Danh mục bài soạn

Dạng bài nghị luận xã hội

Nghị luận văn học

Dạng bài thuyết minh

Văn Mẫu Lớp 9: Có 3 điều đó là: "thời gian, cơ hội và lời nói... " một khi ta đã đánh mất chúng thì không bao giờ có thể lấy lại được... Hãy viết một bài văn nghị luân về vấn đề trên

Chuyên mục: Văn mẫu lớp 9

Đề bài: Có 3 điều đó là: "thời gian, cơ hội và lời nói... " một khi ta đã đánh mất chúng thì không bao giờ có thể lấy lại được... Hãy viết một bài văn nghị luân về vấn đề trên. Theo đó, Hocthoi gửi đến các bạn 3 dàn bài + 3 bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Nghị luận về " Thời gian - cơ hội và lời nói" -  Đoạn văn 

Dàn bài:

Các ý chính trong bài:

  • Thời gian là vàng, khi đã đi qua không bao giờ trở lại
    • Vì thế phải biết quý trọng và tiết kiệm thời gian,
  • Lời nói thể hiện tri thức, sự hiểu biết, văn hóa và nhân cách của mỗi người. . 
    • Cần phải "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"
  • Cơ hội là hoàn cảnh đem lại điều thuận lợi cho ta niềm vui
    • Cơ hội trong cuộc đời mỗi người không có nhiều, đến rồi đi
  • Cơ hội và thời gian là cặp bài trùng, biết chớp lấy thời gian, nắm lấy cơ hội sẽ thành công

Bài văn:

Trong cuộc sống, con người nhiều khi phải nhỏ những giọt nước mắt cay đắng vì hối hận hay thất bại; có khi cười sung sướng rạng rỡ vì thành công hay hạnh phúc. Đúng như câu nói: "Có ba điều trong cuộc đời mỗi người nếu qua đi sẽ không lấy lại được: thời gian, lời nói và cơ hội".Thời gian là thứ vô hình, có mặt ở khắp nơi trên trái đất, cũng như không tìm thấy ở nơi nào; thời gian vừa bên ngoài, vừa ở trong ý thức. Dân gian có câu " Thời gian là vàng", nhưng vàng thì mua được, còn thời gian thì không.Thời gian chính là sự sống, là cơ hội, là thành công và thắng lợi, là tiền và tri thức. Khi đã đi qua không bao giờ trở lại, vì thế phải biết quý trọng và tiết kiệm thời gian, đừng để sau này phải hối tiếc những năm tháng sống hoài, sống phí, vô tác dụng.

Còn lời nói là âm thanh ngôn ngữ của con người khi giao tiếp. Lời nói thể hiện tri thức, sự hiểu biết, văn hóa và nhân cách của mỗi người. Trong giao tiếp, ứng xử lời nói có thể đem lại hiệu quả cao. Một lời nói nhã nhặn, từ tốn, khiêm nhường thì người nghe dễ tiếp nhận, còn lời nói gắt gỏng, trịnh thượng, kiêu kì, đại ngôn khiến người khó nghe. Dân gian có câu: "Lời nói gói vàng", làm vừa lòng người nghe và cho họ những điều thấm thía"Nói phải củ cải cũng nghe", nhưng những lời nói đau lòng như "giết người không dao", "giết người ba tấc lưỡi". Vì thế cần phải "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".Còn cơ hội là hoàn cảnh đem lại điều thuận lợi cho ta niềm vui, hạnh phúc và thành công. Cơ hội trong cuộc đời mỗi người không có nhiều, đến rồi đi không bao giờ trở lại"Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai".Vì thế, cơ hội và thời gian là cặp bài trùng, biết chớp lấy thời gian, nắm lấy cơ hội sẽ thành công, sẽ đạt được những gì mình mong muốn. Những người trong kinh doanh, sản xuất hay học tập, biết nắm bắt thời gian, cơ hội một cách chính xác sẽ gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp.

Nếu bỏ lỡ thời gian, cơ hội sẽ chẳng bao giờ lấy được. Thậm chí, còn làm tinh thần, tư tưởng người ta tiêu cực, thất vọng. Vì thế, học sinh cần ý thức được đó là ba điều vô cùng quan trọng đối với tuổi trẻ. 

Bài mẫu 2: Nghị luận về " Thời gian - cơ hội và lời nói" - Bài văn chi tiết

Dàn bài:

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần bàn luận

2. Thân bài: 

  • Thời gian đi qua không lấy lại được
    • Thời gian chỉ có một chiều, trôi qua mà không bao giờ trở lại.
    • Con người  không thể nào quay ngược được thời gian. ​
    • Muốn làm bất cứ một công việc nào đó đều cần phải có thời gian.
      • Thời gian là yếu tố quan trọng để con người học tập và làm việc
      • Tất cả mọi người đều bình đẳng trước thời gian.
    • Sử dụng thời gian không hiệu quả là chúng ta đã lãng phí thời gian
      • Chúng ta phải biết quý trọng từng phút, từng giây
      • Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt
  • Lời nói cũng rất quan trọng, đi qua không lấy lại được
    • Lời nói ảnh hưởng rất lớn tới thành công hay thất bại của từng công việc
    • Ăn có nhai, nói có nghĩ; Lời nói không mất tiền mua
      • Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, phải suy nghĩ thật kĩ khi nói
      • Chúng ta phải biết chọn lời nói thích hợp và dễ chấp nhận
    • Mọi người phải biết tôn trọng nhau trong khi giao tiếp
    • Kẻ nói phải có người nghe, không nên tranh giành quyền nói về mình
    • Bên cạnh những lời hay, lời đẹp còn có những lời thô kệch, vụng về
  • Cơ hội là hoàn cảnh thuận tiện để làm việc mong ước.
    • Cơ hội có thể do hoàn cảnh khách quan tự nhiên mang đến
    • Trong cuộc sống, cơ hội như mong muốn không nhiều.
      • Con người phải biết phát hiện cơ hội, nuôi dưỡng và chiếm lĩnh cơ hội 
      • Mất cơ hội này, chúng ta hãy chủ động tìm kiếm cơ hội khác
  • Thời gian, lời nói, cơ hội là ba yếu tố quan trọng tới thành công hay thất bại của đời người.

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ về thời gian - lời nói - cơ hội

Bài văn:

Cuộc đời là một chuỗi dài kinh nghiệm con người đúc kết được từ những thành công và thất bại mà bản thân đã trải qua. Cuộc sống vốn đa dạng và phức tạp. Con người là chủ thể của cuộc sống nên phải có sự lựa chọn khôn ngoan để tìm ra cách ứng xử và hoạt động hiệu quả nhất. Có ý kiến cho rằng: Có ba điều trong cuộc đời mỗi người nếu đi qua sẽ không lấy lai được: thời gian, lời nói và cơ hội.

Tại sao thời gian đi qua không lấy lại được? Thời gian là một khái niệm trừu tượng, vô hình. Thời gian chỉ có một chiều, trôi qua mà không bao giờ trở lại. Theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên, các mùa xuân, hạ, thu, đông trong một năm lần lượt trôi qua để rồi sang năm sẽ quay trở lại. Còn con người dù muốn cũng không thể nào quay ngược được thời gian. 

Thời gian gắn liền với từng con người cụ thể. Đời người trải qua tuổi ấu thơ, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên, trung niên và tuổi già. Mỗi độ tuổi đều có những đặc điểm riêng, nét đẹp riêng. Tuổi ấu thơ và thiếu niên là quãng đời trong sáng nhất, gắn liền với bao kỉ niệm êm đềm, sâu sắc về gia đình, cha mẹ, anh em, bè bạn, về dòng sông, bến nước, lũy tre thân thuộc của làng xóm, quê hương…Tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất của đời người. Nó chứa đựng bao khát khao, ước mơ, hi vọng. Tuổi trẻ là mùa xuân của đời người bởi tuổi trẻ sung sức, tràn đầy nhiệt huyết, có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện lí tưởng, hoài bão, để tự khẳng định mình. Tuổi trung niên và tuổi già là tuổi chín chắn, từng trải bởi đã vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc đời.

Theo quy luật của tự nhiên, con người sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết. Không thể nào đảo ngược được quy luật ấy. Những gì đã qua chỉ còn là kỉ niệm trọng quá khứ. Theo quy luật của tự nhiên, con người sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết. Không thể nào đảo ngược được quy luật ấy. Khi tóc đã điểm sương, ta muốn được sống lại những ngày thơ ấu, nhưng điều đó không thể nào trở thành hiện thực, cho dù có đánh đổi bằng bao nhiêu tiền bạc đi chăng nữa.

Trong đời sống hằng ngày, muốn làm bất cứ một công việc nào đó, chúng ta đều cần phải có thời gian. Vì vậy, thời gian là yếu tố quan trọng không thể thiếu để con người học tập và làm việc, tạo ra những của cải vật chất tinh thần cho xã hội. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước thời gian. Mỗi người đều có 24 giờ một ngày như nhau, không ai hơn ai. Người ta chỉ hơn nhau ở chỗ sử dụng 24 giờ đó ra sao. Về khía cạnh nào đó, chúng ta có thể nói rằng: “Bản lĩnh của mỗi người thể hiện ở cách thức sử dụng 24 tiếng đồng hồ trong ngày”. Hiểu rộng ra là cách thức sử dụng thời gian có ích hay vô ích.

Nếu sử dụng thời gian để làm một công việc nào đó mà không mang lại kết quả theo ý muốn thì đương nhiên là chúng ta phải làm lại từ đầu. Như vậy là chúng ta đã lãng phí thời gian, đánh mất thời gian, đồng nghĩa với đánh mất một phần cuộc đời mình. Trong quá trình học tập, nếu chúng ta không chăm chỉ, cố gắng học hành cho tốt thì liệu khi bước vào đời, chúng ta có đủ năng lực để nuôi sống bản thân và làm tròn nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội hay không? Lúc bấy giờ, nếu có ân hận, muốn học hành nghiêm túc lại từ đầu thì cũng đã muộn bởi không dễ dàng gì.

Đó cũng là câu hỏi lớn đặt ra cho cả đời người; do đó chúng ta phải biết quý trọng từng phút, từng giây mình đang sống. Sử dụng thời gian để học tập tốt, lao động tốt, chúng ta sẽ góp phần xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thật sung sướng và hạnh phúc khi thấy mình hữu ích cho đời!

Cùng với thời gian, lời nói cũng là một điều rất quan trọng. Tại sao lời nói đi qua không lấy lại được? Trước hết, chúng ta phải hiểu lời nói là gì? Từ điển Tiếng Việt giải thích: Lời nói là những gì con người nói trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Trong đời sống hằng ngày, con người thường xuyên phải dung lời nói làm phương tiện giao tiếp. Lời nói ảnh hưởng rất lớn tới thành công hay thất bại của từng công việc cụ thể, dù nhỏ hay lớn. Vì vậy, từ ngày xưa, ông cha chúng ta đã có những câu tục ngữ, ca dao như những lời khuyên nhủ thiết thực: Ăn có nhai, nói có nghĩ; Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau… Khi giao tiếp, nếu chúng ta biết lựa chọn lời nói cho thích hợp với đối tượng, nội dung và hoàn cảnh (người ta gọi là tính mục đích trong giao tiếp) thì sẽ công việc sẽ thuận lợi hơn, kết quả sẽ tốt hơn.

Người xưa có câu: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, nghĩa là phải suy nghĩ thật kĩ trước khi nói, đặc biệt là trong những cuộc giao tiếp quan trọng vì một lời nói ra không thể thu lại được, bởi nó đã kịp thời gây ấn tượng tốt hoặc xấu vào tâm thức người nghe. Nhất ngôn kỉ xuất, tứ mã nan truy là vậy. Nói đi thì dễ, nói lại thì khó. Khi nóng giận, mất bình tĩnh, không kiềm chế nổi bản thân, chúng ta thường hay nói những lời xúc phạm đến lòng tự ái, tự trọng của người khác. Sẩy chân gượng được, sẩy miệng không gượng được. Lỡ lời cũng giống như bát nước đã hắt xuống đất, không làm sao lấy lại. Như thế, phần thua thiệt không chỉ là thuộc về người nói mà còn ảnh hưởng đến cả người nghe.

Vì vậy, chúng ta phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi nói, nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Kĩ năng lựa lời không phải tự nhiên có mà là cả một quá trình rèn luyện lâu dài. Chúng ta phải biết chọn lời nói thích hợp, đúng lúc và dễ chấp nhận, dễ tiếp thu. Có như vậy thì mới đạt được mục đích và hiệu quả giao tiếp, tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới thành công.

Mọi người phải biết tôn trọng nhau trong khi giao tiếp, nên có thái độ đối thoại, tránh đối đầu. Kẻ nói phải có người nghe, không nên tranh giành quyền nói về mình, thô bạo cắt ngang lời người khác, không nên áp đặt ý kiến chủ quan, bắt buộc người khác phải nghe theo.
Bình thường, ai cũng có thể nói lên điều mình muốn nói. Tuy nhiên, bên cạnh những lời hay, lời đẹp còn có những lời thô kệch, vụng về, làm mất lòng người nghe. Qua lời nói, ta có thể đánh giá về trình độ hiểu biết, trình độ văn hóa, văn minh của người nói… Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe; Người thanh tiếng nói cũng thanh, chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu.;. Đó là nhận xét vô cùng tinh tế, chính xác của người xưa.

Một yếu tố quan trọng nữa có ảnh hưởng không nhỏ tới thành công hay thất bại trong cuộc đời của mỗi con người, đó là cơ hội. Vậy cơ hội là gì ? Từ điển Tiếng Việt giải thích: Cơ hội là hoàn cảnh thuận tiện gặp được để làm việc gì thường mong ước. Cơ hội đồng nghĩa với thời cơ, dịp may.

Cơ hội có thể do hoàn cảnh khách quan tự nhiên mang đến (dịp may hiếm có) hoặc do điều kiện chủ quan là con người tạo nên dựa trên ý tưởng, năng lực của bản thân. Đối với loại cơ hội thứ hai, con người phải chủ động định hướng ý tưởng, tính,toán thời gian và các bước thực hiện, khi thời cơ đến phải quyết đoán hành động thì mới thành công.

Trong cuộc sống, cơ hội như mong muốn không nhiều. Cơ hội là sự chín muồi xuất hiện trong quá trình hoạt động mà con người cần nắm vững để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu cơ hội đến bất ngờ mà chúng ta không kịp thời nắm bắt thì tức là chúng ta đã để vuột mất thời cơ thuận lợi, có khi làm thay đổi cả số phận. Tuy nhiên, không phải một cơ hội như thế qua đi thì mọi cánh cửa cuộc đời đã đóng sập lại trước mắt chúng ta. Cơ hội có ở mọi nơi, mọi công việc. Con người phải biết phát hiện cơ hội, nuôi dưỡng cơ hội và chiếm lĩnh cơ hội một cách thông minh nhất, kịp thời nhất. Trong những thời điểm cơ hội xuất hiện, con người sẽ giành được thắng lợi nếu biết tự tin, quyết đoán, huy động tất cả các yếu tố khác hỗ trợ cho cơ hội phát triển, thăng hoa. Nếu không, cơ hội sẽ qua đi trong sự nuối tiếc.

Mỗi người đều có thể tạo ra và giành lấy cơ hội dựa trên ý tưởng và năng lực của bản thân. Điều này thể hiện bản lĩnh, ý chí và cá tính của từng người. Mất cơ hội này, chúng ta hãy chủ động tìm kiếm, tạo dựng cơ hội khác để biến ước mơ thành hiện thực và thể hiện khả năng, phẩm chất của mình. Hãy tin rằng phía trước chúng ta còn rất nhiều cơ hội khác nhau. Một con chim khôn là con chim biết chọn thời điểm để hót. Một người khôn ngoan là người biết tạo thời cơ, cơ hội để thể hiện, khẳng định phẩm chất và bản lĩnh của mình, từ đó tạo dựng thành công và vinh quang trong sự nghiệp.

Ước mơ vào Đại học là ước mơ chính đáng của tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng dễ dàng thực hiện được ước mơ đó. Đại học là một cánh cửa hẹp mà lại có tới hàng trăm ngàn đôi chân cùng chen vào đó. Nếu không thi đỗ Đại học, các bạn chớ vội nản lòng. Cánh cửa này đóng lại, ta sẽ mở ra những cánh cửa khác như học nghề, thi vào Trung học, Cao đẳng rồi từ từ học lên Đại học. Chúng ta sẽ nhìn thấy bầu trời cao xanh lồng lộng.

Thực tế cho thấy không ít người đã tự tạo ra cơ hội cho mình. Những doanh nhân trẻ nổi tiếng thành đạt đã vượt qua bao khó khăn, thử thách nghiệt ngã để xây dựng sự nghiệp Không chỉ với tầm cỡ quốc gia mà còn mở rộng ra phạm vi quốc tế. Những người nông dân – trí thức, công nhân và kĩ sư có mặt khắp nơi đang làm giàu cho bản thân và đất nước. Giá trị của những con người ấy không phải những gì mà họ có được mà là quá trình lao động vất vả, trải bao khó khăn thử thách để tạo ra cái họ có được.

Thời gian, lời nói, cơ hội là ba yếu tố quan trọng liên quan chặt chẽ tới thành công hay thất bại trong quá trình xây dựng sự nghiệp của đời người.

Nếu chúng ta sáng suốt, chủ động sử dụng thời gian vào những việc có ích cho cá nhân và cộng đồng; biết nói lời hay, ý đẹp trong giao tiếp, ứng xử 1 biết kịp thời nắm bắt cơ hội hoặc chủ động tìm kiếm, tạo thời cơ cho bản thân thì khả năng dẫn tới thành công là rất lớn. Tương lai tươi sáng rộng mở trước mắt và chúng ta sẽ thấy cuộc đời thật sự là đáng yêu đáng sống.

Bài mẫu 3: Nghị luận về " Thời gian - cơ hội và lời nói" - Bài văn ngắn 

Dàn bài:

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần bàn luận

2. Thân bài:

  • Thời gian là thứ duy nhất công bằng trong cuộc sống này.
    • Thời gian đã qua đi thì không thể nào lấy lại được.
    • Thời gian là vàng là bạc, hãy để thời gian tuổi trẻ đều quí giá
    • Biết tận dụng mà làm việc, mà cống hiến thì thời gian sẽ có ích.
      • Luôn có người thành công và luôn có người thất bại
      • Đó là bởi cách sử dụng thời gian của họ là không giống nhau. 
  • Nhu cầu giao tiếp với người khác là nhu cầu không thể thiếu
    • Lời nói dễ nghe luôn là một vũ khí lợi hại
    • Những lời phàm phu tục tửu luôn khiến người khác khó chịu.
    • Nên hãy "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
      • Lời nói dễ nghe bao giờ cũng được mọi người ưa chuộng.
      • Một người ăn nói khôn khéo bao giờ cũng có lợi thế để thành công 
    • Một cái đầu lạnh và một trái tim nóng luôn là điều cần thiết.
  • Cơ hội là yếu tố khách quan, đến mà không báo trước.
    • Hãy cố gắng mà nắm bắt ,đừng để cơ hội qua rồi mới thấy hối tiếc.
      • Chúng ta nên sáng suốt để nhận ra cơ hội đến với mình
      • Rèn luyện những điều kiện cần để cơ hội đến với mình.
  • Ba yếu tố: thời gian, lời nói và cơ hội là ba thành tố làm nên thành công của mỗi con người. 

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của bản thân

Bài văn:

Cuộc đời con người là ngắn ngủi. Thật vậy, đã có một bài toán chỉ ra rằng, con người chỉ làm việc trong ba mươi giờ mỗi năm. Mà những ước mơ của con người là không có điểm dừng. Ở mỗi một giai đoạn khác nhau, họ lại nuôi dưỡng một ước mơ mới. Và để đạt được chúng, họ phải cần rất nhiều yếu tố. Có những yếu tố, họ có thể tích lũy, rèn luyện từng ngày như kĩ năng, kinh nghiệm, kiến thức. Nhưng có những yếu tố mà nếu để vụt mất sẽ chẳng bao giờ lấy lại được. Có 3 điều đó là: "thời gian, cơ hội và lời nói... " một khi ta đã đánh mất chúng thì không bao giờ có thể lấy lại được...

Trước hết là thời gian. Ai cũng biết thời gian là thứ duy nhất công bằng trong cuộc sống này. Mỗi người đều có quỹ thời gian như nhau để học tập, làm việc, vui chơi, giải trí.  Thời gian cứ tuần tự trôi đi không đợi một ai. Chính vì thế mà khi thời gian đã qua đi thì không thể nào lấy lại được. Tuổi trẻ đã qua đi thì không thể nào níu kéo. Thời gian trôi là việc của thiên nhiên tạo hóa nhưng vấn đề của con người là sử dụng thời gian sao cho hợp lý đừng để nó bị phí hoài. Thời gian mà phung phí không khác gì ta đang lãng phí một món đồ giá trị. Bởi thời gian là vàng là bạc. Hãy để thời gian tuổi trẻ đều quí giá và có ích từng phút một. Vì tương lai cũng như cuộc sống sau này, hãy biết tận dụng một cách triệt để quỹ thời gian mà tạo hóa ban cho bạn. Nếu một ngày chỉ là ăn rồi ngủ, sống buông thả không điểm dừng thì thời gian chưa bao giờ là đủ. Nhưng biết tận dụng mà làm việc, mà cống hiến thì thời gian sẽ có ích. Bạn nên tự hỏi, thời gian công bằng như vậy nhưng luôn có người thành công và luôn có người thất bại hoặc không bao giờ tiến bộ và phá triển. Đó là bởi cách sử dụng thời gian của họ là không giống nhau. Đừng buông thả, xa đà vào những cuộc vui không lối thoát hay giành quá nhiều thời gian vào những trò giải trí vô bổ. Cuộc sống là phải biết dung hòa giữa làm việc và nghỉ ngơi nhưng không vì thế mà nghỉ ngơi lại chiếm trọn thời gian của công việc và công việc lại chiếm trọn thời gian của nghỉ ngơi. Hãy biết sử dụng hợp lý thời gian để ta vừa có thể tận hưởng cuộc sống mà không làm thời gian trôi đi một cách vô nghĩa. 

Sau đó là lời nói. Chắc hẳn trong cuộc sống, nhu cầu giao tiếp với người khác là nhu cầu không thể thiếu. Giao tiếp không chỉ giúp ta trao dổi thông tin mà còn thể hiện cá tính, tình cảm của người nói. Lời nói dễ nghe luôn là một vũ khí lợi hại để ta có thể tạo lập những mối quan hệ trong cuộc sống. Sống là phải có những mối quan hệ. Vì cuộc sống là hòa nhập với cộng đồng. Ta không thể tự cô lập mình với xã hội được. Cũng nhu ông cha ta xưa thường có câu: "mật ngọt chết ruồi". Tâm lý của con người luôn muốn nghe những lời nói dễ nghe. Những lời phàm phu tục tửu luôn khiến người khác phải phiền lòng hoặc khó chịu. Cũng chỉ vì những lời nói đó mà gây bất hòa, hiềm khích và mâu thuẫn với người khác. Mà một khi đã có những xung đột khuất tất có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Đã rất nhiều vụ giết người xảy ra cũng chỉ vì lời nói tầm thường. Hơn ai hết, con người luôn muốn sống trong hòa bình. Nên hãy "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Lời nói dễ nghe bao giờ cũng được mọi người ưa chuộng. Ngày nay khi giao tiếp đã trở thành một nghệ thuật, người ta càng coi trọng lời nói hơn cả. Kĩ năng giao tiếp cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu trong việc tuyển chọn nhân sự của nhà tuyển dụng. Một người ăn nói khôn khéo bao giờ cũng có lợi thế để thành công hơn người giao tiếp vụng về kém tự tin. Điều quan trọng hơn một khi đã nói ra thì lời nói không thể thu hồi lại. "Lời nói gió bay". Bạn nên cẩn trọng trong lời nói của mình. Hãy dùng trí óc để nói chứ đừng dùng con tim. Một cái đầu lạnh và một trái tim nóng luôn là điều cần thiết. 

Cơ hội là yếu tố cuối cùng trong bộ ba này. Nhưng khác những yếu tố trước, thời gian và lời nói ta có thể chủ động điều chỉnh cũng như chủ động sử dụng nó. Cơ hội là yếu tố khách quan. Nó đến mà không báo trước. Nó như một yếu tố may mắn mà khi gặp được hãy cố gắng mà nắm bắt lấy. Bởi không phải lúc nào cơ hội tốt cũng tới. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra nó để mà tận dụng. Đừng để nó qua rồi mới thấy hối tiếc. Cơ hội nhiều khi là mong manh dễ mất. Nó vụt chốc đến rồi qua đi mà con người chưa cảm nhận được. Chính vì thế mà chúng ta nên sáng suốt để nhận ra cơ hội đến với mình. Một cách khác ta cũng có thể rèn luyện những điều kiện cần để cơ hội có thể đến với mình. Chẳng hạn trong công việc, cơ hội thường đến với những người ưu tú. Vậy thì tại sao bạn không để mình là một người ưu tú. Hãy tạo những điều kiện cơ bản để cơ hội có thể dễ dàng đến với mình. Không phải lúc nào cơ hội cũng đến đúng lúc. Điều duy nhất bạn có thể làm được chỉ là nắm bắt được tốt nhất cơ hội đến với mình. Một khi cơ hội đã trôi đi thì thực sự rất khó để nó quay về. Bởi lẽ, xã hội còn rất nhiều người, và cơ hội không thể ở mãi bên cạnh bạn được. 

Ba yếu tố: thời gian, lời nói và cơ hội thực sự là ba thành tố làm nên thành công của mỗi con người. Nhưng thật đáng để tâm, ba yếu tố này không ở mãi bên cạnh chúng ta, chúng sẽ qua đi, trôi đi lúc nào ta chẳng hay biết. Ngay lúc này, thời gian vẫn không ngừng trôi, lời nói bạn thốt ra cũng theo gió mà bay đi, cơ hội cũng thoáng đến rồi chợt đi với những ai không biết nắm lấy. Cuộc đời là ngắn ngủi, thời gian cho ta cũng ngắn ngủi. Chính vì thế mà hãy biết tận dụng hai yếu tố còn lại để không hối tiếc khi mùa xuân chẳng còn. 

Từ khóa tìm kiếm google:

văn mẫu lớp 9, tuyển tập văn mẫu lớp 9, văn mẫu lớp 9 hay, nghị luận xã hội
chiNL9
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Văn Mẫu Lớp 9: Có 3 điều đó là: "thời gian, cơ hội và lời nói... " một khi ta đã đánh mất chúng thì không bao giờ có thể lấy lại được... Hãy viết một bài văn nghị luân về vấn đề trên . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu lớp 9. Phần trình bày do Khánh Chi tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận