Danh mục bài soạn

 
 
 
 
 
 
 
 

Hãy phát biểu ý kiến của anh/chị về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Chuyên mục: Văn mẫu 12

Đề bài: Hãy phát biểu ý kiến của anh/chị về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Bài làm tham khảo: 

Bước vào thế kỷ 21, khoa học ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại; việc học vẫn luôn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bởi học không chỉ để trau dồi kiến thức, mà học còn để làm người, trở thành một người có ích cho xã hội. Mục đích học tập đã được UNESCO đề xướng một cách rõ ràng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.”

Trước hết, ta cần tìm hiểu khái niệm học tập. Học hay còn gọi là học tập, học hành, học hỏi là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau. Khả năng học hỏi là sở hữu của loài người, một số động vật và một số loại máy móc nhất định. Tiến bộ theo thời gian có xu hướng tiệm cận theo đường cong học tập. Học tập cũng như việc học tập bài bản không bắt buộc, tùy theo hoàn cảnh. Nó không xảy ra cùng một lúc, nhưng xây dựng dựa trên và được định hình bởi những gì chúng ta đã biết. Học tập có thể được xem như một quá trình, chứ không phải là một tập hợp các kiến ​​thức thực tế và các hủ tục giáo điều. Việc học tập của con người có thể xảy ra như là một phần của giáo dục, đào tạo phát triển cá nhân.

Vậy, học để biết nghĩa là gì? Nói cách khác, học để biết chính là nắm kĩ những lý thuyết, những tri thức trong cuộc sống. Dù lanh lợi đến đâu, cũng cần phải hiểu rõ ngọn nguồn của lý thuyết, của vấn đề để có thể giải đáp được những câu hỏi trong cuộc sống. Không chỉ là học lý thuyết, ta còn phải học để làm, làm ở đây chính là thực hành, vận dụng. Dù ta có nắm vững kiến thức đến đâu, ta cũng cần phải thực hành để có thể quen tay, thành thục và tự tin vào tay nghề của mình. Làm không chỉ là công việc nghề nghiệp, mà còn là những việc trong đời sống hằng ngày. Học còn để chung sống, tức là học cách đối nhân xử thế, cách ứng xử trong cuộc đời. Một người dù giỏi đến đâu đi nữa, cũng cần phải có năng lực giao tiếp để duy trì tốt những mối quan hệ hằng ngày. Và cuối cùng, học là để khẳng định mình. Nhu cầu tự khẳng định của con người rất cao. Chúng ta không còn sống trong thời kì “phải có danh gì với núi sông”, phải làm “anh hùng trong trời đất”, nhưng học cũng là một cách giúp chúng ta có ý nghĩa trong cuộc đời. Bởi đời người rất dài, nhưng thực chất cũng chỉ rất ngắn so với vạn vật, chúng ta không thể để cuộc đời trở nên vô nghĩa, mà sống sao cho có ích, sao cho xứng đáng với sự hiện hữu của ta trong đời này.

Cần phải làm rõ rằng học ở đây không chỉ là học trong nhà trường, mà còn là học từ bạn bè, từ gia đình, những người xung quanh, học trong đời sống. Học tập là việc cả đời, không phải chỉ trong một chốc là xong ngay được. Quá trình tôi luyện khả năng, hình thành nhân cách cũng chính là một quá trình học tập lâu dài. Vậy chúng ta phải làm gì để có thể học để biết, để làm, để chung sống và để khẳng định mình? Trước hết, đến từ những nhân tố khách quan, cộng đồng phải cùng nhau chung tay tạo nên một môi trường học tập thuận lợi. Giúp các em hiểu được rằng học tập là một điều thú vị, chứ không phải là một điều cực nhọc chỉ có đau khổ mà thôi. Gia đình có thể giáo dục các em ngay từ nhỏ, từ những điều tưởng như đơn giản nhất, để các em có thể thấy được ý nghĩa của tri thức, của kỹ năng. Nhưng trên hết, bản thân học sinh phải có ý thức rèn luyện, hình thành những năng lực chung và năng lực riêng, để có được điều đó, học sinh phải hiểu được bản chất của việc học.

Để có thể học thật tốt, phải áp dụng được cả bốn mục tiêu vào trong việc học. Bởi học không phải chỉ có biết là được, không phải chỉ giỏi lý thuyết là xong. Học phải đi đôi với hành, và có kỹ năng rồi thì phải học được cách ứng xử trong đời sống, từ đó học cách tôn trọng mọi người, cũng như tôn trọng chính bản thân mình.

Một ai đó từng nói: “Cuộc đời là một chuyến đi dài, mỗi bước chân về với cái chết là mỗi bước chân tự khẳng định mình.” Trên hành trình dài ấy, để khẳng định được bản thân, ta phải trau dồi và rèn luyện năng lực của bản thân, để sống một cuộc đời ý nghĩa, trở thành một cá nhân có ích cho cộng đồng. Muốn như vậy, ta phải không ngừng học tập, hiểu được bản chất của sự học, như mục đích học tập mà UNESCO từng đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì tech12h có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

1. Mở bài

Giới thiệu về vai trò của việc học và nêu ra mục đích học tập do UNESCO đề xướng

2. Thân bài

- Giải thích khái niệm học

  • Quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích
  • Học tập cũng như việc học tập bài bản không bắt buộc, tùy theo hoàn cảnh.
  • Học tập có thể được xem như một quá trình, chứ không phải là một tập hợp các kiến ​​thức thực tế và các hủ tục giáo điều.
  • Việc học tập của con người có thể xảy ra như là một phần của giáo dục, đào tạo phát triển cá nhân.

- Giải thích bốn mục đích học tập

  • Học để biết
  • Học để làm
  • Học để chung sống
  • Học để tự khẳng định mình

- Nêu ra các phương án để thực hiện tốt mục tiêu học tập.

  • Không chỉ là học trong nhà trường, mà còn là học từ bạn bè, từ gia đình, những người xung quanh, học trong đời sống.
  • Cộng đồng phải cùng nhau chung tay tạo nên một môi trường học tập thuận lợi.
  • Gia đình có thể giáo dục các em ngay từ nhỏ, từ những điều tưởng như đơn giản nhất, để các em có thể thấy được ý nghĩa của tri thức, của kỹ năng.
  • Bản thân học sinh phải có ý thức rèn luyện, hình thành những năng lực chung và năng lực riêng, để có được điều đó, học sinh phải hiểu được bản chất của việc học.

- Bốn mục tiêu cần phải gắn kết với nhau.

3. Kết bài

- Chốt lại vấn đề và khẳng định lại lần nữa các mục đích do UNESCO đề xướng

 

Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Hãy phát biểu ý kiến của anh/chị về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu 12. Phần trình bày do Anh Thư tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận