Danh mục bài soạn

Giải Ngữ văn 8 tập 2 sách Cánh diều bài 8 Quang Trung đại phá quân Thanh

Hướng dẫn học môn Ngữ văn 8 tập 2 sách mới Cánh diều. Dưới đây là lời giải chi tiết bài 8 Quang Trung đại phá quân Thanh. Từng bài tập được giải chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu. Hi vọng, hocthoi.net sẽ hỗ trợ các em trong quá trình học tập, giúp các em ngày càng tiến bộ hơn.

CHUẨN BỊ

Yêu cầu:

- Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này 

- Khi đọc truyện lịch sử, các em cần chú ý:

+ Truyện viết về sự kiện gì? Cốt truyện, bối cảnh, nhân vật chính trong truyện liên quan như thế nào với lịch sử của dân tộc?

+ Chủ đề, tư tưởng, thông điệp nội dung mà văn bản truyện muốn thể hiện.

+ Một số đặc điểm hình thức nổi bật của truyện (sự kiện, nhân vật, ngôn ngữ mang không khí và dấu ấn lịch sử,...).

+ Những tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo của người viết thể hiện qua văn bản truyện.

- Đọc trước văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh; tìm hiểu thêm thông tin về nhóm tác giả Ngô gia văn phái.

- Đọc nội dung giới thiệu sau đây để hiểu bối cảnh đoạn trích: (Đọc nội dung trong SGK trang 57)

Lời giải:
- Nhóm tác giả Ngô gia văn phái là một nhóm tác giả Việt Nam thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Người đề xướng và dựng lên Văn phái (về sau được mệnh danh là Ngô gia văn phái) là Ngô Chi Thất và Ngô Trân. Ngô gia văn phái gồm 20 tác giả thuộc 9 thế hệ trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí (1753 – 1788) làm quan thời Lê Chiêu Thống và Ngô Thì Du (1772-1840), làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

CÂU HỎI GIỮA BÀI

Câu 1. Phần 1 kể về tuyến nhân vật nào?

Lời giải:

  • Phần 1 kể về tuyến nhân vật Tôn Sĩ Nghị.

Câu 2. Tóm tắt ý chính lời dụ của Quang Trung.

Lời giải:

  • Trong lời phủ dụ của Quang Trung có khẳng định chủ quyền dân tộc của nước ta. Đồng thời lên án tội ác của giặc, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc. Qua đó kêu gọi binh sĩ đánh giặc, đề ra kỉ luật rất nghiêm.

Câu 3. Ý nào trong lời của Quang Trung thể hiện tầm nhìn, biết "lo xa"?

Lời giải:

  • Quang Trung đã nhìn thấy trước việc quân Thanh sau khi thua trận ắt sẽ thẹn mà lo mưu báo thù, nhân dân lại khổ sở. Chính vì vậy, ông đã dự định để Ngô Thì Nhậm, một người khéo lời lẽ ra dẹp việc binh đao.

Câu 4. Cách đánh của Quang Trung có gì đặc biệt?

Lời giải:

  • Nét độc đáo trong cách đánh giặc của Quang Trung Hoàng đế trong đại phá quân Thanh:

Quân sự:

  • Chiến lược hành quân thần tốc, đảm bảo yếu tố bất ngờ
  • Khả năng đánh đồn giặc chớp nhoáng, khiến giặc không kịp trở tay.
  • Quang Trung có những trận chiến sòng phẳng với quân Thanh, đánh theo lối tổng tấn công, chứ không du kích như các triều đại trước đây.

Chính trị:

  • Nhanh chóng lấy lòng nhân sĩ và nhân dân Bắc Hà.
  • Lên ngôi hoàng đế sớm để thể hiện tính chính danh

Câu 5. Phần 3 có thể coi là một tuyến truyện không? Vì sao?

Lời giải:

  • Phần 3 có thể coi là một tuyến truyện vì trong phần này đã tái hiện những diễn biến phức tạp của nhân vật Vua Lê. Khác với phần hai tập trung viết về nhân vật Quang Trung.

Câu 6. Hình dung thái độ và hành động của vua Lê.

Lời giải:

  • Vua Lê lúc này trong lòng sợ hãi quân Tây Sơn sắp đuổi đến liền vội vã cùng triều thần bỏ chạy. 

CÂU HỎI CUỐI BÀI

Câu 1. Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh kể về những sự kiện gì? Các sự kiện ấy liên quan đến những tuyến nhân vật nào?

Lời giải:

Văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh kể về 3 sự kiện chính:

  • Tướng giặc Tôn Sĩ Nghị chủ quan, hống hách, bắt nạt triều đình vua Lê
  • Quang Trung thần tốc ra Bắc đánh tan quân Thanh
  • Vua Lê cùng một số triều thần chạy trốn lên biên giới phía bắc

Các sự kiện ấy liên quan đến những tuyến nhân vật: Quang Trung, vua Lê Chiêu Thống, Ngô Thì Nhậm, tướng nhà Thanh như Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống,..

Câu 2. Đặt tên và nêu nội dung chính của mỗi phần trong đoạn trích.

Lời giải:

- Phần 1 (Từ đầu đến ngày “25 tháng chạp năm Mậu Thân 1788”): Quân Thanh chiếm thành Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế.

- Phần 2 (Từ đoạn "Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh" đến "vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành): Cuộc hành quân và chiến thắng vang dội của vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn.

- Phần 3 (Còn lại): Sự thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Câu 3. Phân tích một số chi tiết trong văn bản để làm rõ đặc điểm tính cách của hai nhân vật Quang Trung và Lê Chiêu Thống.

Lời giải:

Nguyễn Huệ

  • Nhận được tin giặc chiếm Thăng Long, quân Tây Sơn mất cả một vùng đất rộng lớn ông không hề nao núng nhưng “giận lắm”,”định thân chinh cầm quân đi ngay”. Nhờ tướng sĩ can ngăn, ông lấy lại bình tĩnh, mở cuộc luận bàn kế sách đánh giặc. Sau khi kế hoạch diệt giặc đã chu tất, ông nhanh chóng tiến hành. Chỉ trong vòng hơn một tháng, Nguyễn Huệ đã làm rất nhiều việc lớn: tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế để “chính vị hiệu”,”giữ lấy lòng người”, chiêu mộ nhân tài ra giúp nước. khi tiến quân, ông tự mình “đốc suất đạo binh” ra Bắc.
  • Đi đến đâu, ông chiêu mộ binh sĩ đến đó. Chính sách cũng hết sức hài hòa, lấy dân làm gốc, không bao giờ cưỡng bách dân chúng. Nghe tin đất Hà Tĩnh có cao nhân Nguyễn Thiếp, ông năm lần bảy lược đến thỉnh cầu, thực tâm mời Nguyễn Thiếp ra giúp sức. Trước khi tiến quân đến Bắc Hà, ông tổ chức tổng lực duyệt binh, củng cố đội hình, ra hịch chiêu dụ tướng sĩ, nâng cao tinh thần sĩ khí, quyết tâm diệt giặc xâm lăng. => Mỗi hành động của Quang Trung- Nguyễn Huệ đều rất quả quyết, mạnh mẽ phi thường khiến cho tướng sĩ tin tưởng hết sức.
  • Khi Sở và Lân mang gươm đến chịu tội vì để giặc chiếm vùng Tam Điệp. Ông giận lắm nhưng vì hiểu tường tận năng lực của bề tôi, nắm được thế giặc nên khen chê đúng người đúng việc. => Nguyễn Huệ rất sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người. 
  • Mới khởi binh, chưa lấy được tấc đất nào, vậy mà Quang Trung đã tuyên bố chắc nịch “phương lược tiến đánh đã có sẵn”, “Chẳng qua mươi ngay có thể đuổi được người Thanh”. => Quang Trung có tầm nhìn vượt thời đại, thật hiếm có trên đời.
  • Ông nghĩ xa đến việc chính sách ngoại giao của ta sau cuộc đại chiến: phương Bắc nước “lớn gấp mười nước mình”, bị thua một trận “ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù” khiến việc binh đao không bao giờ dứt nên sau chiến thắng để có thời gian “yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng”, làm cho nước giàu quân mạnh. => Ông có trí tuệ của bậc quân vương biết lo xa, nhìn rõ toàn cục, định liệu như thần.
  • Cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn do đích thân vua Quang Trung chỉ huy. Từ Thanh Hóa ra đến Bắc Hà, vừa đi, vừa nghỉ với khí giới, quân trang, quân dụng nặng nề lại vừa phải đánh giặc phá thành, chiếm đóng, thế mà Quang Trung ấn định trong bảy ngày. => Nguyễn Huệ là người có tài dụng binh như thần. 

Lê Chiêu Thống

  • Trong phần 3 của văn bản có chi tiết khắc họa nhân vật Lê Chiêu Thống là: Vua Lê ở thành Thăng Long không nghe được tin cấp báo nên trong ngày Tết mọi người chỉ chăm chú vào tiệc yến mừng, không lo chi đến việc bất trắc.
  • Sau khi biết tin: Vua Lê ở trong điện, nghe tin có việc biến ấy, vội vã cùng bọn Lê Quỳnh, Trịnh hiến đưa thái hậu ra ngoài. Cả bọn chạy đến bến sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến Nghi Tàm, gặp được chiếc thuyền đánh cá vội cướp lấy rồi chèo sang bờ Bắc.

=> Vua Lê Chiêu Thống là một ông vua bù nhìn, đặt lợi ích cá nhân lên trước lợi ích của đất nước, cấu kết với nhà Thanh để đất nước rơi vào tay của kẻ thù phương Bắc. Ông không xứng đáng làm vua nước Nam nên kết cục ông phải trả giá. Ông đã bán sống bán chết chạy trốn, thậm chí còn bị đói chạy đến cửa ải để tìm đường sống và "nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”. 

Câu 4. Hãy làm sáng tỏ đặc điểm của một truyện lịch sử có cốt truyện đa tuyến qua đoạn trích (chú ý các yếu tố nhân vật và sự kiện chính).

Lời giải:

Tác giả đã trình bày một chuỗi các sự kiện từ việc quân Thanh sang xâm lược đến việc Nguyễn Huệ lên ngôi vua dẫn quân đánh bại quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống và quần thần tháo chạy.

Đoạn trích của tái hiện những diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật khác nhau:

  • Suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật Tôn Sĩ Nghị
  • Các cảm xúc, suy nghĩ, hành động của Quang Trung
  • Diễn biến tâm trạng, cảm xúc, hành động của vua Lê Chiêu Thống

Câu 5. Theo em, qua đoạn trích, tác giả muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp gì? Thông điệp ấy có giá trị với cuộc sống hôm nay như thế nào?

Lời giải:

Theo em, qua đoạn trích, tác giả muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp về lòng yêu nước và tôn trong lịch sử dân tộc.

Thông điệp về lòng yêu nước vẫn luôn có giá trị với cuộc sống. Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn có một lòng yêu nước nồng nàn và cách thể hiện lòng yêu nước trong mỗi người sẽ có những biểu hiện khác nhau. Cho đến nay, lòng yêu nước vẫn luôn được mọi con dân đất Việt giữ vững trong tim. 

Tôn trong lịch sử dân tộc cũng là một biểu hiện của lòng yêu nước, thể hiện sự kính trọng với những gì mà thế hệ trước đã làm được, đồng thời cũng là bài học để thế hệ sau học hỏi, tránh phải những sai lầm không cần thiết. Tôn trong lịch sử là một trong những điều quan trọng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, bảo vệ. Chính vì vậy, thông điệp về tôn trong lịch sử dân tộc vẫn có ý nghĩa quan trọng đến ngày nay và cả mai sau.

Câu 6. Để viết bài giới thiệu về nhân vật Quang Trung trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh, em sẽ nêu những ý chính nào?

Lời giải:

Để viết bài giới thiệu về nhân vật Quang Trung trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh, em sẽ nêu những ý chính:

- Giới thiệu khái quát thông tin về nhân vật (tên, thời đại)

- Phẩm chất con người của ông. (Tính cách, tài năng)

- Những chiến công của ông.

PHẦN THAM KHẢO MỞ RỘNG TÁC PHẨM 

Câu hỏi 1. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong văn bản Quang Trung đại phá quân Thanh

Lời giải:

- Giá trị nội dung: tác giả đã ghi lại lịch sử hào hùng của dân tộc ta, tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm hại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

- Giá trị nghệ thuật: 

  • Cốt truyện được xây dựng trên các cơ sở các sự kiện đã xảy ra nhằm thể hiện chủ đề của tác phẩm.
  • Ngôn ngữ truyện kể và nhân vật phù hợp với thời đại được miêu tả.
  • Nghệ thuật kể chuyện: Lối văn trần thuật đặc sắc. 

Câu hỏi 2.  Em hãy nêu nội dung chính của bài Quang Trung đại phá quân Thanh

Lời giải:

Văn bản nói về hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ: văn võ song toàn với chiến công đại phá 20 vạn quân Thanh. Tình cảnh thất bại ê chề, nhục nhã của bọn vua quan bán nước, cướp nước.v

Câu hỏi 3. Nêu tác giả, tác phẩm, bố cục của bài Quang Trung đại phá quân Thanh

Lời giải:

1. Tác giả

- Ngô gia văn phái là một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

- Trong đó có hai tác giả chính là Ngô Thì Chí (1753 - 1788) làm quan thời Lê Chiêu Thống và Ngô Thì Du (1772 - 1840) làm quan dưới triều nhà Nguyễn.

2. Tác phẩm 

a. Hoàn cảnh sáng tác: 

 + Tác phẩm viết bằng chữ Hán ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê.

+  Không chỉ dừng lại ở sự thống nhất vương triều nhà Lê mà còn biết tiếp, tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào khoảng ba mươi năm cuối thế kỉ XVIII và mấy năm đầu thế kỉ XX.

b. Tóm tắt 

Các sự kiện chính:

- Trước thế mạnh của giặc, quân Tây Sơn ở Thăng Long, rút quân về Tam Điệp và cho người vào Phủ Xuân cấp báo với Nguyễn Huệ.

- Nhận được tin ngày 24/11, Nguyễn Huệ liền tổ chức lại lực lượng chia quân làm hai đạo thuỷ – bộ.

- Ngày 25 tháng Chạp, làm lễ lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung, trực tiếp chỉ đạo hai đạo quân tiến ra Bắc.

- Ngày 29 tháng Chạp, quân Tây Sơn ra đến Nghệ An, Quang Trung cho dừng lại một ngày, tuyển thêm hơn 1 vạn tinh binh, mở một cuộc duyệt binh lớn.

- Ngày 30, quân của Quang Trung ra đến Tam Điệp, hội cùng Sở và Lân. Quang Trung đã khẳng định: “Chẳng quá mười ngày có thể đuổi được người Thanh“. Cũng trong ngày 30, giặc giã chưa yên, binh đao hãy còn mà ông đã nghĩ đến kế sách xây dựng đất nước mười năm sau chiến tranh. Ông còn mở tiệc khao quân, ngầm hẹn mùng 7 sẽ có mặt ở thành Thăng Long mở tiệc lớn. Ngay đêm đó, nghĩa quân lại tiếp tục lên đường. Khi quân Tây Sơn ra đến sông Thanh Quyết gặp đám do thám của quân Thanh, Quang Trung ra lệnh bắt hết không để sót một tên.

- Rạng sáng ngày 3 Tết, nghĩa quân bí mật bao vây đồn Hạ Hồi và dùng mưu để quân Thanh đầu hàng ngay, hạ đồn dễ dàng.

- Rạng sáng ngày mùng 5 Tết, nghĩa quân tấn công đồn Ngọc Hồi. Quân giặc chống trả quyết liệt, dùng ống phun khói lửa ra nhằm làm ta rối loạn, nhưng gió lại đổi chiều thành ra chúng tự hại mình. Cuối cùng, quân Thanh phải chịu đầu hàng, thái thú Điền châu Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử.

- Trưa mùng 5 Tết, Quang Trung đã dẫn đầu đoàn quân thắng trận tiến vào Thăng Long. Đám tàn quân của giặc tìm về phía đê Yên Duyên gặp phục binh của ta, trốn theo đường Vịnh Kiều lại bị quân voi ở Đại Áng dồn xuống đầm Mực giày xéo, chết hàng vạn tên. Một số chạy lên cầu phao, cầu phao đứt, xác người ngựa chết làm tắc cả khúc sông Nhị Hà. Mùng 4 Tết nghe tin quân Tây Sơn tấn công, Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống đã vội vã bỏ lên biên giới phía bắc. Khi gặp lại nhau, Nghị có vẻ xấu hổ nhưng vẫn huênh hoang. Cả hai thu nhặt tàn quân, kéo về đất Bắc.

c. Bố cục: (3 phần)

- Phần 1: (từ đầu đến “...hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng cháp năm Mậu Thân 1788”): được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân dẹp giặc.

- Phần 2: (tiếp theo đến “… vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành”): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.

- Phần 3: (còn lại): Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm bại của vua tôi Lê Chiêu Thống.

Câu hỏi 4. Phân tích tác phẩm Quang Trung đại phá quân Thanh

Lời giải:

Quang Trung – Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự, một vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Hình ảnh vua Quang Trung tiêu biểu cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 39 tuổi xuân, Quang Trung đã có 22 năm đánh Nam dẹp Bắc – tạo cơ sở cho quá trình thống nhất đất nước; đuổi Xiêm diệt Thanh – góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập nước nhà. Mỗi chiến công trong cuộc đời Quang Trung đánh dấu một mốc son trong lịch sử hào hùng của cả dân tộc.

Nói đến vua Quang Trung, trước hết nói đến một anh hùng với tính cách mạnh mẽ quyết đoán mỗi lần ông hành động. Nghe tin giặc đã kéo đến tận Thăng Long ông đã rất tức giận, đã họp các tướng sĩ, "định thân chinh cầm quân đi ngay". Rồi trong vòng chỉ một tháng, Nguyễn Huệ đã làm bao nhiêu việc lớn: "Tế cáo trời đất", "lên ngôi hoàng đế", "đốc suất đại binh'' ra Bắc, gặp gỡ "người cống sĩ ở huyện La Sơn", tuyển mộ quân lính và mở các cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng. Là con người hành động liên tục, không ngừng làm việc, có tính cách xông xáo, mọi quyết định đều nhanh gọn và rất dứt khoát, xứng đáng là vị chủ tướng trên vạn quân.

Vua Quang Trung còn nổi tiếng là con người có trí tuệ sáng suốt, rất nhạy bén trong mọi trường hợp. Ông có một tầm nhìn xa trông rộng, mưu cao trí lược, hơn nữa cái nhìn khái quát ấy còn giúp ông định hình về tình thế và về thời cuộc ông lên ngôi với mục đích có thể " để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người". Vì vậy, ông đưa ra mọi quyết định đều cân nhắc trước hết, làm thế nào để yên bề tình hình, giúp cho mục đích cuối cùng. Ông phân tích tình hình quân địch, nhận định được thế lực hai bên để phán đoán trong từng bước đi của mình. Ông đưa vào trong bài hịch những tội ác của giặc, chúng đã gây nên tội ác với nhân dân ta, phá huỷ nhiều nếp nhà, khiến cho quân sĩ được khích lệ tinh thần, đồng thời ông cũng nhắc đến nhiều tên tuổi anh hùng bảo vệ dân tộc như: Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng…Ông dùng những lời lẽ mềm mỏng để thuyết phục những kẻ "mềm lòng" dễ thay lòng đổi dạ, lạt mềm buộc chặt, nhưng vẫn không mất cái uy. Quang Trung hiểu rõ sở trường và sở đoản các tướng lĩnh dưới trướng mình bởi vậy ông vẫn trách mắng để họ nhận ra khuyết điểm đồng thời tha cho họ. Việc làm của ông là hành động sáng suốt, giúp thu phục nhân tâm, ai nấy đều phải tâm phục, khẩu phục.

Với Quang Trung, tư tưởng quyết chiến, quyết thắng, tầm nhìn xa, trông rộng rất quan trọng. Ông đã kiên quyết khẳng định chỉ trong vòng mười ngày có thể lấy lại kinh thành Thăng Long, nói được làm được, đây chính là một trong những trận chiến anh hùng nhất trong suốt những năm tháng chống quân xâm lăng của dân tộc ta. Ông đã mềm mỏng dùng ngoại giao để giữ hoà bình và cuộc sống cho nhân dân. Trên chiến trường, ông tổ chức trận đánh hết sức linh hoạt, sáng tạo, với nhiều kế binh hiểm hóc kết hợp nhuần nhuyễn nhiều cánh quân, cách đánh luôn giữ thế chủ động, lúc cần thì phòng thủ, luôn lợi dụng được điểm yếu của quân địch khiến kẻ địch không kịp trở tay. Tài dùng trận thì khỏi bàn cãi: trận Hà Hồi, trống rong cờ mở bắc loa đàn áp tinh thần quân giặc, trận Ngọc Hồi bện rơm tránh lửa, dùng kế gậy ông đập lưng ông, đồng thời đánh chặn chốt giặc khiến chúng hồn xiêu phách lạc.

Từ những đoạn trích trên ta thấy hiện về trong lịch sử một nhân vật xuất chúng: Lẫm liệt oai phong, văn võ song toàn đã ghi vào trang lịch sử vẻ vang của dân tộc, làm sáng ngời truyền thống dân tộc, ngàn đời sau vẫn nhắc tên người anh hùng áo vải Quang Trung.

Từ khóa tìm kiếm google:

Giải ngữ văn 8 cánh diều bài 8 Quang Trung đại phá quân Thanh, giải ngữ văn 8 sách CD bài 8 Quang Trung đại phá quân Thanh, giải bài 8 Quang Trung đại phá quân Thanh ngữ văn 8
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Giải Ngữ văn 8 tập 2 sách Cánh diều bài 8 Quang Trung đại phá quân Thanh . Bài học nằm trong chuyên mục: Giải ngữ văn 8 tập 2 cánh diều. Phần trình bày do Ngọc Diễm tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận