Danh mục bài soạn

Văn mẫu lớp 8: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Chuyên mục: Văn mẫu lớp 8

Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng. Theo đó, hocthoi gửi đến các bạn 3 dàn ý + bài văn mẫu để các bạn có thể tham khảo. Từ đó, giúp các bạn có những bài văn hay nhất cho riêng mình

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu chung

2. Thân bài

* Khái quát hoàn cảnh của Bác trong bài thơ: bị giam cầm trong cảnh tù ngục, thiếu thốn về vật chất và tinh thần,…

* Vẻ đẹp tâm hồn Bác

  • Tâm hồn giàu chất nghệ sĩ, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết:
    • Tình yêu thiên nhiên: yêu cái đẹp luôn thường trực trong trái tim Bác, bởi Bác là nhà thơ, là người nghệ sĩ biết trân trọng và sáng tạo cái đẹp. Vẻ đẹp đêm trăng đã khiến Bác băn khoăn, bối rối
    • Trước vẻ đẹp đêm trăng, tâm hồn Bác đã thăng hoa và trở thành một thi gia giao hòa, giao cảm đặc biệt với trăng
  • Tâm hồn nghệ sĩ với phong thái ung dung tự tại, lạc quan cách mạng và khát khao tự do cháy bỏng.
    • Vượt lên trên mọi gian khổ, giam cầm, tra tấn của nơi lao tù, Bác không hề bi quan, ngược lại vẫn thanh thản, ung dung, tự tại, hướng tới vẻ đẹp vầng trăng.
    • Song sắt nhà tù không giam hãm được khát khao tự do mãnh liệt của Bác, Bác đã vượt ngục tinh thần bằng thơ.

=> Chất thép bản lĩnh người chiến sĩ trong Bác. Đó chính là xuất phát từ lòng yêu nước thương dân sâu nặng.

=> Vẻ đẹp tâm hồn của Bác là sự kết hợp hài hòa giữa con người chiến sĩ và con người thi sĩ.

3. Kết bài: Tổng kết vấn đề

Bài viết

Trăng từ lâu đã trở thành một thứ ánh sáng vô cùng linh lung huyền ảo mà quen thuộc trong thi ca. Dường thi thi sĩ nào cũng yêu thích người bạn trăng của mình mà “phát lời” ra ngôn ngữ những bóng trăng đổ tràn trên trang giấy. Có lẽ cũng xuất phát từ một tâm hồn yêu trăng như thế mà ngay trong cảnh ngục tù tối tăm, Bác vẫn có những vần thơ về trăng thật sinh động, dạt dào.

Bài thơ “Ngắm trăng” được trích trong tập “Nhật kí trong tù”. Tập thơ được viết trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, khi Bác Hồ từ Pác Bó bí mật lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam. Đến thị trấn Túc Vinh, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, bị đày đọa hơn một năm trời mới được thả tự do. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh, vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên vừa chứng minh cho tinh thần lạc quan yêu đời của Bác trong hoàn cảnh tù đày.

Đọc bài thơ, ta không khỏi cảm phục tinh thần và ý chí nghị lực của Bác trong hoàn cảnh khắc nghiệt gian khó. Chốn lao tù ngỡ chỉ có tối tăm và lạnh lẽo, vậy mà tâm hồn Bác vẫn vượt lên trên những thứ đen tối đó để hướng ra ngoài, đến một thế giới tươi đẹp có thiên nhiên bầu bạn. Vẻ đẹp tâm hồn của Bác là vẻ đẹp giàu chất nghệ sĩ, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết:

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ)

Câu thơ mở đầu là sự diễn tả hoàn cảnh mà Bác đang mang, đó là trong ngục, mà trong ngục tối thì “không rượu, không hoa”. Câu thơ hiển nhiên được nói với một ngữ điệu thản nhiên như không. Trong tù, điều kiện không có, đến nước cũng phải thay phiên để uống hay rửa mặt thì làm sao lại có thể có rượu, có hoa. Thế nhưng khi “đối” diện với cảnh đẹp thiên nhiên thì “khó hững hờ”. Có lẽ rằng những thiếu thốn về mặt vật chất trong tù không làm cho tâm trạng trước cảnh đẹp thiên nhiên của người tù giảm đi hay cảnh thiên nhiên đêm ấy đẹp tới mức những thiếu thốn kia bị lu mờ cả? Thiên nhiên tươi sáng mời gọi con người cùng chung vui khiến cho không một tâm hồn nào có thể “hững hờ” với nó đặc biệt, Bác có một tâm hồn thi sĩ vô cùng nhạy cảm lại càng không thể cảm thấy rạo rực hứng cảm trước một cảnh đêm đẹp

Hai câu thơ cuối khép lại bài thơ làm sáng lên phẩm chất của người tù cách mạng: mặc cho hoàn cảnh hiện tại khắc nghiệt gian khổ, Bác vẫn ung dung, tự tại, lạc quan, yêu đời:

“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia.”

(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.)

Bác lặng lẽ ngắm vầng trăng qua song sắt của nhà giam. Bức tường nhà lao chật hẹp không thể ngăn cản tâm hồn lãng mạn của Bác tìm đến với vầng trăng xinh đẹp, gửi theo đó khát vọng tự do. Và như để lại tấm chân tình của Bác, vầng trăng đáp lại bằng cách “khán thi gia” qua khung cửa sổ nhỏ. Trăng và Bác đã thực sự trở thành tri âm tri kỉ. Thi sĩ đã không còn lẻ loi giữa đêm khuya thanh vắng ở chốn lao tù lạnh lẽo. Tâm hồn lãng mạng và phong thái ung dung, tinh thần lạc quan ấy cũng thể hiện chất thép trong thơ Hồ Chí Minh: không bao giờ khuất phục thực tại mà luôn tìm cách vượt lên trên thực tại. Đó là vẻ đẹp của một tâm hồn, một nhân cách lớn vừa có sự tài hoa lãng mạn của thi sĩ, vừa có cái phi thường của người chí sĩ cách mạng.

Vẻ đẹp tâm hồn của Bác dù ở trong hoàn cảnh nào cũng ngời sáng lên những phẩm chất cao cả của một con người vĩ đại. Chính tâm hồn lãng mạn cùng tinh thần lạc quan đã tạo nên sức mạnh giúp Bác vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác, giữ vững niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.

Bài mẫu 2: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Dàn ý

1. Mở bài: 

  •  “Thơ Bác tràn đầy ánh trăng” - câu nói này quả thật không sai. 
  • Trong số đó, bài “Ngắm trăng” là bài thơ tuyệt tác, mang phong vị Đường thi. Bài thơ ghi lại một cảnh ngắm trăng trong nhà tù, qua đó nói lên một tình yêu trăng, yêu thiên nhiên tha thiết của Người 

2. Thân bài:

Hai câu thơ đầu: hoàn cảnh làm sáng ngời vẻ đẹp tâm hồn người thi sĩ:

  • Cảm hứng thơ ca được bắt nguồn từ rượu và hoa nhưng hoàn cảnh lúc này của nhà thơ là trong tù làm sao có rược và hoa để thưởng trăng.
  • Chỉ có nhà thơ và trăng, một người một cảnh ngắm nhau, tạo nên vẻ đẹp nên thơ, hữu tình.

=> Với lòng yêu thiên nhiên tha thiết, với phong thái ung dung, mặc dù không rượu không hoa và cảnh tù ngục khắc nghiệt, người tù vẫn thả hồn tự do, ung dung tận hưởng vẻ đẹp của trăng.

Hai câu thơ cuối: 

  • Nhà thơ vẽ ra trước mắt ta bức tranh về 2 người bạn tri âm đang trò chuyện với nhau: Người tù và Trăng.
  • Mặc dù giữa Bác và trăng có sự ngăn cách bởi bức tường của nhà lao, hiểu theo nghĩa ẩn dụ, đó là sự ngăn cách tàn bạo và lạnh lùng của chế độ áp bức bóc lột với người tù Cách mạng.

=> Tình yêu thiên nhiên đến say đắm và phong thái ung dung của Bác Hồ. Qua song sắt nhà tù, Bác ngắm vầng trăng đẹp. Người tù ngắm trăng với tất cả tình yêu trăng, với một tâm thế “vượt ngục” đích thực? Từ phòng giam tăm tối, Bác hướng tới vầng trăng, nhìn về ánh sáng, tâm hồn thêm thư thái.

3. Kết bài: Cảm nhận:

Bài thơ vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên vừa cho thấy sức mạnh tinh thần to lớn của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Ngắm trăng, thưởng trăng đối với Bác Hồ là một nét đẹp của tâm hồn rất yêu đời và khát khao tự do. Tự do cho con người. Tự do để tận hưởng mọi vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương xứ sở. Bài thơ thật là một kiệt tác vĩ đại của bậc vĩ nhân.

Bài viết

“Thơ Bác tràn đầy ánh trăng” - câu nói này quả thật không sai. Bác đã ngắm trăng và viết nhiều bài thơ trăng. Bác có biết bao vần thơ đặc sắc nói về trăng và niềm vui ngắm trăng, túi thơ của Bác tràn ánh trăng: "trăng lồng cổ thụ", “Trăng vào cửa sổ đòi thơ”, “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Trăng xuất hiện nhiều trong thơ Bác vì Bác là một nhà thơ giàu tình yêu thiên nhiên, vì Bác là một chiến sĩ giàu tình yêu đất nước quê hương. Bác đã tô điểm cho nền thi ca dân tộc với những bài thơ trăng của mình. Trong số đó, bài “Ngắm trăng” là bài thơ tuyệt tác, mang phong vị Đường thi. Bài thơ ghi lại một cảnh ngắm trăng trong nhà tù, qua đó nói lên một tình yêu trăng, yêu thiên nhiên tha thiết của Người : 

Trong tù không rượu cũng không hoa, 

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ; 

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, 

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. 

Hai câu thơ đầu ẩn chứa một nụ cười thoáng hiện. Cảm hứng thơ ca được bắt nguồn từ rượu và hoa. Thi nhân gặp cảnh trăng đẹp, thường ngồi thưởng thức rượu và hoa. Nhưng nhà thơ ở trong tù làm sao có rược và hoa để thưởng trăng. Chỉ có nhà thơ và trăng, một người một cảnh ngắm nhau, tạo nên vẻ đẹp nên thơ, hữu tình. Với lòng yêu thiên nhiên tha thiết, với phong thái ung dung, mặc dù không rượu không hoa và cảnh tù ngục khắc nghiệt, người tù vẫn thả hồn tự do, ung dung tận hưởng vẻ đẹp của trăng. Đang sống trong nghịch cảnh, và đó cũng là sự thật “Trong tù không rượu cũng không hoa” thế mà Bác vẫn thấy lòng mình bối rối, vô cùng xúc động trước vầng tăng xuất hiện trước cửa ngục đêm nay. Người vẫn có sự rung động mãnh liệt trước đêm trăng. Đêm trăng đẹp như vậy, với Bác thật là "khó hững hờ". Một niềm vui chợt đến cho thi nhân bao cảm xúc, bồi hồi. Đêm nay trong tù, Bác thiếu hẳn rượu và hoa, nhưng tâm hồn Bác vẫn dạt dào trước vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên. Câu thơ bình dị mà dồi dào cảm xúc. Bác vừa băn khoăn, vừa bối rối trước trăng, một cảm xúc rạo rực xao xuyến.

Sang 2 câu thơ tiếp theo, nhà thơ vẽ ra trước mắt ta bức tranh về 2 người bạn tri âm đang trò chuyện với nhau: Người tù và Trăng. Mặc dù giữa Bác và trăng có sự ngăn cách bởi bức tường của nhà lao, hiểu theo nghĩa ẩn dụ, đó là sự ngăn cách tàn bạo và lạnh lùng của chế độ áp bức bóc lột với người tù Cách mạng. Nhưng cũng nhờ đó, cho thấy tình yêu thiên nhiên đến say đắm và phong thái ung dung của Bác Hồ. Qua song sắt nhà tù, Bác ngắm vầng trăng đẹp. Người tù ngắm trăng với tất cả tình yêu trăng, với một tâm thế “vượt ngục” đích thực? Từ phòng giam tăm tối, Bác hướng tới vầng trăng, nhìn về ánh sáng, tâm hồn thêm thư thái.

Song sắt nhà tù tỉnh Quảng Tây không thể nào ngăn cách được người tù và vầng trăng! Người tù là một thi nhân, một chiến sĩ vĩ đại tuy “thân thể ở trong lao” nhưng “tinh thần ở ngoài lao”. Bác yêu trăng và đối điện đàm tâm với trăng. Khoảnh khắc giao cảm giữa thiên nhiên và con người xuất hiện một sự hóa thân kỳ diệu: “Tù nhân” đã biến thành thi gia. Lời thơ đẹp đầy ý vị. Nó biểu hiện một tư thế ngắm trăng hiếm thấy. Tư thế ấy chính là phong thái ung dung, tự tại, lạc quan yêu đời, yêu tự do.Trong gian khổ tù đầy, tâm hồn Bác vẫn có những giây phút thảnh thơi, tự do ngắm trăng, thưởng trăng. Song sắt nhà tù không thể nào giam hãm được tinh thần người tù có bản lĩnh phi thường như Bác: Bác yêu thiên nhiên, giao hòa với thiên nhiên, ở Bác là kết tinh của tâm hồn chiến sĩ và thi sĩ. 

Ngắm trăng là một bài thơ trữ tình đặc sắc. Bài thơ không hề có một chữ “thép” nào mà vẫn sáng ngời chất “thép”. Bài thơ vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên vừa cho thấy sức mạnh tinh thần to lớn của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Ngắm trăng, thưởng trăng đối với Bác Hồ là một nét đẹp của tâm hồn rất yêu đời và khát khao tự do. Tự do cho con người. Tự do để tận hưởng mọi vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương xứ sở. Bài thơ thật là một kiệt tác vĩ đại của bậc vĩ nhân.

Bài mẫu 3: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu về tác phẩm, tác giả: Hồ Chí Minh là một người rất mực yêu thiên nhiên, khao khát hòa hợp với thiên nhiên, thích nếp sống thanh nhã. Người thích trăng, yêu hoa, thích nghe tiếng chim hót, suôi chảy. Ngắm trăng là một bài thơ như thế.

2. Thân bài: 

Khái quát chung: 

  • Bài thơ “Ngắm trăng” được trích trong tập “Nhật kí trong tù”.
  • Tập thơ được viết trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, khi Bác Hồ từ Pác Bó bí mật lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam.
  • Bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh, vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên vừa chứng minh cho tinh thần lạc quan yêu đời của Bác trong hoàn cảnh tù đày.

Phân tích

Chốn lao tù ngỡ chỉ có tối tăm và lạnh lẽo, vậy mà tâm hồn Bác vẫn vượt lên trên những thứ đen tối đó để hướng ra ngoài, đến một thế giới tươi đẹp có thiên nhiên bầu bạn

Hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn:

  • Trong tù không có rượu cũng chẳng có hoa.
  • Điệp từ “vô” (không) lặp lại hai lần càng nhấn mạnh cái hiện thực nghiệt ngã ấy.

=> Bác đối diện với trăng khi không có rượu cũng chẳng có hoa, chỉ có một tâm hồn cao đẹp đang bị kìm hãm tự do sau song sắt nhà tù. Thế nhưng, điều đó không ảnh hưởng đến việc Bác tìm đến thiên nhiên tươi đẹp, hòa mình vào với thiên nhiên đất trời.

Tinh thần lạc quan phong thái ung dung tự tại, lạc quan cách mạng và khát khao tự do cháy bỏng:

Bức tường nhà lao chật hẹp không thể ngăn cản tâm hồn lãng mạn của Bác tìm đến với vầng trăng xinh đẹp, gửi theo đó khát vọng tự do.

  •  Trăng và Bác đã thực sự trở thành tri âm tri kỉ.
  •  Tâm hồn lãng mạng và phong thái ung dung, tinh thần lạc quan ấy cũng thể hiện chất thép trong thơ Hồ Chí Minh: không bao giờ khuất phục thực tại mà luôn tìm cách vượt lên trên thực tại.

=> Đó là vẻ đẹp của một tâm hồn, một nhân cách lớn vừa có sự tài hoa lãng mạn của thi sĩ, vừa có cái phi thường của người chí sĩ cách mạng.

3. Kết bài: Tâm hồn lãng mạn cùng tinh thần lạc quan đã tạo nên sức mạnh giúp Bác vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác, giữ vững niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.

Bài viết

Hồ Chí Minh là một người rất mực yêu thiên nhiên, khao khát hòa hợp với thiên nhiên, thích nếp sống thanh nhã. Người thích trăng, yêu hoa, thích nghe tiếng chim hót, suôi chảy. Ngắm trăng là một bài thơ như thế.

Bài thơ “Ngắm trăng” được trích trong tập “Nhật kí trong tù”. Tập thơ được viết trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, khi Bác Hồ từ Pác Bó bí mật lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ quốc tế cho cách mạng Việt Nam. Đến thị trấn Túc Vinh, Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, bị đày đọa hơn một năm trời mới được thả tự do. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh, vừa thể hiện tình yêu thiên nhiên vừa chứng minh cho tinh thần lạc quan yêu đời của Bác trong hoàn cảnh tù đày.

Đọc bài thơ, ta không khỏi cảm phục tinh thần và ý chí nghị lực của Bác trong hoàn cảnh khắc nghiệt gian khó. Chốn lao tù ngỡ chỉ có tối tăm và lạnh lẽo, vậy mà tâm hồn Bác vẫn vượt lên trên những thứ đen tối đó để hướng ra ngoài, đến một thế giới tươi đẹp có thiên nhiên bầu bạn:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa

Đối thử lương tiêu nại nhược hà?”

(Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ)

Câu thơ mở ra một hoàn cảnh khắc nghiệt: trong tù không có rượu cũng chẳng có hoa. Điệp từ “vô” (không) lặp lại hai lần càng nhấn mạnh cái hiện thực nghiệt ngã ấy. Uống rượu và thưởng hoa vốn là hai thú vui tao nhã của thi nhân xưa, cũng là chất xúc tác tạo cảm hứng để thi sĩ sáng tác nên những áng thơ trữ tình. Trái ngược với thực tế trốn nhà lao, câu thơ thứ hai vang lên đầy bất ngờ:

“Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”.

Theo câu thơ chữ Hán, ba chữ “nại nhược hà”- biết làm sao đây vang lên chất chứa bao băn khoăn và nỗi niềm tâm sự. Bác đối diện với trăng khi không có rượu cũng chẳng có hoa, chỉ có một tâm hồn cao đẹp đang bị kìm hãm tự do sau song sắt nhà tù. Thế nhưng, điều đó không ảnh hưởng đến việc Bác tìm đến thiên nhiên tươi đẹp, hòa mình vào với thiên nhiên đất trời. Vượt lên trên tất cả, Bác đã có một cuộc vượt ngục bằng tinh thần đầy độc đáo:

“Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao”.

Hai câu thơ cuối khép lại bài thơ làm sáng lên phẩm chất của người tù cách mạng: mặc cho hoàn cảnh hiện tại khắc nghiệt gian khổ, Bác vẫn ung dung, tự tại, lạc quan, yêu đời:

“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.”
(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.)

Bác lặng lẽ ngắm vầng trăng qua song sắt của nhà giam. Bức tường nhà lao chật hẹp không thể ngăn cản tâm hồn lãng mạn của Bác tìm đến với vầng trăng xinh đẹp, gửi theo đó khát vọng tự do. Và như để lại tấm chân tình của Bác, vầng trăng đáp lại bằng cách “khán thi gia” qua khung cửa sổ nhỏ. Trăng và Bác đã thực sự trở thành tri âm tri kỉ. Thi sĩ đã không còn lẻ loi giữa đêm khuya thanh vắng ở chốn lao tù lạnh lẽo. Tâm hồn lãng mạng và phong thái ung dung, tinh thần lạc quan ấy cũng thể hiện chất thép trong thơ Hồ Chí Minh: không bao giờ khuất phục thực tại mà luôn tìm cách vượt lên trên thực tại. Đó là vẻ đẹp của một tâm hồn, một nhân cách lớn vừa có sự tài hoa lãng mạn của thi sĩ, vừa có cái phi thường của người chí sĩ cách mạng.

Vẻ đẹp tâm hồn của Bác dù ở trong hoàn cảnh nào cũng ngời sáng lên những phẩm chất cao cả của một con người vĩ đại. Chính tâm hồn lãng mạn cùng tinh thần lạc quan đã tạo nên sức mạnh giúp Bác vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác, giữ vững niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Văn mẫu lớp 8: Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn của Bác qua bài thơ Ngắm trăng . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu lớp 8. Phần trình bày do hanoi tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận