A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Khái niệm
Hoạt động giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội. Giao tiếp có ở mọi nơi, mọi lúc, có thể ở dạng lời nói nhưng cũng có khi tồn tại ở dạng viết. Giao tiếp cũng có thể được tiến hành bằng nhiều phương tiện ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ và giao tiếp, con người trao đổi thông tin, bộc lộ tình cảm, thái độ, quan hệ… để tổ chức xã hội hoạt động.
2. Các quá trình của hoạt động giao tiếp
Hoạt động giao tiếp có hai quá trình:
- Quá trình tạo lập văn bản: quá trình này do người nói hoặc người viết thực hiện.
- Quá trình tiếp nhận văn bản: do người nghe hoặc người đọc thực hiện.
==> Hai quá trình của hoạt động giao tiếp luôn diễn ra trong quan hệ tương tác với nhau. Vai giao tiếp luôn luôn thay đổi. Chính vì vậy khi xem xét các quá trình giao tiếp, chúng ta phải đặc biệt chú ý tới các tình huống giao tiếp cụ thể khác nhau.
3. Các nhân tố trong hoạt động giao tiếp
Hoạt động giao tiếp có sự tham gia của nhiều nhân tố. Các nhân tố đó là :
- Nhân vật giao tiếp : Ai nói, ai viết, nói với ai, viết cho ai?
- Hoàn cảnh giao tiếp : Nói, viết trong hoàn cảnh nào, ở đâu, khi nào?
- Nội dung giao tiếp : Nói, viết cái gì, về cái gì ?
- Mục đích giao tiếp : Nói, viết để làm gì, nhằm mục đích gì ?
Bình luận