Tái hiện bằng lời văn của em nội dung các đoạn của bài thơ Quê hương theo gợi ý sau:

B. Hoạt động hình thành kiến thức

1. Đọc văn bản Quê hương

2. Tìm hiểu văn bản

a) Tái hiện bằng lời văn của em nội dung các đoạn của bài thơ Quê hương theo gợi ý sau:

- Đoạn 1: Giới thiệu chung về “làng tôi” (2 câu đầu).

- Đoạn 2: Cảnh thuyền chài ra khơi đánh cá (6 câu tiếp).

- Đoạn 3: Cảnh thuyền chài trở về bến (8 câu tiếp)

- Đoạn 4: Nỗi nhớ làng quê của tác giả (4 câu cuối).

Cách làm cho bạn:

- Đoạn 1: Giới thiệu chung về “làng tôi”:

Bằng một lời kể rất bình dị, tác giả Tế Hanh tâm tình, giới thiệu về quê hương của mình – một vùng quê ven biển, làm nghề chài lưới, đánh cá. Khung cảnh quê hương hiện lên với đặc trưng ‘nước bao vây” và ‘cách biển nửa ngày sông”.

- Đoạn 2: Cảnh thuyền chài ra khơi đánh cá:

Trong khung cảnh khoáng đạt, thơ mộng và trong treo của một buổi bình minh đẹp với ‘trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng”, đoàn thuyền khởi hành cho một chuyến ra khơi “đi đánh cá”.

Hình ảnh đoàn thuyền ra khơi hiện lên đầy mạnh mẽ, khỏe khoắn, dũng mãnh như một “con tuấn mã”.

Hình ảnh cánh buồm căng gió được so sánh với “mảnh hồn làng” mang một nét đẹp đầy lãng mạn, đậm chất thơ. Một sự so sánh hữu hình và vô hình đã làm nên sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời. Con thuyền đã mang theo cả tin yêu, hạnh phúc và hi vọng của những người dân nơi đây.

- Đoạn 3: Cảnh thuyền chài trở về bến:

Khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về bến được miêu tả đầy sống động với vẻ náo nhiệt, ồn ảo và tràn trề sức sống. Người dân làng chài hân hoan, vui sướng khi người thân của mình trở về với những con thuyền “cá đầy ghe”.

Hình ảnh người ngư dân làng chài hiện lên nổi bật với vẻ rắn rỏi và khỏe khoắn: “làn da ngăm rám nắng”, “cả thân hình nồng thở vị xa xăm”. Họ mang trên mình một màu da riêng, một mùi vị riêng biệt đặc trưng của dân chài lưới. Đó là một vẻ đẹp vừa chân thực lại vừa rất lãng mạn.

Hình ảnh chiếc thuyền nằm nghỉ ngơi trên bến đỗ là một sáng tạo đầy ấn tượng và thú vị. Nó như cũng mang hơi thở của con người, đang nằm ngẫm nghĩ và lắng nghe chất muối của biển cả thấm dần trong thớ vỏ tựa như con người suy tư về hành trình đã qua của mình.

- Đoạn 4: Nỗi nhớ làng quê của tác giả (4 câu cuối).

Trong xa cách, tâm hồn nhà thơ luôn thương nhớ và hướng về quê hương yêu dấu của mình. Ông nhớ về màu nước xanh, con cá bạc, chiếc buồm vôi và hình ảnh con thuyền rẽ sóng ra khơi. Rồi cuối cùng tất cả như tụ lại trong cái “mùi nồng mặn” của quê nhà. Cái mùi nồng mặn, trong tâm tưởng nhà thơ, chính là hồn thơm, hồn thiêng của quê hương. Cách thể hiện nỗi nhớ này thật giản dị và cũng thật sâu sắc.

Xem các câu khác trong bài

Các bài soạn khác

Giải các môn học khác

Bình luận