Danh mục bài soạn

Giải địa lí 7 CTST bài 23 Thiên nhiên châu Nam Cực

Hướng dẫn học môn Lịch sử và địa lí 7 sách mới Chân trời sáng tạo. Dưới đây là lời giải chi tiết bài 23: Thiên nhiên châu Nam Cực. Từng bài tập được giải chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu. Hi vọng, hocthoi.net sẽ hỗ trợ các em trong quá trình học tập, giúp các em ngày càng tiến bộ hơn.

1. Đặc điểm tự nhiên

a. Địa hình

Câu hỏi: Dựa vào hình 23.1, hình 23.2 và thông tin trong bài, em hãy cho biết đặc điểm nổi bật của địa hình bề mặt châu Nam Cực.

Lời giải

* Đặc điểm nổi bật của địa hình bề mặt châu Nam Cực:

- Gần như toàn bộ địa hình châu Nam Cực được bao phủ bởi lớp băng dày. Lớp phủ băng làm cho bề mặt châu lục trở nên bằng phẳng, tạo thành các cao nguyên băng rộng lớn, có dạng như những chiếc khiên khổng lồ: ở phần trung tâm địa hình cao, càng đi ra ngoài rìa càng thấp dần.

- Ngoài ra, ở Nam Cực còn có các băng thềm lục địa, hình thành chủ yếu trong các vịnh biển và các vùng bờ biển nông.

b. Khí hậu

Câu hỏi: Dựa vào hình 23.3, hình 23.4 và thông tin trong bài, em hãy:

- Nhận xét lượng mưa hằng năm và sự phân bố lượng mưa ở châu Nam Cực.

- Nhận xét nhiệt độ trung bình năm tại các trạm. Cho biết sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm như thế nào?

Lời giải:

* Lượng mưa hằng năm và sự phân bố lượng mưa ở châu Nam Cực:

- Lượng mưa hằng năm ở châu Nam Cực rất thấp, trung bình chỉ khoảng 166 mm/năm.

- Sự phân bố lượng mưa ở châu Nam Cực:

+ Mưa chủ yếu xảy ra vào mùa hè ở các khu vực ven biển và các đảo xung quanh, vùng nội địa gần như không có mưa.

+ Phần lớn mưa ở châu Nam Cực dưới dạng tuyết rơi.

* Nhiệt độ trung bình năm tại các trạm và sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm:

- Trạm Bai-đơ: 

+ Nhiệt độ trung bình năm rất thấp: -27,9oC

+ Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm: nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa các tháng mùa đông và mùa hè (chênh lệch 22,2oC).

  • Mùa đông tháng lạnh nhất là tháng 9 (-36,6oC)
  • Mùa hè tháng ấm nhất là tháng 12 (-14,4oC)

- Trạm Mai-xơn:

+ Nhiệt độ trung bình năm thấp: -11,9oC

+ Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm: nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa các tháng mùa đông và mùa hè (chênh lệch 17,5oC).

  • Mùa đông tháng lạnh nhất là tháng 9 (-18,2oC)
  • Mùa hè tháng ấm nhất là tháng 1 (-0,7oC)

=> Khí hậu châu Nam Cực giá buốt với nhiệt độ thấp (không bao giờ vượt quá 0°C) và ổn định kéo dài trong suốt năm. Nhiệt độ trung bình trong năm có sự dao động lớn giữa các tháng mùa đông và các tháng mùa hè. 

 c. Sinh vật

Câu hỏi: Dựa vào hình 23.5 và thông tin trong bài, em hãy:

- Kể tên một số loài sinh vật chính ở châu Nam Cực.

- Cho biết tại sao các sinh vật tồn tại được trong điều kiện môi trường khắc nghiệt ở châu Nam Cực?

Lời giải:

* Một số loài sinh vật chính ở châu Nam Cực: 

- Thực vật: như rêu, địa y, tảo, nấm

- Động vật như thú chân vịt, chim cánh cụt, hải cẩu, hải báo, các loài chim biển,...

* Các sinh vật tồn tại được trong điều kiện môi trường khắc nghiệt ở châu Nam Cực vì các loài động vật ở Châu Nam Cực có lớp mỡ dày, lớp lông rậm không thấm nước, đặc điểm cơ thể thích nghi với nhiệt độ khoảng -40oC đến -50oC. Đồng thời chúng có nguồn thức ăn dồi dào do vùng ven bờ và các đảo có nhiệt độ tương đối ấm nên thuận lợi cho các loài động vật sinh sống.

d. Khoáng sản

Câu hỏi: Dựa vào hình 23.1 và thông tin trong bài, em hãy:

- Kể tên các loại khoáng sản ở châu Nam Cực.

- Cho biết dầu mỏ và khí tự nhiên phân bố chủ yếu ở đâu?

Lời giải:

* Các loại khoáng sản ở châu Nam Cực: than đá, sắt, dầu mỏ, khí tự nhiên.

* Dầu mỏ và khí tự nhiên phân bố chủ yếu ở biển Rớt.

2. Kịch bản về sự thay đổi thiên nhiên châu Nam Cực khi có biến đổi khí hậu toàn cầu

Câu hỏi: Quan sát hình 23,6 và dựa vào thông tin trong bài, em hãy viết kịch bản về sự thay đổi thiên nhiên châu Nam Cực khi có biến đổi khí hậu toàn cầu.

Lời giải:

- Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỉ XXI tăng 1,1°C  - 2,6°C  (dao động đến 2,6°C - 4,8°C) so với trung bình thời kì 1986 - 2005.

- Mực nước biển toàn cầu tiếp tục tăng lượng mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng gia tăng.

- Nhiệt độ Trái Đất tăng lên dẫn đến lớp băng ở Nam Cực tan chảy ngày càng nhiều hơn. Lớp băng có xu hướng di chuyển từ vùng trung tâm ra xung quanh, khi đến bờ, băng bị vỡ ra, cùng với các khối băng thềm lục địa tạo thành các núi băng trôi trên biển, rất nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại.

- Băng tan làm thu hẹp địa bàn sinh sống của loài chim cánh cụt, làm giảm số lượng loài chim này ở châu Nam Cực. Ngoài ra, băng tan còn làm thay đổi độ mặn của nước biển, làm giảm sút khối lượng các sinh vật phù du, các loài nhuyễn thể vốn là thức ăn của cá voi, hải cẩu, chim cánh cụt.

- Điều kiện khí hậu ấm lên cũng làm các loài tảo, rêu, địa y phát triển, dẫn đến cảnh quan môi trường bị thay đổi. Hơn nữa, các loài thực vật này hấp thụ ánh nắng mặt trời, làm nhiệt độ xung quanh tăng lên khiến băng tan nhanh hơn.

Luyện tập

Câu 1. Lập sơ đồ tóm tắt những đặc điểm chính của thiên nhiên châu Nam Cực.

Câu trả lời:

* Những đặc điểm chính của thiên nhiên châu Nam Cực:

Câu 2. Giải thích vì sao châu Nam Cực được gọi là hoang mạc lạnh của thế giới?

Câu trả lời:

* Châu Nam Cực được gọi là hoang mạc lạnh của thế giới vì khí hậu ở đây giá buốt với nhiệt độ thấp (không bao giờ vượt quá 0°C) và ổn định kéo dài trong suốt năm. Mùa đông (từ tháng 3 đến tháng 10) là thời kì lạnh nhất, nhiệt độ trung bình tháng ở rìa lục địa xuống tới – 15°C đến - 20oC còn ở vùng trung tâm đạt tới - 60°C đến - 70°C. Lượng mưa hằng năm ở châu Nam Cực rất thấp và phần lớn mưa ở châu Nam Cực dưới dạng tuyết rơi. Bề mặt hầu như bị bao phủ bởi một lớp băng dày.

Vận dụng

Câu 3. Đặc điểm nào về tự nhiên của châu Nam Cực làm em ấn tượng nhất? Hãy thu thập thêm thông tin về đặc điểm ấy.

Câu trả lời:

* Động vật ở châu Nam Cực
   Châu Nam Cực là một trong những khu vực có thời tiết khắc nghiệt nhất trên thế giới, nơi đây không hề có dấu vết sinh sống của con người nhưng vẫn có sự sinh tồn của một số loài động vật nhờ vào cấu tạo cơ thể đặc biệt và nguồn thức ăn phong phú tại lục địa này như chim cánh cụt, hải cẩu, cá voi,… 
- Chim cánh cụt hoàng đế
  Chim cánh cụt lại là sinh vật đặc trưng của Cực Nam thế giới mà không có ở bất cứ một vùng đất nào khác. Trong số các loài chim cánh cụt, cánh cụt hoàng đế là loại chim lớn nhất và nặng nhất trong số tất cả những loài cánh cụt sinh sống và đặc hữu ở Châu Nam Cực. Con trống và con mái có bộ lông và kích thước tương tự nhau, chiều cao đạt tới 122 cm và cân nặng từ 22 đến 45 kg. Đầu và lưng chúng màu đen, bụng và chân màu trắng, ngực màu vàng nhạt và tai màu vàng tươi.
Chim cánh cụt hoàng đế có thể lao xuống biển với độ sâu 500 mét mò thức ăn, giữ hơi thở lâu đến 22 phút. Điều này cho phép chúng tận dụng được nguồn tài nguyên mà các loài chim khác không với tới. Những cú lượn dài lên bề mặt có thể giúp cánh cụt hoàng đế bảo tồn được năng lượng trong những lần lặn sâu. Một bí quyết khác là khung xương rắn chắc của chúng. Trong khi chim trời tiến hóa để xương xốp, làm giảm cân nặng, thì ngược lại cánh cụt thường có bộ xương đặc hơn, làm giảm độ nổi và nhờ đó chúng có thể lao xuống sâu hơn. Sau cùng, cánh cụt hoàng đế không bao giờ bị ướt. Lớp lông ngoài cùng của chúng phẳng lỳ, phủ đầy dầu và cách nước. Có một khoảng trống giữa lớp lông này và lớp da mà nước không bao giờ lọt vào được, giữ cho con chim khỏi hóa thành cục băng trong biển Nam cực. Chim cánh cụt hoàng đế là loài sống theo quần thể, có tính xã hội cao, luôn tập trung theo bầy đàn. Mỗi quần thể có thể lên tới hàng chục nghìn con và các cá thể trong đàn có thể sưởi ấm cho nhau. Những con chim cánh cụt đực sẽ đảm nhận vai trò ấp trứng trong vòng khoảng hai tháng trong khi những con cái sẽ đi kiếm ăn trên biển. Chế độ ăn uống của chúng bao gồm loài nhuyễn thể, động vật giáp xác, cá nhỏ, mực,…
- Hải cẩu Weddell
   Hải cẩu Weddell là một trong số ít loài có thể thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Nam Cực. Chúng sống phân bố ở nhiều vùng trên lục địa này. Hải cẩu Weddell có chiều dài khoảng 2,5m. Con đực có trọng lượng nhẹ hơn con cái, thường khoảng 500 kg hoặc ít hơn. Hải cẩu đực có xu hướng cổ dày hơn, đầu và mõm rộng hơn so với con cái.
Hải cẩu Weddel có cấu tạo cơ thể thuôn dài, không có tai ngoài, chân màng sau chĩa về phía sau và không thể xoay về phía trước. Xương sống mềm dẻo giúp hải cẩu dễ uốn lượn, nhào lộn trong nước. Xương chân ngắn, xương ngón chân dài giống như hình mái chèo. Khi bơi, chúng vỗ mạnh 2 chân sau vào nhau và quẫy sang 2 bên. Khi trên cạn, chúng không thể đi bằng chân mà chỉ trườn bằng bụng. Sống theo quần thể là tập tính của loài hải cẩu này. Hàng năm vào mùa xuân, hải cẩu tập trung thành đàn tìm nơi an toàn trên bờ biển để sinh sản. Chúng còn rất nhanh lớn nhờ sữa giàu chất béo. Chế độ ăn uống của chúng cũng tương tự loài chim cánh cụt bao gồm loài nhuyễn thể, động vật giáp xác, cá nhỏ, mực,…
- Loài giáp xác Euphausia superb
   Giáp xác Euphausia superb, sinh sống ở các vùng nước Nam Cực. Tuy là một loài động vật giáp xác bơi nhỏ nhưng có dân số đông đảo và là loài chính trong hệ sinh thái ở đây. Vì là loài giáp xác đặc biệt, sinh sống dưới đáy đại dương và ở vùng khí hậu lạnh giá nên Euphausia superb còn được gọi là Giáp xác Nam Cực hay Tôm Nam Cực.
Giáp xác Nam Cực ăn các loài thực vật phù du, và chúng lại trở thành mồi cho rất nhiều loài động vật khác bao gồm cá, chim cánh cụt, hải cẩu và cá voi. Thực vật phù du là điểm khởi đầu cho chuỗi thức ăn của sinh vật biển. Nhờ có quá trình quang hợp, chúng có thể lấy cacbon từ khí cacbonic. Giáp xác sống ở những vùng biển thông thoáng, chủ yếu sống theo đàn tập trung, đạt tới con số cá thể trong đàn cực lớn tại Nam Cực. Giáp xác Nam Cực có thể đạt chiều dài 6 cm và có tuổi thọ khoảng 5 đến 6 năm. Chúng là một trong những nguồn cung cấp protein lớn nhất trên thế giới. Chúng cũng có thể bị đánh bắt dễ dàng khi dùng những tấm lưới lớn nhằm phục vụ cho nhu cầu của con người. Tổng sản lượng giáp xác tại Nam Cực ước tính vào khoảng 50 đến 150 triệu tấn.

Bên cạnh các loài động vật đặc trưng kể trên, tại Nam Cực còn nhiều loài động vật khác như cá voi lưng gù, hải báo, cá băng, chim nhạn, mực ống,… 

Từ khóa tìm kiếm google:

giải địa lý 7 CTST, giải lịch sử và địa lí 7 CTST, giải sách chân trời môn địa lý 7, giải địa lý 7 bài 23 chân trời, giải bài thiên nhiên châu Nam Cực
lsdl7ctst
Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Giải địa lí 7 CTST bài 23 Thiên nhiên châu Nam Cực . Bài học nằm trong chuyên mục: Giải lịch sử và địa lí 7 chân trời sáng tạo. Phần trình bày do Nguyễn Hảo tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận