Danh mục bài soạn

 
 
 
 
 
 
 
 

Sức mạnh của sự khích lệ

Chuyên mục: Văn mẫu 12

Đề bài: Sức mạnh của sự khích lệ

 “Khi bạn đối xử với một người theo cách như thế nào thì họ sẽ có khuynh hướng trở thành người như vậy. Sự khích lệ công nhận những mặt tích cực của người khác sẽ là một nguồn động viên to lớn có sức mạnh diệu kỳ hơn là chỉ để ý vào những lỗi lầm…”

Đó là những lời mở đầu cho cuốn sách của tiến sĩ Ken Blandchard. Nhờ những dòng này, mà tôi đã hiểu ra được sức mạnh của sự khích lệ, nó chính bí quyết của một người thành công trong cuộc sống.

Khích lệ là hành động tác động đến tinh thần làm cho hăng hái, hứng khởi thêm. Đó có thể là những câu nói: “Con làm tốt lắm”, “Bài làm vừa rồi em làm có tiến bộ lắm, cô mong là em sẽ tiếp tục phong độ này cho những bài kiểm tra đến.”.. Khi chúng ta bày tỏ sự mến mộ, cảm kích và khen ngợi dành cho những người yêu thương, họ sẽ cảm nhận được những loại nhu cầu này. Họ thấy mình được yêu thương, được thuộc về, được tôn trọng và có động lực hoàn thiện bản thân hơn. Cho dù những thứ mà mỗi người mơ ước có được có thể không giống nhau, có người cầu danh lợi, có người cầu cuộc sống tự do tự tại, có người cầu được một gia đình hạnh phúc, bình yên. Tuy nhiên, dù là ước muốn gì thì bất kỳ ai cũng luôn mong nhận được sự yêu mến và tôn trọng từ những người xung quanh.

Nhưng vì sao ta lại phải khích lệ người khác? Nhà triết học John Dewey có nói: “Khao khát và động lực sâu xa nhất trong bản chất của nhân loại chính là hy vọng bản thân có được tầm quan trọng”. Vì vậy, khen ngợi, cảm kích đúng lúc khiến người xung quanh cảm thấy rằng họ được trân trọng sẽ có thể giúp họ có khuynh hướng biểu hiện những hành vi tốt đẹp hơn. Từ đó duy trì được các mối quan hệ xã hội tích cực, mỗi người trong vòng tròn gắn kết ấy có thể càng cảm nhận được ý nghĩa và hạnh phúc của cuộc sống. Ngoài ra, lời khích lệ của bạn đôi khi có thể là cứu cánh của một con người. Những lúc chúng ta mệt mỏi, tưởng chừng như gục ngã, chẳng phải ta cũng mong muốn rằng có một ai đó đến và nói với ta rằng: “Bạn làm tốt lắm” hay sao? Một lời động viên có thể thay đổi rất nhiều, và giúp cho người khác thêm yêu đời và phấn đấu nhiều hơn trong cuộc sống.

Để có thể khích lệ được người khác một cách tích cực, bản thân mỗi người nên lắng nghe và tinh tế trước những cử chỉ nhỏ nhặt. Hãy chú ý xem hôm nay bạn mình có đi học sớm hay viết chữ đẹp hơn mọi hôm? Chú ý xem cô giáo hôm nay mặc chiếc áo dài mới có xinh đẹp hơn và cô cũng giảng bài sinh động hơn mọi hôm hay không? Bước về nhà, hãy khen mẹ rằng mẹ nấu cơm ngon quá, lọ hoa mẹ cắm ngoài phòng khách thật đẹp. Những lời khen ấy sẽ giúp cho người đối diện cảm thấy hạnh phúc hơn, và xua tan những mệt mỏi muộn phiền của một ngày.

Nhưng không phải vì thế mà chúng ta nói ra những lời khích lệ một cách vô thưởng vô phạt, nếu chúng ta khích lệ mà không thật sự có thành ý, những lời động viên ấy sẽ mất đi giá trị, thậm chí đôi khi nó còn dễ bị hiểu nhầm thành lời mỉa mai. Một lời khích lệ nên đến từ sự chân thành của bản thân mỗi người.

Để kết thúc bài viết này, xin mượn một câu chuyện về nhà văn Lâm Thanh Huyền, một câu chuyện về sức mạnh của lời động viên, khích lệ. Nhà văn Đài Loan – Lâm Thanh Huyền hồi còn là học sinh cấp hai, học lực và hạnh kiểm của ông đều là xếp loại kém, còn nhớ ông có hai lần mắc lỗi nghiêm trọng và hai lần lỗi nhẹ, cho nên đã bị lưu ban, thậm chí còn bị đuổi ra khỏi ký túc xá của trường.

Rất nhiều thầy cô đã không còn hi vọng gì vào ông, nhưng thầy giáo dạy văn Vương Vũ Thương lại không hề ghét bỏ ông, thường hay đưa ông về nhà ăn cơm, khi thầy bận việc phải nghỉ, còn bảo Lâm Thanh Huyền mang bài lên lớp cho các bạn. Thầy giáo Vương nói với Lâm Thanh Huyền rằng: “Thầy đã dạy học 50 năm, liếc mắt đã nhận thấy con là một học sinh có tài năng”.

Những lời nói này đã khiến cho Lâm Thanh Huyền vô cùng cảm động và bị chấn động sâu sắc trong lòng. Để không phụ lòng nỗi khổ tâm của thầy giáo, ông từ đó về sau nỗ lực cố gắng, quyết tâm làm một người có ích cho xã hội. Quả nhiên, mấy năm sau, Lâm Thanh Huyền đã trở thành một phóng viên nổi tiếng.

 => Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì tech12h có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

1. Mở bài

Bàn về sức mạnh của lời khích lệ

2. Thân bài

- Khích lệ là hành động tác động đến tinh thần làm cho hăng hái, hứng khởi thêm.

- Ta nên khích lệ mọi người, vì:

  • Khen ngợi, cảm kích đúng lúc khiến người xung quanh cảm thấy rằng họ được trân trọng sẽ có thể giúp họ có khuynh hướng biểu hiện những hành vi tốt đẹp hơn.
  • Lời khích lệ của bạn đôi khi có thể là cứu cánh của một con người.

- Để có thể khích lệ được người khác một cách tích cực, bản thân mỗi người nên lắng nghe và tinh tế trước những cử chỉ nhỏ nhặt

- Nhưng không phải vì thế mà chúng ta nói ra những lời khích lệ một cách vô thưởng vô phạt. Một lời khích lệ nên đến từ sự chân thành của bản thân mỗi người.

3. Kết bài

Câu chuyện về sức mạnh của lời khích lệ.

Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Sức mạnh của sự khích lệ . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu 12. Phần trình bày do Anh Thư tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận