Danh mục bài soạn

Bài văn: Phân tích cuộc đời của Chí Phèo sau khi ra tù đến khi gặp Thị Nở bài mẫu 3

Chuyên mục: Văn mẫu 11

Đề bài. Phân tích cuộc đời của Chí Phèo sau khi ra tù đến khi gặp Thị Nở. Bài mẫu 3 - ngữ văn 11

Bài làm:

Nam Cao là nhà văn của những người nông dân lao động. Bằng ngòi bút nhân đạo sâu sắc của mình ông sáng tạo nên truyện ngắn "Chí Phèo". Chí Phèo là hiện thân cho sự đau khổ khốn cùng của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Cuộc đời Chí là một chuỗi bi kịch bất hạnh, đặc biệt là thời gian sau khi ra tù đến khi gặp Thị Nở.

Chí Phèo là một đứa trẻ đáng thương với tuổi thơ đầy bất hạnh. Hắn không cha, không mẹ, không người thân thích, không tấc đất cắm dùi, bị bỏ rơi “trần truồng và xám ngắt trong một cái váy đụp” ở cái lò gạch cũ bỏ không. Chí bơ vơ, hết đi ở cho nhà này đến nhà khác nhưng được lớn lên trong sự yêu thương của những người dân nghèo. Năm hai mươi tuổi, hắn làm canh điền cho nhà lí Kiến. Khi ấy, hắn là một anh canh điền khỏe mạnh, hiền lành như đất, làm việc chăm chỉ quần quật. Nhưng vì cơn ghen tuông vu vơ, vô lý, bá Kiến ( khi ấy là lý ) đẩy Chí vào tù. 

 Phân tích cuộc đời của Chí Phèo sau khi ra tù đến khi gặp Thị Nở - bài mẫu 3

Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho tên cường hào ác bá, tàn nhẫn nhào nặn, biến anh nông dân hiền lành, khỏe mạnh, lương thiện và tự trọng thành tên lưu manh hóa. Bảy tám năm sau, Chí rời khỏi nhà tù. Nhà tù thực dân đã làm méo mó đi nhân dạng của Chí, phá hủy cả nhân tính đẹp đẽ. Trở về làng Vũ Đại, người ta đã không nhận ra hình dạng con người của anh canh điền ngày ấy. Trước mắt họ chỉ là một tên lưu manh với một nhân hình gớm ghiếc “cái đầu thì trọc lóc, cái mặt thì đen mà lại rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết… cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế”. 

Những người từng yêu thương nuôi nấng hắn lớn lên ngày xưa lại lựa chọn quay lưng với hắn hôm nay. Cả xã hội ruồng bỏ hắn. Tên tuổi hắn cũng không có trong sổ làng, người ta vẫn chỉ khai hắn vào hạng dân lưu tán, lâu năm không về làng. Tất cả mọi người đều sợ hắn, “tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua”. Ngày nào hắn cũng chửi, nhưng ai cũng nghĩ “mặc thây cha nó” “chắc nó chừa mình ra”, ai cũng chẳng thèm nghe. Hắn khác nào “những người say rượu hát”. Sự xuất hiện của tiếng chửi cùng cái dáng “vừa đi vừa chửi” của Chí gây cho người đọc nỗi ám ảnh khôn nguôi về bi kịch của một người bị tha hóa đang gặm nhấm nỗi cô đơn tuyệt vọng. Hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi tất cả những ai không chửi nhau với hắn, chửi cả “ đứa nào đẻ ra chính hắn”. Chí Phèo cứ chửi, “chửi rồi lại nghe”. “Hắn thèm được người ta chửi, chửi hắn có nghĩa là còn công nhận hắn là người”. Thế nhưng hắn cứ chửi, đáp lại hắn chỉ là “sự im lặng đáng sợ”, “ chỉ có 3 con chó dữ với 1 thằng say rượu”. Ra tù, Chí hoàn toàn bị xã hội cự tuyệt quyền làm người một cách tuyệt đối. 

Nhân hình méo mó biến dạng, nhân tính cũng tha hóa bởi nhà tù thực dân. Nhà tù thực dân bắt nhốt một anh canh điền hiền lành khỏe mạnh rồi trả về cho xã hội một kẻ lưu manh liều mạng. Chí xông thẳng đến nhà Bá Kiến, chửi “mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất”, hắn đập vỡ vỏ chai, rạch mặt cho máu chảy rồi kêu trời ăn vạ. Chí Phèo hận Bá Kiến và hành động như một tên đầu bò ngang ngược trước cổng nhà lão ta. Nhưng Bá Kiến là người mưu mô xảo quyệt, chỉ bằng một bữa rượu, vài câu mơn trớn, vài đồng bạc đãi thêm Bá Kiến đã làm “Chí Phèo vô cùng hả hê”. Thậm chí, hắn còn mơ hồ về chuyện “có họ” với lí Cường. Sau đó, Chí lại dở trò lưu manh đốt quán mụ bán rượu, vác dao đến nhà cụ Bá xin đi ở tù "bẩm quả đi ở tù sướng quá!”. 

Trong sáu ngày sau khi ra tù, hắn đến nhà Bá Kiến gây sự hai lần. Hắn không sợ hãi Bá Kiến mà dám nghiến răng hăm dọa: “con phải đâm chết vài ba thằng rồi cụ bắt con giải huyện”. Bá Kiến đâu phải kẻ địa chủ bình thường, thủ đoạn của hắn làm Chí nhanh chóng trở thành “đầy tớ chân tay mới” của Bá Kiến. Chí đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ, để rồi sau đó, chính hắn lại trở thành con quỷ dữ ghê tởm của làng Vũ Đại. Hắn dần chìm vào vũng bùn tăm tối, đầy tội ác. Ý niệm về thời gian mất dần, hắn không biết “đã dài bao nhiêu năm rồi”, hắn “ba mươi tám hay ba mươi chín? Bốn mươi hay ngoài bốn mươi?’’. Khuôn mặt Chí Phèo lúc bấy giờ giống như “cái mặt của con vật lạ” với bao nhiêu sẹo “vằn dọc vằn ngang”, vết mảnh chai rạch mặt ăn vạ! Cuộc đời hắn dần dần chồng chất tội lỗi lẫn tội ác “bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách đâm chém, người ta giao cho hắn làm”; “Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện”. Hắn đâm thuê chém mướn để kiếm tiền mà uống rượu, để đắm mình trong những cơn say từ ngày này qua ngày khác. Và bán đi linh hồn mình, biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. 

Ngỡ rằng, Chí đã trượt dài trên con đường lưu manh hóa không cách nào quay lại. Nhưng, tấm lòng nhân đạo của Nam Cao vẫn phát hiện ra cái tiềm ẩn trong Chí, để cho Chí gặp Thị Nở và thức tỉnh lương tâm, linh hồn mình. Cuộc gặp gỡ vô tình với Thị Nở đã gây ra nhiều biến động trong tâm lý của Chí Phèo. Giữa ngã rẽ của sự thức tỉnh nhân tính, của khát khao được sống làm người bi kịch lại xuất hiện, cuộc đời Chí lại tiếp tục bước sang trang khác...

Có thể nói, quãng thời gian từ sau khi ra tù đến khi gặp Thị Nở là quãng thời gian đau khổ, đầy bi kịch của Chí Phèo. Với ngòi bút hiện thực xuất sắc, cách miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế và logic, Nam Cao đã khắc họa thành công nhân vật Chí Phèo - kẻ lưu manh tha hóa do tội ác của xã hội thực dân. Ngôn ngữ truyện đặc biệt tự nhiên, sinh động, sử dụng khẩu ngữ quần chúng một cách triệt để, nhưng mang đậm hơi thở đời sống, văn hoá đời sống. Ngôn ngữ kể chuyện vừa là ngôn ngữ của tác giả, đồng thời cũng là ngôn ngữ của nhân vật, giọng điệu đan xen, tạo nên một thứ ngôn ngữ đa thanh đặc sắc. Qua đó, Nam Cao đã tái hiện chân thực bản chất của xã hội đương thời, hủy hoại con người, đẩy người nông dân vào con đường lưu manh hóa để tồn tại. Nhà văn cũng thể hiện niềm cảm thương sâu sắc với những cuộc đời khốn khổ, gửi gắm giá trị nhân đạo sâu sắc. "Chí Phèo" nhờ vậy đã trở thành tác phẩm tiêu biểu cho tài năng và tấm lòng của Nam Cao, đặc biệt trở thành tác phẩm văn học xuất sắc của nền văn học Việt Nam.

Xây dựng hình tượng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, Nam Cao đã đạt tới tầm cao của tư tưởng nhân đạo khi nhìn nhận và đánh giá người nông dân trước Cách mạng tháng Tám. Trang truyện khép lại, song trong trái tim người đọc vẫn còn ám ảnh cái dáng đi lảo đảo khi say rượu của Chí Phèo. Và cho đến hôm nay, "Chí Phèo" vẫn là một tác phẩm có sức sống lâu bền trong các thế hệ độc giả.

Phần trên, hocthoi.net đã soạn đầy đủ lý thuyết và bài tập của bài học: Bài văn: Phân tích cuộc đời của Chí Phèo sau khi ra tù đến khi gặp Thị Nở bài mẫu 3 . Bài học nằm trong chuyên mục: Văn mẫu 11. Phần trình bày do ctv1 tổng hợp và thực hiện giải bài. Nếu có chỗ nào chưa rõ, có phần nào muốn hiểu rộng thêm, bạn đọc vui lòng comment bên dưới. Ban biên tập sẽ giải đáp giúp các bạn trong thời gian sớm nhất.

Bài soạn các môn khác

Bình luận