Danh mục bài soạn

1. Tuyển tập những bài văn tả người hay nhất

2. Tuyển tập những bài văn tả người hay nhất

3. Tuyển tập bài văn mẫu tả con vật

4. Tuyển tập bài văn mẫu tả cây cối

5. Tuyển tập bài văn mẫu kể chuyện 

6. Tuyển tập bài văn mẫu tả đồ vật

Văn Mẫu Lớp 5: Em hãy giải thích câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách

Đề bài: Em hãy giải thích câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách. Theo đó, hocthoi gửi đến các bạn 3 dàn ý + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: giải thích câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách

Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu về câu tục ngữ

2. Thân bài:

  • Nội dung như một bài học về đạo lí làm người, đồng thời phản ánh mối quan hệ tình cảm trong xã hội 
    •  Nếu lá bị rách, người ta sẽ lấy một tấm lá khác lành lặn bọc lại bên ngoài cho thêm chắc chắn.
  • Về mặt nghĩa bóng: Hình ảnh “lá lành”, "lá rách” tượng trưng cho con người trong hoàn cảnh khác nhau.
    • "Lá lành” chỉ con người lúc yên ổn, thuận lợi
    • “Lá rách” chỉ con người lúc khó khăn, sa cơ lỡ vận.
    • Câu tục ngữ ngụ ý khuyên chúng ta nên biết chia sẻ, giúp đỡ, thông cảm, người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quấn, gieo neo
  • Câu tục ngữ trên đã biểu hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp, đậm đà của nhân dân ta từ xưa trong xã hội.
    • Trong đời sống xã hội, hoàn cảnh con người dễ thay đổi bất thường khi thành công, khi thất bại.
    • Có cái tính ấy, thì xã hội mới tránh được mầm mống chia rẽ, xung đột, xây dựng được tình đoàn kết
    • Thờ ơ trước nỗi đau bất hạnh của kẻ khác là một thói xấu,một thái độ ích kỉ, vô lương tâm.
  • Trong đời sống hiện nay, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau phải được nâng lên thành ý thức tự giác
    • Câu tục ngữ  khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lí làm người của dân tộc ta.
    • Chính nhờ sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, nhân dân ta bảo vệ được nền độc lập

3. Kết bài: Suy nghĩ về câu tục ngữ

Bài viết:

Thực tế lịch sử đã cho thấy trong bốn ngàn năm sống còn trên dải đất bên bờ biển Đông đầy sóng gió này, dân tộc Việt Nam chúng ta đã từng gánh chịu biết bao là thiên tai, dịch họa vô cùng ác liệt. Phép lạ nào đã giúp tổ tiên chúng ta vượt qua được mọi khó khăn, điêu đứng ấy để đứng vững cùng bè bạn năm châu? Phải chăng là ở sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau? Phải chăng là nhờ nhân dân ta đã thực hiện đúng như câu tục ngữ mà từ bao đời nay cha ông ta đã truyền đời: "Lá lành đùm lá rách”?

Nội dung chứa đựng trong câu ấy có thể xem như một bài học về đạo lí làm người, đồng thời phản ánh mối quan hệ tình cảm đậm đà trong xã hội ta ngày trước. Đọc câu tục ngữ ấy lên, chúng ta hình dung được ngay một hiện tượng rất bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân ta. Đó là dùng lá cây-lá chuối chẳng hạn-để gói hàng. Nếu lá bị rách, người ta sẽ lấy một tấm lá khác lành lặn bọc lại bên ngoài cho thêm chắc chắn.

Đó là nghĩa đen,nghĩa thực của câu tục ngữ. Thế nhưng về mặt nghĩa bóng thì sao? Hình ảnh “lá lành”, "lá rách” ở đây tượng trưng cho con người trong những hoàn cảnh riêng khác nhau. "Lá lành” chỉ con người lúc yên ổn, thuận lợi, cuộc sống xuôi chèo mát mái. Trái lại “lá rách” chỉ con người lúc khó khăn, sa cơ lỡ vận. Bằng lối nói tượng trưng,dùng hình ảnh cụ thể và giản dị ấy, câu tục ngữ ngụ ý khuyên chúng ta nên biết chia sẻ, giúp đỡ, thông cảm, xót thương những người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quấn, gieo neo.

Với nội dung vừa nói, câu tục ngữ trên đã biểu hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp, đậm đà của nhân dân ta từ xưa trong xã hội. Thật vậy, đoàn kết tương thân tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngoài câu tục ngữ trên, người xưa còn truyền đời các câu :

“Chị ngã em nâng”.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

“Bầu ơi ! thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…

Các câu trên đều khuyên nhủ ta hễ là đồng bào thì nên đoàn kết, hợp tác, chặt chẽ với nhau trong tinh thần tương thân tương ái, không nên thờ ơ, ngoảnh mặt,quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác mà trái lại phải luôn luôn quan tâm giúp đỡ, đùm bọc, chở che người khó khăn, thất thế. Những người giàu có nên thương yêu giúp đỡ cho những người nghèo khổ nhất là trong những khi họ gặp hoạn nạn tai ương như lụt lội, cháy nhà, bệnh tật…Những người có địa vị cao, trách nhiệm lớn nên tạo điều kiện, giúp đỡ quần chúng được sống một đời no ấm hạnh phúc. Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy:

“Thấy ai đói rách thì thương

Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”.

Trong đời sống xã hội, hoàn cảnh con người dễ thay đổi bất thường khi thành công, khi thất bại. Có cái tính thương người như thể thương thân ấy, thì cuộc sống xã hội mới tránh được mầm mống chia rẽ, xung đột, xây dựng được tình đoàn kết, tương thân, tương ái. Điều đó đủ cho thấy lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo chính là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần phải có để lấy đó làm nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng ,thân ái. Cũng phải thấy rằng thờ ơ trước nỗi đau bất hạnh của kẻ khác là một thói xấu,một thái độ ích kỉ, vô lương tâm. Trong đời sống còn nhiều khó khăn của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, hơn lúc nào hết, lòng nhân ái, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau ấy phải được nâng lên thành ý thức tự giác ở mỗi con người chúng ta. Câu tục ngữ được truyền tiếp bao đời nay đủ khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lí làm người của dân tộc ta. Chính nhờ sự đoàn kết keo sơn, tinh thần tương thân tương ái đậm đà nên trải qua bao đời Bắc thuộc, Pháp thuộc, và Mĩ thuộc, nhân dân ta vẫn bảo vệ được nền độc lập, bảo vệ được sự sống còn vững mạnh cho đến ngày nay.

Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận định,đánh giá đúng tinh thần của câu tục ngữ này. Lá lành đùm lá rách nghĩa là người khỏe mạnh, bình yên phải giúp đỡ người yếu đuối, khó khăn là một bổn phận cần thiết nhưng phải không được xuất phát từ động cơ cá nhân thấp hèn và cũng không phải là hành động ban ơn trịch thượng kiểu bố thí mà nhất thiết phải bắt nguồn từ lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo mà chúng ta vừa phân tích ở trên. Cả người được giúp đỡ cũng vậy,không nên ỷ lại, hoàn toàn sống nhờ vào tình thương xót của người khác để trở nên thụ động, biếng lười. Họ phải vươn lên xứng đáng để làm nên mối quan hệ bình đẳng thân ái với người khác. Tóm lại,tình yêu thương đùm bọc nhau là một truyền thống đẹp đẽ về đạo lí làm người đã được dân tộc ta giữ vững và phát triển qua nhiều thế hệ, trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, nhất là trong khó khăn, hoạn nạn, dịch họa, thiên tai. Ngày nay, truyền thống ấy cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Mỗi người chúng ta phải có ý thức đoàn kết tương ái, tương thân, tương trợ nhau trong sinh hoạt, học tập và sẵn sàng tích cực tham gia các công tác cứu trợ xã hội. Tuy nhiên, hơnai hết, thanh niên chúng ta cần chống tư tưởng ỷ lại, đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.

BÀI MẪU 2: GIẢI THÍCH CÂU TỤC NGỮ: LÁ LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH

Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu về câu tục ngữ

2. Thân bài:

  • Trong câu nói, người dân đã sử dụng hình ảnh "chiếc lá" để ví von cho cái ý nghĩa sâu thẳm bên trong.

    • Hình ảnh chiếc " lá lành" và "lá rách" giống như con người trong xã hội có kẻ giàu người nghèo

    • Lá rách là chiếc lá dễ bị tổn thương nhất giống như những mảnh đời éo le trong xã hội

  • Câu nói "lá lành đùm lá rách" được lấy từ hình ảnh những chiếc lá cứ đan xen vào nhau, không tách rời.

    • Từ "đùm" có nghĩa là đùm bọc, chở che, bảo vệ.

    • Câu nói này ngụ ý, hãy biết cảm thông, giúp đỡ khi có thể với những người có hoàn cảnh éo le hơn mình.

  • Ở Việt Nam chúng ta, có rất nhiều hoạt động được thực hiện trên tinh thần đó. 

  • Hãy biết yêu thương con người, đồng cảm với mọi người. Bởi lẽ có như vậy thì tâm hồn bạn mới được thanh thản.

  • Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" đã được hình thành và truyền đi truyền lại biết bao đời nay.

    • Câu nói giáo dục con người biết cách san sẻ, sẻ chia khó khăn trong cuộc sống.

  • Ngày nay, một số bộ phận người trong xã hội bị chai lỳ cảm xúc và trở nên vô cảm.

    • Thấy những người rơi vào hoàn cảnh éo le thì họ lại cười chê khinh miệt. 

    • Những người như vậy thực sự rất đáng phê phán.

3. Kết bài: Suy nghĩ về câu tục ngữ

Bài viết:

Một trái tim còn đập là trái tim biết yêu thương. Yêu thương con người chính là biểu hiện của chữ "tình" trong cuộc sống. "Tình người là đáng quý". Mọi người sống với nhau là trọng cái "tình", cái "nghĩa". Đó là bản sắc của con người Việt Nam mà ai ai cũng phải thừa nhận. Ngay từ khi còn nhỏ, ta đã được giáo dục về cái lẽ sống ấy. Biết yêu thương con người, biết đồng cảm với những người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh, thiếu thốn hơn mình, biết giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khi có thể dù chỉ nhỏ thôi cũng đủ để họ có một hi vọng lớn vào tương lai. Quả là thật đúng với tinh thần của câu nói: "Lá lành đùm lá rách" của thế hệ đi trước để lại.

Đặc điểm chung của dòng văn học dân gian Việt Nam đó là hình ảnh được sử dụng để miêu tả hết sức bình dị, gần gũi với người dân. Trong câu nói này, người dân, những người lao động đã sử dụng hình ảnh "chiếc lá" để ví von, ẩn dụ cho cái ý nghĩa sâu thẳm bên trong. Thực sự rất thâm thúy! Hình ảnh chiếc " lá lành" và "lá rách" thực sự rất dễ để người nghe liên tưởng, tưởng tượng và thấu hiểu. Lá ở trên cành có cái lành cái rách giống như con người trong xã hội có kẻ giàu người nghèo, có những mảnh đời cơ cực bất hạnh. Lá rách là chiếc lá dễ bị tổn thương nhất trên cây. Chỉ cần một chút gió mạnh mưa giông, chiếc lá ấy cũng có thể rớt xuống lìa cành. Cũng giống như những mảnh đời éo le trong xã hội là những thành phần dễ bị tổn thương nhất. Họ không đủ sức để chống trọi với những sóng gió của cuộc đời. Một chiếc lá ngay từ khi mới mọc chồi đâu muốn trở thành chiếc lá rách yếu ớt. Con người ngay từ khi sinh ra cũng đâu muốn mình trở thành kẻ yếu thế. Nhưng những nhân tố khách quan đã đẩy họ đến bước đường đó. Có thể là họ đã gặp rất nhiều những sóng gió trước đây và không còn đủ sức để chống chọi thêm được nữa. Có thể là ngay từ đầu cuộc sống của họ đã khó khăn nhưng ngày càng khó khăn thêm mà không có lối thoát. Câu nói "lá lành đùm lá rách" được lấy từ hình ảnh những chiếc lá cứ đan xen vào nhau, không tách rời. Cứ tầng tầng lớp lớp lá đan vào nhau che phủ cả một khoảng nắng trên sân. Ít ai có thể thấy được những chiếc lá rách. Từ "đùm" có nghĩa là đùm bọc, chở che, bảo vệ. Câu nói này ngụ ý, hãy biết cảm thông, giúp đỡ khi có thể với những người có hoàn cảnh éo le hơn mình. Bởi cuộc sống là cho đi đâu chỉ nhận về. Người với người sống với nhau là để yêu thương. Hơn ai hết, những người bất hạnh cũng muốn mình có một tương lai tốt đẹp. Không ai muốn mình cứ đắm chìm mãi trong bất hạnh, mệt mỏi, chán trường. Nên nếu có thể hay dang rộng vòng tay giúp đỡ họ. Dù chỉ nhỏ thôi như một lời động viên an ủi cũng có thể làm họ cảm thấy vững tin, hi vọng vào tương lai tươi sáng. Ở Việt Nam chúng ta, có rất nhiều hoạt động được thực hiện trên tinh thần đó. Nhỏ nhất có thể nói đến như hoạt động phát cơm tại các bệnh viện của đội sinh viên tình nguyện. Lớn hơn có thể nói đến những mạnh thường quân chung sức ủng hộ cho những mảnh đời cơ cực, éo le, bị bệnh cần một khoản tiền lớn để chữa trị. Tron khuôn khổ nhà trường có thể kể đến các hoạt động nhỏ như mua tăm ủng hộ, quyên góp áo ấm… Những câu truyện cổ tích ngày xưa mẹ thường hay kể đã rất nhiều lần đề cập đến câu nói này. Chắc hẳn không ai có thể quên những hình ảnh bà tiên giả làm người đi đường nghèo khổ để thử lòng con người và cái kết là người đã giúp đỡ bà sẽ được hạnh phúc trong cuộc sống. Một cốt truyện quen thuộc nhưng ở trong đó là cả một triết lý sâu xa. Đó là cho đi sẽ được nhận về xứng đáng. Có cho thì mới có nhận. Hãy biết yêu thương con người, đồng cảm với mọi người. Bởi lẽ có như vậy thì tâm hồn bạn mới được thanh thản.

Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" đã được hình thành và truyền đi truyền lại biết bao đời nay. Nhưng nó vẫn chưa từng mất đi giá trị cũng như ý nghĩa của nó. Câu nói giáo dục con người biết cách san sẻ, sẻ chia khó khăn trong cuộc sống. Ngày nay, với nhịp độ phát triển kinh tế, dường như họ đã quên mất câu nói này. Bên cạnh những tấm gương, những hành động cũng như nghĩa cử đẹp thì lại là những mảng tối trong cách cư xử của con người. Một số bộ phận người trong xã hội bị chai lỳ cảm xúc và trở nên vô cảm. Thấy những người rơi vào hoàn cảnh éo le thì họ lại cười chê khinh miệt. Không những thế còn có thái độ không tốt với người giúp đỡ họ. Những người như vậy thực sự rất đáng phê phán.

Trong cuộc sống này, luôn có kẻ mạnh người yếu. Những người yếu thế trong xã hội là những người cần được bảo vệ, chở che và cần sự giúp đỡ, cảm thông của mọi người. Hơn ai hết, bạn hãy có một cái nhìn đồng cảm với những mảnh đời kém may mắn trong xã hội này. Và đừng bao giờ dễ dàng thốt ra những lời than vãn về cuộc sống của mình. Bởi lẽ còn rất nhiều người mong muốn có một cuộc sống như bạn. Nên hãy tập vươn lên đừng chùn bước và giúp đỡ mọi người xung quanh nếu có thể nhé.

BÀI MẪU 3: GIẢI THÍCH CÂU TỤC NGỮ: LÁ LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH

Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu về câu tục ngữ

2. Thân bài: 

  • Câu tục ngữ này dễ dàng tạo nên một ấn tượng riêng trong lòng người đọc.

  • Xét về nghĩa đen:

    • "Lá lành đùm lá rách" là  chỉ những lớp lá khi gói luôn là những chiếc lá không lành lặn rồi mới đốn những chiếc lá lành lặn

  • Nhưng dù lớp nghĩa đen nay có là gì đi nữa thì ẩn sâu trong nó vẫn là một lớp nghĩa bóng đẹp đẽ, sâu xa.

    • Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, bao bọc những con người khó khăn hơn

    • Ý nghĩ ấy đã dạy cho ta một bài học về cách làm người, về cách ứng xử trong xã hội, trong cuộc sống này.

  • Mỗi người tự thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình là phải bao bọc, chở che cho những con người bất hạnh hơn.

  • Phải biết thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau để cuộc sống bớt khổ đau, đói nghèo và bất hạnh. 

3. Kết bài: suy nghĩ về câu tục ngữ

Bài viết:

Những câu tục ngữ được xem là "túi khôn" của nhân loại. Sau những câu văn ngắn gọn, có vần điệu, có lớp nghĩa hiển ngôn hiển hiện rõ ràng là lớp nghĩa hàm ẩn sâu xa. Ở đó, nhân dân ta đã thể hiện kinh nghiệm, tư tưởng, quan điểm, hay đơn giản hơn là những điều quan sát được trong thiên nhiên và sự liên tưởng qua việc quan sát đó. Sự kiện ấy đã xuất hiện trong nhiều câu tục ngữ và nổi bật là câu: "Lá lành đùm lá rách".

Với những hình ảnh gần gũi, giản dị, câu tục ngữ này dễ dàng tạo nên một ấn tượng riêng trong lòng người đọc. Ngắn gọn thế nhưng câu tục ngữ lại chứa đựng những ba nghĩa chính. Xét về nghĩa đen có người bảo "Lá lành đùm lá rách" là để chỉ một hiện tượng tự nhiên. Trên cây, những chiếc lá lành lặn, mạnh mẽ bao giờ cũng vươn lên và cũng luôn ỏ phía trên những chiếc lá có đôi chút rách nát, yếu ớt như để che chở, bao học. Tuy đó chỉ là một cái nhìn chủ quan của dân gian xưa về một hiện tượng tự nhiên nhưng nó cũng đã thể hiện tình cảm của họ thời đó. Còn có một cách giải thích khác được lưu truyền. Cách giải thích ấy cho rằng "Lá lành đùm lá rách" là để chỉ những lớp lá khi gói luôn là những chiếc lá không mấy lành lặn rồi mới đốn những chiếc lá lành lặn, đẹp đẽ. Cái cách gói ấy đã có từ muôn đời, đến nay đã thành cái lệ, cái tập tục, cái thói quen của những người làm bánh.

Nhưng dù lớp nghĩa đen nay có là gì đi nữa thì ẩn sâu trong nó vẫn là một lớp nghĩa bóng đẹp đẽ, sâu xa. Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, bao bọc, che chở những con người khó khăn hơn, và cả những chiếc lá rách nát, xấu xí để cuộc sống sẽ như một cái cây tươi tốt, đâm chồi nảy lộc. Những ý nghĩ sâu sắc ấy đã dạy cho chúng tôi một bài học về cách làm người, về cách ứng xử trong xã hội, trong cuộc sống này. Qua đó mỗi người cũng đã tự thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình là phải bao bọc, chở che cho những con người bất hạnh hơn. Nói đúng ra là phải biết thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau để cuộc sống bớt khổ đau, đói nghèo và bất hạnh. Có vậy, mối quan hệ giữa con người trong xã hội mới đúng nghĩa "đồng bào" mà cha ông xưa đã răn dạy.

Những câu tục ngữ luôn như vậy, ngắn gọn mà chứa đựng một bài học sâu sắc. Hi vọng rồi đây, vốn kiến thức của em sẽ ngày một dày hơn lên, có thêm nhiều những câu ca dao, tục ngữ hay như vậy. Chắc chắn em sẽ cố gắng hết mình để nghe lời và thực hiện tốt những gì đã được đúc kết từ mỗi lời dạy đó.

Từ khóa tìm kiếm google:

văn mẫu lớp 5, tuyển tập văn mẫu lớp 5, văn mẫu lớp 5 hay, giải thích câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách lớp 5
chiCN
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Văn Mẫu Lớp 5: Em hãy giải thích câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách . Bài học nằm trong chuyên mục: Tuyển tập văn mẫu lớp 5. Phần trình bày do hanoi tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận