Danh mục bài soạn

 
 
 
 
 
 
 
 

Hãy phát biểu ý kiến của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”

Chuyên mục: Văn mẫu 12

Đề bài: Hãy phát biểu ý kiến của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”

Quãng đời học tập của chúng ta thường kéo dài hàng chục năm với các cấp học, Đại học rồi Thạc sĩ, Tiến sĩ; nhưng không phải lúc nào người ta cũng ý thức được mình học để làm gì, những điều mình học giúp ích được gì trong cuộc sống. Để có thể đúc rút được ý nghĩa của sự học nhằm giúp mọi người hình dung được hướng đi cho cuộc đời, UNESCO đã đề xướng bốn mục đích học tập, bao gồm “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Để hiểu rõ hơn về câu nói này, trước tiên ta phải hiểu “học tập” nghĩa là gì. Học hay còn gọi là học tập, học hành, học hỏi là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau. Khả năng học hỏi là sở hữu của loài người, một số động vật và một số loại máy móc nhất định. Học tập cũng như việc học tập bài bản không bắt buộc, tùy theo hoàn cảnh. Nó không xảy ra cùng một lúc, nhưng xây dựng dựa trên và được định hình bởi những gì chúng ta đã biết. Học tập có thể được xem như một quá trình, chứ không phải là một tập hợp các kiến ​​thức thực tế và các hủ tục giáo điều. Việc học tập của con người có thể xảy ra như là một phần của giáo dục, đào tạo phát triển cá nhân.

Mục đích học tập về cơ bản là đáp ứng hai yêu cầu: kiến thức và thực hành, từ đó từng bước hoàn thiện nhân cách. “Học để biết” chính là yêu cầu đầu tiên của sự học. Bởi chúng ta phải tiếp thu kiến thức để có thể hình thành nên một hệ thống chung ở mức phổ thông. Quá trình tiếp nhận kiến thức sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về quy luật vận động của tự nhiên, những quy tắc chuẩn mực của xã hội, cách sống và hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Thu nhận kiến thức có thể nói là mục đích học tập cơ bản nhất. Dẫu rằng không phải bất cứ cái gì ta cũng cần phải biết, nhưng ít nhất chúng ta nên biết được những kiến thức phổ thông và cơ bản giúp cho ta tồn tại trong cuộc sống, trở thành tiền đề để tiếp tục phát triển ngành nghề.

Ngoài ra, ta còn “học để làm”, như một cách thực hành những kiến thức mà ta đã tiếp thu. Chúng ta phải kết hợp song song việc học và làm với nhau có như vậy việc học mới thực sự có ích. Học và làm việc dựa trên những kiến thức đã học vừa là mục đích vừa còn là phương pháp học tập. Một khi đã nắm vững kiến thức, đã tiếp thu kiến thức mà không vận dụng vào thực tiễn thì việc học cũng trở nên vô nghĩa.

Học còn là để “chung sống”, nghe có vẻ khá lạ lẫm, nhưng đó cũng là một trong những giá trị cốt lõi của việc học. Con người tồn tại trong xã hội như một thực thể gắn kết với các thực thể khác, để hình thành nên một cộng đồng dựa vào nhau cùng tồn tại. Bạn có thể là một người độc lập đầy cá tính, nhưng không có nghĩa là bạn có thể sống mà không cần đến một ai. Chung sống là khả năng hòa nhập, ứng xử, giao tiếp xã hội. Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.

Và cuối cùng, “học để tự khẳng định mình”. Chúng ta học còn là để khẳng định vị trí và ý nghĩa của mình trong xã hội lẫn trong đời sống. Từ việc học, mỗi người sẽ có thể khẳng định tri thức và giá trị của bản thân thông qua khả năng lao động , sáng tạo, khẳng định nhân cách, phẩm giá.

Những mục đích học tập này phải gắn liền với nhau, không thể tách rời, bởi nó sẽ hình thành nên một con người với giá trị toàn vẹn. Suy cho cùng, việc học đâu thể chỉ dừng lại ở học lý thuyết, dừng lại ở việc làm quần quật? Việc học còn là hành động nhân văn, để ta từng ngày hòa nhập với đời sống, thể hiện được ý nghĩa của ta trong cuộc đời này.

Để có thể gắn kết được những mục đích của việc học, trước hết ta cần xác định rằng việc học là việc của cả cuộc đời, chứ không chỉ là những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Ta cần xây dựng một môi trường học tập thật tốt cho học sinh, nơi học sinh có thể thoải mái tiếp thu kiến thức mà không bị áp lực đè nén. Gia đình nên giáo dục con ngay từ nhỏ bằng cách cho con hiểu được giá trị của việc học, không phải là ở tiền bạc hay quyền lực, mà là ở giá trị tri thức. Và cuối cùng, bản thân mỗi chúng ta phải không ngừng phấn đấu, trở thành những người có ích cho xã hội, có mục tiêu và chí hướng trong đời.

Không phải ai cũng có thể học giỏi, không phải ai cũng là người hoàn hảo, có nhiều người lại thông minh ở những lĩnh vực khác. Nhưng trên hết, ta phải ý thức được rằng không phải vì thế mà ta bỏ bê sự học của mình. Bởi việc học là việc cả đời, và không phải chỉ dừng ở việc tích lũy kiến thức nhằm thi cử, mà như UNESCO đã đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”

 => Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì tech12h có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

1. Mở bài

Giới thiệu về các mục tiêu học tập do UNESCO đề xướng.

2. Thân bài

- Khái niệm học tập

- Các mục tiêu học tập:

  • Học để biết: Quá trình tiếp nhận kiến thức sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về quy luật vận động của tự nhiên, những quy tắc chuẩn mực của xã hội, cách sống và hiểu hơn về giá trị cuộc sống.
  • Học để làm: một cách thực hành những kiến thức mà ta đã tiếp thu.
  • Học để chung sống: Chung sống là khả năng hòa nhập, ứng xử, giao tiếp xã hội. Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.
  • Học để tự khẳng định mình: mỗi người sẽ có thể khẳng định tri thức và giá trị của bản thân thông qua khả năng lao động , sáng tạo, khẳng định nhân cách, phẩm giá.

- Phải gắn kết cả bốn mục tiêu học tập một cách toàn vẹn

- Để gắn kết được việc học một cách toàn vẹn như thế, ta cần cần xác định rằng việc học là việc của cả cuộc đời, chứ không chỉ là những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

  • Xây dựng một môi trường học tập thuận lợi
  • Gia đình giáo dục về giá trị của tri thức
  • Bản thân không ngừng cố gắng, học hỏi

3. Kết bài

Khẳng định bốn mục tiêu học tập do UNESCO đề xướng.

Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Hãy phát biểu ý kiến của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu 12. Phần trình bày do Anh Thư tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận