Danh mục bài soạn

Giải Ngữ văn 8 tập 2 sách Cánh diều bài 7 Xa ngắm thác núi Lư

Hướng dẫn học môn Ngữ văn 8 tập 2 sách mới Cánh diều. Dưới đây là lời giải chi tiết bài 7 Xa ngắm thác núi Lư. Từng bài tập được giải chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu. Hi vọng, hocthoi.net sẽ hỗ trợ các em trong quá trình học tập, giúp các em ngày càng tiến bộ hơn.

CHUẨN BỊ

Yêu cầu: 

- Đọc trước văn bản Xa ngắm thác núi Lư, tìm hiểu và ghi chép lại những thông tin về nhà thơ Lý Bạch giúp cho việc đọc hiểu bài thơ này.

- Lý Bạch viết rất nhiều bài thơ về đề tài chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn. Hình ảnh trong thơ ông thường kì vĩ, lãng mạn, ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện. Thơ Lý Bạch luôn thể hiện một tâm hồn tự do, phóng khoáng. Xa ngắm thác núi Lư là bài thơ tiêu biểu viết về đề tài thiên nhiên mang phong cách Lý Bạch. 

Lời giải:

Tiểu sử

  • Lí Bạch (701-762), nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc đời Đường, tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ, quê ở Tam Cúc.
  • Lúc mới năm tuổi, gia đình về định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc Miên Châu (Tứ Xuyên) nên nhà thơ vẫn thường coi Tứ Xuyên là quê hương của mình.
  • Từ trẻ, ông đã xa gia đình để đi du lịch, tìm đường lập công danh sự nghiệp. Dẫu muốn góp phần cứu dân giúp đời song ông chưa bao giờ được toại nguyện.
  • Lí Bạch được mệnh danh là “tiên thơ”.

Sự nghiệp văn học

  • Lý Bạch làm hơn 20.000 bài thơ cả thảy, nhưng làm bài nào vứt bài đó, nên được biết tới là nhờ dân gian ghi chép lại. Đến nay thì thơ Lý Bạch còn trên dưới 1000 bài, bài nào cũng được đánh giá rất cao, nhưng nổi tiếng trong dân gian thì có: Tương Tiến Tửu, Hiệp khách hành, Thanh Bình Điệu, Hành lộ nan...
  • Thơ Lí Bạch biểu hiện một tâm hồn tự do, hào phóng.

CÂU HỎI CUỐI BÀI

Câu hỏi 1. Qua phần Dịch thơ, hãy xác định một số đặc điểm của thể thơ tứ tuyệt Đường luật của bài Xa ngắm thác núi Lư.

Lời giải:

  • Bài có 4 câu và mỗi câu 7 chữ, trong đó các câu 1,2 hiệp vần với nhau ở chữ cuối.

Câu hỏi 2. Có thể chia bài Xa ngắm thác núi Lư thành hai phần: câu đầu và ba câu còn lại. Hãy cho biết nhiệm vụ mỗi phần của bài thơ.

Lời giải:

  • Phần 1: Miêu tả khung cảnh núi Hương Lô.
  • Phần 2: Miêu tả khung cảnh thác nước núi Lư.

Câu hỏi 3. Xác định vị trí đứng ngắm thác nước của Lý Bạch và cho biết lợi thế của việc chọn điểm nhìn đó để quan sát và miêu tả cảnh vật.

Lời giải:

"Dao khan bộc bố quải tiền xuyên"

(xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước.)

Từ hai chi tiết trên xác định nhà thơ đứng ngắm thác từ phía xa và ở một vị trí thấp hơn nhiều so với chiều cao của thác. Thác núi Lư từ trên cao ba nghìn thước đổ xuống nên phải có điểm nhìn xa như thế mới thu được toàn cảnh. Trước mắt ông, thác treo (quải) lên như dòng sông dựng ngược. 

Câu 4. Vẻ đẹp của thác nước đã được Lý Bạch miêu tả như thế nào trong cả bài thơ? Hãy phân tích để thấy được vẻ đẹp đó.

Lời giải:

Những vẻ đẹp khác nhau của thác nước:

  • Trong câu thứ hai: hình ảnh trung tâm của bức tranh là thác nước đã hiện lên ngay trước mắt chúng ta qua việc dùng từ “quải” rất thành công của tác giả: từ “quải” (treo) đã biến cái động thành tĩnh, vì đứng từ xa ngắm nên nhìn thác nước giống như một dải lụa trắng được treo giữa vách núi và dòng sông phía trước. Từ “quải” đã mang lại giá trị thẩm mĩ cao cho bài thơ, giúp cho hình tượng thác nước trở nên sống động và hùng vĩ.
  • Trong câu thứ ba: Tác giả đã miêu tả dòng thác chảy từ trên cao xuống “ ba nghìn thước”  trong trạng thái động ở các phương diện:
    • Tốc độ dòng chảy: “phi” (bay) nhanh khủng khiếp
    • Độ dốc của thác: “trực há” đổ thẳng xuống thành đường thẳng đứng vuông góc với dòng sông
    • Độ cao: cao vời vợi tới ba nghìn thước
    • Câu thơ như mở ra một không gian ba chiều rộng lớn, một khung cảnh hùng vì và tráng lệ.
  • Trong câu thứ tư: Tác giả thật hay so sánh hết sức là độc đáo. Dòng thác như dải Ngân Hà tuột khỏi chín tầng mây. Sự so sánh đó làm cho thác nước không chỉ kì vĩ mà rất đẹp và  huyền ảo.

Câu hỏi 5. Em thích nhất hình ảnh nào trong bài thơ? Vì sao? Hãy chỉ ra biện pháp nghệ thuật mà nhà thơ sử dụng để khắc hoạ hình ảnh đó.

Lời giải:
Em thích nhất hình ảnh “Đứng xa trông dòng thác giống như một dòng sông treo trước mặt”. Trong câu thơ, nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật so sánh dòng thác với dải lụa trắng. Câu thơ gợi cho em khung cảnh, dòng nước chảy từ trên cao xuống đẹp như một dải lụa trắng treo trước dòng sông. Thác nước vốn tuôn trào đổ ầm ầm xuống núi đã biến thành một dải lụa mềm mại được treo lên giữa vách núi và dòng sông. Đó là một khung cảnh hùng vĩ nhưng cũng rất thơ mộng như chốn bồng lai tiên cảnh. 

Câu hỏi 6. Qua vẻ đẹp của cảnh vật được miêu tả trong bài thơ, em có thể thấy được những nét gì trong tâm hồn và tính cách của Lý Bạch?

Lời giải:

  • Qua vẻ đẹp của cảnh vật được miêu tả trong bài thơ, em có thể thấy được Lý Bạch là có sự yêu mến, trân trọng, tự hào đối với vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước Trung Hoa. Qua bài thơ, người đọc cũng thấy được tài thơ điêu luyện, tâm hồn và tính cách hào phóng, mạnh mẽ của nhà thơ.

PHẦN THAM KHẢO MỞ RỘNG TÁC PHẨM 

Câu hỏi 1. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong văn bản Xa ngắm thác núi Lư

Lời giải:

- Giá trị nội dung: Bài thơ đã miêu tả một cách sinh động vẻ đẹp nhìn từ xa của tác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư, qua đó, thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm và phần nào bộc lộ tính cách mạnh mẽ, hào phóng của tác giả

- Giá trị nghệ thuật: 

+ Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt

+ Hình ảnh thơ tráng lệ, huyền ảo

+ Dùng nhiều động từ mạnh, táo bạo, gợi hình, gợi cảm

+ Nghệ thuật so sáng và phóng đại

Câu hỏi 2.  Em hãy nêu nội dung chính của bài Xa ngắm thác núi Lư

Lời giải:

  • Bài thơ là một trong những tuyệt tác thơ của Lý Bạch, đây chính là bức tranh tả thực vô cùng xuất sắc cho thấy được phong cảnh thiên nhiên tráng lệ, hùng vĩ của thác núi Lư. Qua đây ta cũng cảm nhận và thấy được tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp nhà thơ. Những vẻ đẹp đó không những không mất đi còn trường tồn bất biến với thời gian
  • " Xa ngắm thác núi Lư" : Nhan đề bài thơ gợi ra điểm nhìn của tác giả, nhà thơ đang ở phía xa để ngắm thác núi, từ đó tác giả có cơ hội nhìn toàn cảnh núi Lư hùng vĩ. Điểm nhìn đó không cho phép khắc hoạ cảnh vật 1 cách chi tiết, tỉ mỉ nhưng lại có lợi thế là dễ phát hiện được vẻ đẹp của toàn cảnh. Để làm nổi bật được sắc thái hùng vĩ của thác nước núi Lư, cách chọn điểm nhìn đó là tối ưu.

Câu hỏi 3. Nêu tác giả, tác phẩm, bố cục của bài Xa ngắm thác núi Lư

Lời giải:

1. Tác giả

- Lý Bạch (701 - 762) là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc vào thời nhà Đường. Tự là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ.

- Lý Bạch là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Trung Hoa, ông được người đời gọi là “thi tiên” (tiên thơ).

- Thơ ông thường thể hiện một tâm hồn tự do, hào phóng. Hình ảnh trong thơ thường mang tính chất tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện.

-  Một số tác phẩm tiêu biểu:Cổ phong, Quan san nguyệt, Trường can hành, Khuê tình...

2. Tác phẩm

a, Xuất xứ

- Vọng Lư Sơn bộc bố là một trong số những bài thơ tiêu biểu viết về đề tài thiên nhiên của nhà thơ.

- Bản dịch thơ Xa ngắm thác núi Lư được Tương Như dịch, in trong cuốn Thơ Đường, tập II, xuất bản năm 1987 bởi Nhà xuất bản văn học.

b, Bố cục

Gồm 2 phần:

- Phần 1. Câu đầu: Miêu tả khung cảnh núi Hương Lô

- Phần 2. 3 câu tiếp: Miêu tả khung cảnh thác nước núi Lư.

c, Phương thức biểu đạt

- Biểu cảm kết hợp miêu tả

d, Thể thơ 

-Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

Câu hỏi 4. Phân tích tác phẩm Xa ngắm thác núi Lư

Lời giải:

Bài thơ có tựa đề Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư sơn bộc bố) nhưng câu thơ mở đầu lại không hề nói đến ngọn thác ấy, mà miêu tả làn khói tía (tử yên) đang tỏa lên từ ngọn núi Hương Lô. Làn khói tía được “sinh” ra từ sự “giao duyên” giữa mặt trời và ngọn núi: “Nhật chiếu Hương Lô”. Nhờ sự giao duyên ấy mà không gian ở đây bỗng trở nên thi vị và thật hữu tình...

Nhưng cho dù đã đắm mình trong không gian ấy, chúng ta vẫn không quên rằng nhà thơ đang miêu tả ngọn thác núi Lư. Vậy câu mở đầu có phải lạc chủ đề không?

Ai cũng biết thơ Đường, trừ thơ trường thiên, thường có khuôn khổ gò bó, có những quy tắc rất nghiêm ngặt về số câu, số chữ... Bởi thế, để đạt được ý đồ nghệ thuật của mình, nhà thơ luôn phải chọn lựa những chữ rất “đắt” và hàm súc; phải dùng những thủ pháp nghệ thuật như gợi, ước lệ, tượng trưng... Bài thơ của Lí Bạch mà chúng ta đang nói là một bài tứ tuyệt thất ngôn; lại là một bài hay của thơ Đường, thì chắc chắn mỗi câu, mỗi chữ của ông đều có một giá trị nghệ thuật nhất định.

Quả vậy, đọc lại câu thơ ta không chỉ thấy một không gian thi vị, hữu tình mà còn cảm nhận tầm vóc vũ trụ của ngọn Hương Lô kia. Dưới mặt trời đang tỏa nắng là một ngọn núi tựa như một bình hương khổng lồ đang nghi ngút tỏa những làn khói tía vào vũ trụ. Hương Lô là một ngọn núi của dãy Lư Sơn, nơi ngọn thác đang đổ xuống. Vậy thì ở câu thơ này, Lí Bạch không chỉ tả, mà điều cốt yếu là ông muốn gợi mở tầm cao vũ trụ của ngọn thác.

Nếu như câu một là gợi thì câu hai lại tả, nhưng tả thông qua sự cảm nhận mang đậm dấu ấn chủ quan của nhà thơ: Đứng từ xa mà nhìn lại thì ngọn thác như treo (quải) trên dòng sông phía trước. Động từ “quải” (treo) gợi trí tưởng tượng của người đọc về thế dựng đứng của ngọn thác, tô đậm cảm giác về sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây. Và chính ý đó đã tạo đà cho câu thơ thứ ba: Phi lưu trực há tam thiên xích.

Đến đây bức tranh ngọn thác núi Lư được hiện lên với những đường nét rõ ràng nhất. Những động từ “phi” (bay), “trực” (thẳng) có sức biểu hiện mạnh mẽ, mang lại một ấn tượng mạnh về tốc độ và sức lực của dòng chảy đang đổ xuống từ độ cao ba nghìn thước. Như vậy, sự kì vĩ, tầm vóc vũ trụ của ngọn thác mới chỉ được gợi và gợi tả ở câu một và câu hai, thì đến câu ba nó được thể hiện một cách cụ thể: Chẳng những kì vĩ mà còn mang trong mình nó một sức mạnh vô biên, sức mạnh không gì cản được.

Dường như nét bút tả ngọn thác đã đến đỉnh điểm của nó. Và chính điều ấy khiến người đọc phải sững sờ bởi hình ảnh ngọn thác:

Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.

(Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây)

Dải Ngân Hà - một dải màu sáng nhạt với những vì tinh tú nhấp nháy, vắt ngang bầu trời những đêm mùa hạ, không phải là một dòng sông thực, mà chỉ là một dòng sông trong tưởng tượng. Nói cách khác, dòng Ngân Hà chỉ là một hình ảnh tưởng tượng, có tính trừu tượng. Việc nhà thơ mang một cái trừu tượng để so sánh với cái cụ thể đã làm cho cái cụ thể trừu tượng hơn.

Nhưng nhờ đó mà hình ảnh thơ (ngọn thác) trở nên huyền ảo và mang một nét đẹp diệu kì. Trước vẻ đẹp ấy, người đọc bị chông chênh giữa hai chiều nhận thức: Thực - ảo; tiên giới - trần gian;... Điều đó không có gì lạ, mà nó chỉ khẳng định thêm cái cảm nhận về sự giao duyên, gặp gỡ giữa trời và đất mà chúng ta đã nói đến ở câu một mà thôi.

Thơ với người là một. Nét bút bay bổng, mạnh mẽ của Lí Bạch ở đây cũng chính là tâm hồn của nhà thơ. Một tầm vóc kì vĩ, một sức mạnh hào hùng và vẻ đẹp nên thơ cũng chính là những khao khát, ước vọng mà nhà thơ Lí Bạch vẫn thường vươn tới.

Từ khóa tìm kiếm google:

Giải ngữ văn 8 cánh diều bài 7 Xa ngắm thác núi Lư, giải ngữ văn 8 sách CD bài 7 Xa ngắm thác núi Lư, giải bài 7 Xa ngắm thác núi Lư ngữ văn 8
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Giải Ngữ văn 8 tập 2 sách Cánh diều bài 7 Xa ngắm thác núi Lư . Bài học nằm trong chuyên mục: Giải ngữ văn 8 tập 2 cánh diều. Phần trình bày do Ngọc Diễm tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận