

Câu hỏi: Dựa vào thông tin, hãy trình bày các hệ quả của khu vực hóa kinh tế

Lời giải:

Các hệ quả của khu vực hóa kinh tế:

  • Khu vực hóa tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để tạo sự gắn kết, xây dựng một môi trường phát triển ổn định và hợp tác.

  • Khu vực hóa tạo năng để khai thác hiệu quả và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội.

  • Khu vực hóa góp phần làm giảm sức ép và sự phụ thuộc từ các nước ngoài khu vực, tạo vị thế trên trường quốc tế.

  • Tuy nhiên, khu vực hóa làm xuất hiện các vấn đề cần quan tâm đối với mỗi quốc gia như: tự chủ về kinh tế, cạnh tranh kinh tế, trình độ phát triển kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực,...

3. Ý nghĩa của khu vực hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới 

Câu hỏi: Hãy phân tích ý nghĩa của khu vực hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới

Lời giải:

     Việc tham gia các tổ chức khu vực làm cho mỗi nước có điều kiện thuận lợi để thu hút được vốn đầu tư bên ngoài, hợp tác phát triển; đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa. Đồng thời, thông qua các tổ chức khu vực, mỗi quốc gia thành viên đều có điều kiện mở rộng quan hệ kinh tế; xây dựng một khu vực phát triển hài hòa, ổn định bền vững, giải quyết các vấn đề chung của khu vực.

LUYỆN TẬP

Câu hỏi: Lập sơ đồ thể hiện các biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế

Lời giải:

c

Câu hỏi: Lấy một số ví dụ về biểu hiện của khu vực hóa kinh tế

Lời giải:

Ví dụ về biểu hiện khu vực hóa ở Việt Nam:

  • Ở liên cấp khu vực, chúng ta là thành viên tích cực của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),...

  • Đầu tư nước ngoài của nước ta tăng nhanh

  • Thị trường tài chính quốc tế mở rộng

  • Các công ti xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn

VẬN DỤNG

Câu hỏi: Thu thập thông tin và liên hệ thực tế về một số kết quả mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi gia nhập ASEAN

Lời giải:

Kể từ khi gia nhập ASEAN (năm 1995), nhất là sau khi Cộng đồng ASEAN được thành lập (năm 2015), “phát huy vai trò trong ASEAN” đã trở thành một trong những đường lối đối ngoại quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt, Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030” đã đề ra mục tiêu cho công tác đối ngoại đa phương thời gian tới, đó là “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước". Chỉ thị chỉ rõ, ASEAN nằm trong tầng nấc ưu tiên đối ngoại đa phương của Việt Nam, bên cạnh Liên hợp quốc.

Trong gần 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của tổ chức này. Sự tham gia của Việt Nam góp phần mở rộng ASEAN với việc Lào và Campuchia gia nhập Hiệp hội, đưa ASEAN thực sự trở thành đại diện cho khu vực Đông Nam Á trên trường quốc tế. Ngay sau đó, Việt Nam thể hiện vai trò kết nối thông qua việc đưa nhóm các nền kinh tế kém phát triển trong ASEAN như CLMV (bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) vào sự phát triển chung của cả khối thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội (năm 1997) và Tuyên bố Hà Nội về thu hẹp khoảng cách phát triển (năm 2001). Việt Nam cũng góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phối hợp cùng các quốc gia cho ra đời Hiến chương ASEAN; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (năm 2001) và Chủ tịch ASEAN (năm 2010) với nhiều dấu ấn tích cực. Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng cường liên kết nội và ngoại khối, như thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) năm 2010, các cơ chế ASEAN+, mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham gia của Nga và Mỹ (năm 2010), thành lập Cộng đồng ASEAN (năm 2015). Những nỗ lực này đã giúp tăng cường vị thế quốc tế của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đem lại những lợi ích to lớn đối với Việt Nam trên các khía cạnh an ninh - chính trị và vị thế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam xử lý các thách thức trong khu vực và trên thế giới.

Có thể thấy, ngay từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm của mình, giúp mở rộng và tăng cường tính cố kết trong ASEAN cũng như thúc đẩy khả năng của ASEAN trên mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, Việt Nam không ngừng cải thiện, nâng cao năng lực cũng như uy tín và tiếng nói của mình trên trường quốc tế thông qua các hình thức hội nhập quốc tế, như tham gia các tổ chức quốc tế, các diễn đàn đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng, trúng cử vào các vị trí quan trọng của các cơ chế quốc tế..., góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong ASEAN và tạo điều kiện để Việt Nam có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho ASEAN. Tất cả những điều này chính là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trong ASEAN.

Một trong những mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của Việt Nam khi tham gia ASEAN là mong muốn duy trì một môi trường an ninh hòa bình, ổn định tại khu vực. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thời gian qua tại khu vực đã và đang tác động không nhỏ tới vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tác động tới vai trò dẫn dắt của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc bảo đảm hòa bình, an ninh tại Biển Đông và thúc đẩy hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đều có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, song việc đàm phán này hiện gặp nhiều khó khăn do sự bất đồng giữa các bên liên quan trên nhiều vấn đề. Vì vậy, để có thể gắn kết quan điểm của các nước ASEAN, Việt Nam cần nỗ lực đóng vai trò trong quá trình đàm phán COC. Đây sẽ là tiền đề để Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế và tiếng nói của mình trong quá trình xử lý các vấn đề quốc tế.

Từ khóa tìm kiếm google:

giải sgk địa lí 11 sách mới, giải địa lí 11 Cánh diều,Bài 2 Toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Giải địa lí 11 Sách cánh diều Bài 2 Toàn cầu hóa, khu vực hóa kinh tế . Bài học nằm trong chuyên mục: Giải địa lí 11 cánh diều. Phần trình bày do Ngọc Hà CTV tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận