Viết bài tập làm văn số 7 – Nghị luận văn học

3. Viết bài tập làm văn số 7 – Nghị luận văn học

Đề bài tham khảo

Đề 1: Lấy nhan đề "Tình đời trong chiếc lá", em hãy viết bài nêu suy nghĩ của mình về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri.

Đề 2: Vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Mây và sóng của Ta – go.

Đề 3: Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ cùng tên của Bằng Việt.

Cách làm cho bạn:

Đề 3: Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ cùng tên của Bằng Việt.       

         Tuổi thơ của mỗi người dù có qua thì vẫn sẽ luôn để lại trong ta những dư âm khó phai mờ. Với nhà thơ Xuân Quỳnh, cái dư âm ấy là “Tiếng gà trưa”, với tác giả Tế Hanh, dư âm ấy lại là dòng sông quê êm ả. Còn đối với nhà thơ Bằng Việt, lắng đọng sâu xa trong tâm khảm của ông chính là hình ảnh bếp lửa đơn sơ mà thân thuộc, gắn liền với những kỉ niệm xúc động về người bà yêu dấu. Từ hình ảnh khó quên ấy của tuổi thơ, Bằng Việt đã viết nên bài thơ “Bếp lửa” đầy xúc động.

        Hình ảnh bếp lửa đã khơi nguồn cho dòng hồi tưởng, cảm xúc về bà của tác giả:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

       Tác giả nói “một bếp lửa” là nhắc đến một điều rất riêng tư đã khắc sâu một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong kí ức của mình. Bếp lửa là một hình ảnh rất thân thuộc, gần gũi với mỗi gia đình Việt. Ba tiếng “một bếp lửa” được nhắc lại hai lần, trở thành điệp khúc mở đầu bài thơ với giọng điệu sâu lắng, như gợi lên dòng cảm xúc nghẹn ngào đang trào dâng trong lòng tác giả. Hình ảnh “Bếp lửa chờn vờn sương sớm” gợi tả một bếp lửa có thật, được cảm nhận bằng thị giác, ẩn hiện trong làn sương sớm mờ ảo. Đó là một hình ảnh rất thực và đẹp, một vẻ đẹp lung linh nhưng vẫn rất gần gũi. “Bếp lửa ấp iu nồng đượm” gợi lên sự thân thương, ấp ủ. Từ láy “ấp iu” gợi bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người nhóm lửa, lại rất chính xác với công việc nhóm bếp cụ thể. Hình ảnh bếp lửa đã đánh thức rất tự nhiên dòng hồi tưởng của cháu về bà: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Tình thương tràn đầy của cháu đã được bộc lộ một cách trực tiếp và giản dị. Cụm từ “biết mấy nắng mưa” gợi lên cuộc sống lam lũ, vất vả, cực nhọc của người bà. Đọng lại trong lòng người đọc chính là chữ “thương” đầy sự thấu hiểu và biết ơn của người cháu. Ba câu thơ mở đầu đã diễn tả cảm xúc đang dâng lên cùng với những kí ức, hồi tưởng của tác giả về bếp lửa, về bà, là sự khái quát tình cảm của người cháu với cuộc đời lam lũ của người bà.

         Hình ảnh bếp lửa luôn gắn liền với hình ảnh người bà cùng những kỉ niệm khó phai của tuổi thơ tác giả. Những kí ức tuổi thơ ùa về trong tâm trí, nhà thơ Bằng Việt như thấy lại cả một khoảng trời thơ ấu bên cạnh bà với một cuộc sống có nhiều gian khổ, thiếu thốn nhọc nhằn nhưng chứa chan tình bà cháu:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.

       Lẽ thường, vui thì người ta cũng nhớ, nhưng những kỉ niệm buồn thường sâu đậm hơn nhiều. Tuổi thơ ấy có bóng đen ghê rợn, đau buồn của nạn đói năm 1945. Đó là năm "đói mòn đói mỏi", "bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy". Cụm từ “đói mòn đói mỏi” đã diễn tả chân thật những cực khổ của hai bà cháu trong thời kì tăm tối của dân tộc ấy. Đứa trẻ đã sớm có ý thức tự lập và phải sống trong sự cưu mang của người bà. Giọng thơ lúc này như trầm xuống, nao nao lòng người. Những kí ức ấy đã in dấu sâu đậm trong lòng nhà thơ để bây giờ nghĩ lại “sống mũi còn cay”.

         Tiếp theo là những kỉ niệm suốt tám năm cháu ở cùng bà. Vẫn là hình ảnh bếp lửa thân thuộc ấy gắn liền với hình ảnh người bà và theo suốt tuổi thơ:

 Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Tu hú kêu bà con nhớ không bà?

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

 Mẹ cùng cha công tác bận không về

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

        Những hình ảnh của quá khứ hiện về thật sống động, tất cả như đang diễn ra ngay trước mắt người cháu. Khi nhớ về những kỉ niệm, dòng hổi tưởng của tác giả gắn với âm thanh của tiếng chim tu hú – âm thanh quen thuộc của chốn đồng quê mỗi dịp hè về. Nó cứ vang vọng trong lời thơ và cuộn trào lên trong lòng người xa xứ. “Tám năm ròng cháu sống cùng bà” – tám năm cháu nhận được sự yêu thương, che chở, dưỡng nuôi tâm hồn từ tấm lòng của bà. Tám năm ấy, cháu sống cùng bà vất vả, khó khăn nhưng đầy tình yêu thương. Các từ ngữ “bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm” diễn tả một cách sâu sắc và thấm thía tấm lòng đôn hậu, yêu thương của người bà với đứa cháu nhỏ. Bà hiện lên như một bà tiên trong truyện cổ tích. Bà đã nuôi dưỡng cả thể xác và tâm hồn của cháu.

        Dòng hồi tưởng vẫn tiếp tục trôi chảy đến những kỉ niệm về những năm kháng chiến, khi giặc đốt làng “cháy tàn cháy rụi”

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh”

      Trong hoàn cảnh ấy, hình ảnh người bà hiện lên lại càng sáng rõ những phẩm chất cao quý, trở thành hậu phương vững chắc để người công tác xa được yên lòng:

Mày có viết thư chớ kể này kể nọ

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên

      Bà không chỉ là chỗ dựa cho đứa cháu thơ, là điểm tựa cho các con đang chiến đấu mà còn là hậu phương vững chắc cho cả tiền tuyến, góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến chung của dân tộc. Tình cảm bà cháu hòa quyện trong tình yêu quê hương, Tổ quốc.

      Trong suốt hành trình của tuổi thơ, những kỉ niệm về người bà luôn gắn liền với hình ảnh bếp lửa. Bếp lửa gắn với cái “đói mòn đói mỏi”, với cuộc sống khó khăn của hai bà cháu, gắn liền với tình yêu thương cao cả của bà. Và từ đây, bếp lửa đã trở thành một biểu tượng:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

       Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể ở câu trên, tác giả chuyển thành hình ảnh ngọn lửa trong lòng bà. “Ngọn lửa” ấy mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu tượng cho sức sống, cho tình thương, cho niềm tin của bà trong cuộc sống của hai bà cháu, của gia đình và của cả dân tộc. “Ngọn lửa” là biểu tượng của sự sống muôn đời bất diệt, không chỉ riêng bà mà còn của cả toàn dân tộc ta. Từ hình ảnh bếp lửa cụ thể, bài thơ đã gợi đến ngọn lửa với ý nghĩa trừu tượng, khái quát. Bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.

        Từ những hồi tưởng về kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà, người cháu đã suy ngẫm về bà, về hình ảnh bếp lửa:

                                                  Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

                                                  Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

                                                  Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

                                                  Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

                                                  Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi

                                                  Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

                                                  Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.

        Cả cuộc đời bà đã giành để hy sinh cho con, cho cháu “mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ”. Và hình ảnh nhọc nhằn, vất vả ấy của bà vân luôn gắn liền với hình ranh bếp lửa. Điệp ngữ “nhóm” được nhắc lại bốn lần với những ý nghĩa phong phú, gợi nhiều liên tưởng. Bà nhóm “niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi” dạy cho cháu tình yêu xóm làng, yêu mảnh đất quê hương nghèo khổ. Bà nhóm “nồi xôi gạo mới sẻ chung” vui dạy cho cháu biết yêu thương, san sẻ với mọi người. Cuối cùng bà “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” để giáo dục, thức tỉnh, truyền cho cháu niềm tin và mơ ước để mai sau khôn lớn nên người. Ở đây, người bà không chỉ là biểu tượng của người “nhóm lửa”, “giữ lửa” mà còn là biểu tượng cho thế hệ cha anh “truyền lửa” – ngọn lửa của sự sống, lòng lạc quan, yêu đời, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.  Trong tâm trí nhà thơ, bếp lửa và bà là những gì tuy thật bình dị, song ẩn giấu điều cao quý thiêng liêng. Cảm xúc dâng trào, tác giả đã phải thốt lên: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”. Từ ngọn lửa của bà, cháu nhận ra một niềm tin dai dẳng, cháu hiểu được linh hồn của cả một dân tộc gian lao nhưng tình nghĩa. Hình ảnh bà và hình ảnh bếp lửa sáng đẹp lung linh trong tâm hồn nhà thơ.

       Từ những suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa, bài thơ khép lai bằng những dòng tự bạch của người cháu đi xa khi đã trưởng thành:

Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,                                                                          

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,                                                    

Nhưng vẫn chẳng bao giờ quên nhắc nhở:                                                    

- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa ?

      Khoảng cách về không gian, thời gian và cả khoảng cách về sự văn minh, hiện địa cũng chẳng thể khiến người cháu lãng quên đi ánh sáng và hơi ấm từ bếp lửa cùng tình thương của bà. Cháu sẽ không bao giờ quên và chẳng thể nào quên được vì đó chính là nguồn cội, là nơi mà tuổi thơ của cháu được nuôi dưỡng để lớn lên từ đó. Đó là đạo lí thủy chung, tình nghĩa mà người Việt Nam được nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ.

       Trong hành trình cuộc đời của mỗi con người có những ngày tháng, những kỷ niệm và những con người không thể nào quên được. Hình ảnh bếp lửa “ấp iu nồng đượm” cùng tình thương sâu sắc của bà chính là những cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của nhà thơ. Hình ảnh bếp lửa ấy sẽ luôn khắc khoải, luôn cháy mãi không chỉ trong lòng tác giả, trong lòng người đọc và còn trong cả những trang thơ của văn học Việt Nam.

 

Xem các câu khác trong bài

Các bài soạn khác

Giải các môn học khác

Bình luận